Thử thách cho kinh tế Việt Nam

ThienNhien.Net – Cuộc họp không chính thức của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đã diễn ra ngày 08/06, trong đó cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết những khó khăn kinh tế gần đây, và cam kết tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế ở một vị thế cao hơn.

Tại cuộc họp, Chính phủ và các nhà tài trợ cùng nhau đánh giá lại tình hình quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian gần đây, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đến đời sống xã hội. Các đại biểu cũng nghe báo cáo kết quả của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và báo cáo từ Đối thoại phòng chống tham nhũng, thảo luận về tầm quan trọng của việc quản trị tốt cũng như nỗ lực trong việc phòng chống tham nhũng. Những thách thức được đề ra đối với Việt Nam trong tương lai như biến đổi khí hậu, và làm thế nào để nâng cao hiệu quả viện trợ cũng được thảo luận tại hội nghị.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, điểm lại tình hình thực hiện gói kích cầu kinh tế gần đây, hiệu quả lên nền kinh tế, cũng như những thách thức trong nước và quốc tế đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã thông báo tóm tắt cho các nhà tài trợ về tình hình giảm nghèo của Việt Nam trong trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay và kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ Việt Nam hơn nữa. “Tôi mong các nhà tài trợ quan tam đến một thực tế là do tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đang làm cho nhiều hộ gia đình đã vượt qua khoảng tối của đói nghèo nay có nguy cơ tái nghèo, làm xói mòn những kết quả mà chúng ta, các nhà tài trợ, Chính phủ và nhiều người dân Việt Nam đã phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được thời gian qua.”- phó Thủ tướng nói.

Cập nhật cho các đại biểu tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của địa điểm tổ chức cuộc họp lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Việc tổ chức Hội nghị CG giữa kỳ năm nay tại Buôn Ma Thuột thể hiện mong muốn của Chính phủ Việt Nam không những quyết tâm phát triển bền vững kinh tế xã hội trên cả nước, mà còn mong muốn cùng các nhà tài trợ góp phần thúc đẩy phát triển hơn nữa kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, nơi mà kinh tế còn kém phát triển, cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỉ lệ nghèo còn cao.”

Cũng trong lễ khai mạc, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Thời điểm khó khăn cũng là những cơ hội đặc biệt. Chúng tôi tin tưởng rằng tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tạo ra cơ hội đặc biệt cho Việt Nam. Cuộc khủng hoảng đã bộc lộ một số những yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam có cơ hội để giải quyết những yếu kém này và biến chúng thành sức mạnh, cải thiện tính linh hoạt của nền kinh tế, và tạo ra vị thế tốt hơn cho Việt Nam để tăng trưởng bền vững và hòa nhập hơn trong một môi trưởng toàn cầu ngày càng có tính cạnh tranh và bất ổn cao.”

Quản lý kinh tế vĩ mô

Các đại biểu lưu ý rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau vì tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Mặc dù đã có dấu hiệu khả quan về tình hình kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến phát triển kinh tế trong nước và quốc tế.

“IMF cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khá tốt”, theo ông Ben Bingham, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, vẫn cần phải có một vài điều chỉnh chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ để tăng nguồn tín dụng và tăng cường hỗ trợ cho đồng tiền Việt Nam, IMF nhấn mạnh yêu cầu rằng Chính phủ và Quốc hội phải thống nhất một kế hoạch tài chính sửa đổi cho năm 2009 “để có thể xử lý những lo ngại về yêu cầu tăng nhu cầu tài trợ của Chính phủ trong mức phù hợp với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.”

Các đại biểu đã khuyến khích Chính phủ sử dụng Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp tới, Luật về các Tổ chức Tín dụng và Luật Ngân sách để đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa quản lý tiền tệ và tài chính ở Việt Nam, cũng như củng cố thêm việc giám sát hoạt động của các ngân hàng.

Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á cho Việt Nam, ông Ayumi Konishi cho rằng “dấu hiệu khả quan của nền kinh tế khu vực và toàn cầu cho phép chúng ta nghĩ rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. Ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra một sự tin tưởng lớn hơn, từ đó có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu tới Việt Nam.”

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng ca ngợi nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là có quan tâm đến người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội.

Theo ông Sakaba Mitsuo, Đại sứ Nhật Bản, “trong thời điểm này cần hoan nghênh các nỗ lực của chính phủ Việt Nam đưa ra các gói kích cầu có bao gồm củng cố an sinh xã hội song song với phát triển kinh tế.”

