Thiếu chính sách giao đất, giao rừng đồng bộ

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và DN trong việc phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường.

Cái khó bó công tác quản lý và khai thác rừng

Hà Nội có 27.760ha rừng và đất lâm nghiệp phân bố tại 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất với tỷ lệ che phủ đạt 5,67%. Diện tích rừng trên địa bàn TP gồm rừng phòng hộ khoảng gần 5.822ha, rừng đặc dụng hơn 11.000ha và rừng sản xuất gần 10.322ha.

Thực tế, nhiều diện tích rừng của Hà Nội đang gắn với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử như: Vườn Quốc gia Ba Vì, khu danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Gióng (huyện Sóc Sơn)…

Mô hình trồng rau sắng gắn với bảo vệ rừng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Ánh

Tại một số địa phương đã xuất hiện các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, như huyện Sóc Sơn và Ba Vì có hàng chục điểm du lịch sinh thái gắn với đất lâm nghiệp, đất rừng. Vì vậy, vấn đề quản lý, khai thác rừng, đất lâm nghiệp sao cho đúng luật và hiệu quả luôn được TP quan tâm.

Theo ông Trần Đức Hoài, chủ rừng ở xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) số hộ dân, DN được giao đất gắn với chăm sóc, bảo vệ rừng còn rất ít. Nhiều người có điều kiện muốn mở rộng, phát triển kinh tế rừng lại không có cơ sở pháp lý.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả như bạch đàn, phi lao sang cây dược liệu giá trị cao vẫn còn một số hạn chế. Nếu có chính sách giao đất, giao rừng đồng bộ sẽ giúp công tác quản lý rừng của TP ngày một tốt hơn, tránh việc sang tên, đổi chủ ngầm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trung, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) cho rằng, nếu giao rừng gắn với giao đất, người dân sẽ có cơ sở để vay vốn phát triển kinh tế.

Hiện nay, trên địa bàn xã Yên Bình đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng gắn với ươm trồng các loại cây xanh đô thị, đem lại giá trị kinh tế cao. Song, mô hình này đòi hỏi chi phí lớn, nếu không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, nông dân khó có thể phát triển mô hình kinh tế và nâng cao thu nhập.

Siết quản lý đất rừng theo Luật Đất đai

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP vào loại thấp của cả nước, do đó, phát triển rừng cần theo hướng gắn với bảo vệ môi trường. Các địa phương có rừng hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích đất rừng và đất lâm nghiệp sang loại đất khác.

Trong thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường quản lý đất rừng theo Luật Đất đai. Trước mắt, ổn định diện tích giao khoán cho đơn vị, cá nhân khai thác, quản lý tốt đất rừng, tiến tới đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp giao đất cho các chủ rừng chăm sóc, bảo vệ; đồng thời rà soát, sắp xếp diện tích khai thác không hiệu quả, tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia phát triển rừng, lâm nghiệp.

Việc làm giàu từ rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển các loại hình kinh tế lâm nghiệp cũng như đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên phân tích, trên cơ sở thực tế 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), TP sẽ có định hướng và cơ chế chính sách phát triển kinh tế rừng khác nhau. Chẳng hạn, với rừng phòng hộ sẽ tập trung làm tốt việc khoanh nuôi, bảo đảm đa dạng sinh học. Đối với rừng trồng, hướng tới trồng các loại cây gỗ lâu năm để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; hỗ trợ người trồng rừng về vốn, giống…

Định hướng và cơ chế chính sách phát triển kinh tế rừng của Hà Nội được triển khai thực hiện dựa trên cơ sở Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ. Trong đó, bao gồm các nội dung chính như: Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Về môi trường, quản lý rừng bền vững, bảo tồn lâu dài tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung ứng dịch vụ môi trường rừng…

“Mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng của Hà Nội theo hướng bảo tồn, làm giàu rừng từ những cây gỗ quý, gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường; còn rừng sản xuất gắn với trồng cây dược liệu, ươm trồng cây xanh để phục vụ phát triển đô thị.” – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương