Bảo vệ đại dương vì tương lai chung

Đại dương nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học và cung cấp thực phẩm, tài nguyên khoáng sản và năng lượng cần thiết cho sự sống trên hành tinh. Song, các đại dương đang phải đối mặt những mối đe dọa chưa từng có do các hoạt động của con người, vốn gia tăng nhanh chóng cùng dân số thế giới.

Nước thải sinh hoạt là một nguồn gây ô nhiễm đại dương nghiêm trọng. (Ảnh MONGABAY)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres (A.Gu-tê-rét) chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Đại dương tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha mới đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và thúc giục các chính phủ hành động để đảo ngược suy thoái đáng báo động ở các đại dương.

Với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo, giới chuyên gia và nguyên thủ từ hơn 20 quốc gia, hội nghị năm nay hướng đến thúc đẩy các giải pháp đổi mới dựa trên khoa học, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cứu đại dương và bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu.

Tại Hội nghị Đại dương, Tổng Thư ký A.Guterres thẳng thắn nhận lỗi trước các thế hệ tương lai vì tình trạng của hành tinh hiện tại. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, thế hệ của ông, những người chịu trách nhiệm chính trị, vẫn đang đi sai hướng và hành động quá chậm so với mức độ khẩn cấp trong việc đảo ngược các mối đe dọa và phục hồi sức khỏe của đại dương, cứu đa dạng sinh học và ngăn chặn hậu quả do biến đổi khí hậu.

Kể từ khi loài người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong khí quyển, dẫn đến hậu quả là các rạn san hô bị tàn phá, xóa sổ bởi các đợt tẩy trắng hàng loạt.

Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, thế giới đang ở ngã ba đường, khi mực nước biển dâng, nước biển nóng lên và tăng mức độ a-xít hóa, cũng như nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính đều ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Ô nhiễm môi trường biển đang nằm ngoài tầm kiểm soát, với hàng triệu tấn nhựa xâm nhập vào các đại dương hằng năm.

Các loài sinh vật biển suy giảm nhanh chóng, với hơn 37% loài cá mập và cá đuối trên thế giới, 33% rạn san hô, 26% động vật có vú và 21% loài bò sát hiện bị đe dọa tuyệt chủng. Các nhà khoa học Liên hợp quốc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên trong 65 triệu năm, nếu thế giới không hành động quyết liệt hơn.

Theo tổ chức phi chính phủ Oceana có trụ sở tại Mỹ, ít nhất 30% trữ lượng cá tự nhiên đã bị khai thác quá mức và hiện có chưa đến 10% diện tích đại dương được bảo vệ. Các tàu đánh bắt cá trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động tại nhiều vùng biển khắp thế giới. Bên cạnh các giới hạn trong đánh bắt hải sản, Hội nghị Đại dương năm nay cũng thảo luận về một biên bản ghi nhớ chung liên quan hoạt động khai thác mỏ biển sâu cho các kim loại hiếm.

Các chuyên gia nhận định, thế giới hiện hiểu biết quá ít về các hệ sinh thái biển sâu vốn rất dễ chịu tổn thương và có thể mất nhiều thập niên để khôi phục một khi bị tổn hại. Một vấn đề trọng tâm khác tại Hội nghị Đại dương là “thực phẩm xanh” (blue food) – khái niệm mới có ý nghĩa rằng khai thác hải sản dưới mọi hình thức (tự nhiên hay nuôi trồng) đều phải bảo đảm tính bền vững và có trách nhiệm xã hội đi kèm.

Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Thập niên về Khoa học đại dương vì phát triển bền vững (2021-2030), hay Thập niên Đại dương. Tầm nhìn của Thập niên Đại dương là thay đổi mối quan hệ của nhân loại với đại dương trong bối cảnh phần lớn đại dương vẫn chưa được lập bản đồ, chưa được quan sát và chưa được khám phá đầy đủ.

Thập niên Đại dương Liên hợp quốc là khuôn khổ chung để bảo đảm các nghiên cứu khoa học đại dương, thông qua việc thiết lập một nền tảng mới trên giao diện khoa học-chính sách, có thể hỗ trợ các quốc gia quản lý bền vững tài nguyên đại dương và bờ biển vì lợi ích chung của nhân loại.