Còn ông Nguyễn Văn Làn, đại diện Tổ chức tài chính Quốc tế đã báo cáo kết quả của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, lại cho rằng cộng đồng doanh nghiệp vẫn cam kết đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng bày tỏ lo ngại về khuôn khổ luật pháp thiếu chi tiết và thiếu rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Làn nói thêm “cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị được tham vấn đầy đủ và kịp thời hơn vào quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật về kinh doanh trong thời gian tới.”

Ảnh hưởng xã hội của tình hình kinh tế

Các đại biểu đều nhìn nhận một cách tích cực những nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm thiều tác động xấu đến xã hội vì khủng hoảng kinh tế, đồng thời nhấn mạnh rằng cần tập trung hơn vào các nhóm dễ tổn thương, tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu kịp thời và tin cậy, ví dụ như là các cuộc điều tra thường xuyên về lực lượng lao động, để có thể hỗ trợ điều chỉnh chính sách tốt hơn.

Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông John Hendra nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập thông tin dữ liệu để lập chính sách. “Một trong những điều mà cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy là nhu cầu thực sự cần có một hệ thống thu thập và phân tích thông tin tốt hơn để Việt Nam có thể giám sát tốt hơn nữa ảnh hưởng xã hội của cuộc khủng hoảng, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số và lao động tự do. Loại thông tin này rất cần thiết để đảm bảo các giải pháp của chính phủ đều có căn cứ chặt chẽ và phù hợp.”

Trong khi đó, bà Fiona Lappin, trưởng đại diện của Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh tại Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của chính phủ xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội tập trung, hòa nhập và đơn giản hơn. Tuy nhiên, với những khó khăn mà người nghèo hiện đang gặp phải, bà cũng “đề nghị Chính phủ sớm đưa ra một hệ thống bảo trợ xã hội lâu dài được xây dựng trên cơ sở thông tin và sự phân tích có chất lượng và thường xuyên.”

Đấu tranh chống tham nhũng

Đại sứ Thụy Điển, ông Mr. Rolf Bergman cho rằng, cách hiệu quả và quan trọng nhất để chống tham nhũng là tạo ra sự minh bạch và tin cậy trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị. “Minh bạch và việc tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết nhất cho việc sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả và đem lại kết quả”.

Đại sứ cũng nhấn mạnh các lo ngại rõ ràng về việc đưa pháp luật vào đời sống,.“Vấn đề hiện nay là làm thế nào để đưa Luật Phòng chống Tham nhũng và Chiến lược Phòng chống Tham nhũng vào cuộc sống của từng công chức và người dân.”

Biến đổi khí hậu

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Chính phủ và các đối tác phát triển nhất trí rằng biến đổi khí hậu là những đe dọa mới cho cuộc sống kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là đối với người dân sống ở vùng thấp và vùng duyên hải.

“Chúng tôi hoan nghênh các biện pháp của Chính phủ để đảm bảo việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu”. Ông Peter Lysholt Hansen, Đại sứ Đan Mạch nói. Ông cũng đề nghị Chính phủ cần phải “bắt đầu phòng chống biến đổi khí hậu đối với các khoản đầu tư và công khai hóa các mô hình viễn cảnh khác nhau về biến đổi khí hậu và kế hoạch giảm thiểu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam tham gia tích cực vào trong Hội thảo Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc – COP 15 ở Copenhogen.

Hài hòa hóa và hiệu quả viện trợ

Đại sứ Úc, ông Allastar Cox, phát biểu rằng “cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm chúng ta phải chú ý hơn đến tầm quan trọng của việc sử dụng các nguồn lực, trong đó có nguồn tài trợ chính thức ODA”. Ông Allastar Cox cũng nói rằng: “các nhà tài trợ hoan nghênh sự chuẩn bị sẵn sàng của chính phủ để nâng chương trình hiệu quả viện trợ lên một tầm cao mới phù hợp với việc Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình và trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã hoan nghênh và đánh giá cao sự đối thoại chân thành, thẳng thắn và cởi mở của các nhà tài trợ về những nội dung thiết thực đối với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phải đối mặt với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, những thánh thức của biến đổi khí hậu và quá trình trở thành nước có mức thu nhập trung bình, cũng như vấn đề nâng cao hiệu quả viện trợ và giải ngân các chương trình dự án ODA. Bộ trưởng nhận định “Chính phủ đánh giá cao ODA và coi đó là một trong những biện pháp kích cầu trong bối cảnh khủng hoảng. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ vốn đối ứng vì một đồng vốn đối ứng có thể kéo theo bốn đồng vốn ODA”.

Các đại biểu dự Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam năm 2009 đánh giá cao nhiệt tình và sự nỗ lực của Chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đóng góp cho thành công của Hội nghị này và bày tỏ sự cảm ơn chân thành.