Đón dòng dầu đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam

ThienNhien.Net – Đúng 21 giờ 10 phút ngày 22 tháng 2 năm 2009, dòng dầu đầu tiên sản xuất mang thương hiệu Việt Nam đã chính thức tuôn chảy. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có mặt trong lễ đón dòng dầu.

Mẻ sản phẩm đầu tiên của Việt Nam bao gồm 7.000 tấn diesel và 2.000 tấn dầu hỏa. Theo kế hoạch đến tháng 4 tới, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp tục cho ra thị trường các loại xăng A90, A92, A95 và xăng máy bay. Nhà máy sẽ hoạt động 100% công suất thiết kế vào tháng 8, mỗi tháng cung cấp 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu diesel, 23.000 tấn khí hóa lỏng LPG, trên 8.000 tấn Propylene, 30.000 tấn xăng máy bay Jet-A1và 25.000 tấn dầu FO. Dự kiến, trong năm 2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại.

Trực tiếp kiểm tra việc rót dòng dầu đầu tiên vào khu bể chứa nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nén được niềm hân hoan và nỗi xúc động. Ông tự hào nói: “Đây là dòng xăng dầu thương mại đầu tiên được chế biến từ nguồn dầu thô của đất nước, cũng là sản phẩm đầu tiên được sản xuất từ nhà máy lọc dầu đầu tiên do Việt Nam đầu tư, sản xuất và vận hành; đánh dấu bước khởi đầu của ngành lọc hóa dầu Việt Nam”.

Thủ tướng nhấn mạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất là một dấu ấn, một công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt cả về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình phát triển, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, của tỉnh Quảng Ngãi cũng như của cả khu vực miền Trung.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương tập thể cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân lao động trực tiếp trên công trường và Ban Quản lý Dự án, các nhà thầu đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, lao động vất vả, cật lực trong cả ngày đêm trong suốt hàng ngàn ngày qua để có dòng sản phẩm đầu tiên từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, niềm mong đợi của cả nước. Thủ tướng mong muốn từ kinh nghiệm thực tiễn, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ thực hiện tốt các công việc còn lại, đưa toàn bộ nhà máy vào vận hành an toàn, hiệu quả và bàn giao đúng tiến độ, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – ông Trần Ngọc Cảnh – phát biểu: Biết bao thăng trầm cùng sự cố gắng, quyết tâm cao của chủ đầu tư đến nay dự án, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí, bắt đầu cho dòng dầu đầu tiên. Đây thực sự là mốc lịch sử tự hào của Ngành Dầu khí Việt Nam vì sau 20 năm khai thác và xuất khẩu dầu thô, Việt Nam đã bắt đầu tự sản xuất sản phẩm xăng dầu.

Ông Trương Văn Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý dự án NMLD Dung Quất, cho biết: hơn 1.300 ngày đêm vất vả đã trôi qua, với hơn 12.000 cán bộ, kỹ sư, công nhan làm việc miệt mài trên công trường. Trong đó có gần 500 chuyên gia nước ngoài tham gia thi công, giám sát.

Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là đơn vị có một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề tham gia thi công trên công trường nhiều nhất, có lúc đơn vị này đã huy động 15 công ty thành viên với hơn 7.000 kỹ sư, công nhân tham gia. Khối lượng xây dựng NMLD Dung Quất được tổng nhà thầu Technip cho biết con số thống kê kinh ngạc chưa từng có ở Việt Nam: “Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải nặng. Diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá. Hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị. Trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP.HCM. Gần 17.000 tấn thép các loại đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel – Paris…”.

Trong niềm vui vỡ oà, hàng vạn người dân Quảng Ngãi lòng rưng rưng nhớ đến nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được xem là đi tiên phong mở đường cho dòng dầu thương phẩm đầu tiên cho đất nước hôm nay.

 Một số thông tin về Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất:

Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Quản lý dự án: Thuê tư vấn nước ngoài quản lý dự án theo hình thức PMC (Project Management Consultant); Các Nhà thầu theo hình thức EPC (Engineering-Procurement-Construction).

Diện tích chiếm đất: Nhà máy chính: 110 ha. Khu bể chứa dầu thô: 42 ha. Khu bể chứa sản phẩm: 40 ha. Tuyến ống lấy nước biển và xả nước thải: 4 ha. Hành lang an toàn cho tuyến ống dẫn sản phẩm: 40 ha. Cảng xuất sản phẩm: 135 ha (đất và mặt biển).

Hệ thống phao rót dầu không bến (SPM), đường ống ngầm dưới biển và khu vực vòng quay tàu: 336 ha (mặt biển). Công suất thiết kế: 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 130.000 thùng/ngày). Nguồn cung cấp dầu thô: Chủ yếu là dầu thô Bạch Hổ (dầu ngọt) của Việt Nam. Sản phẩm: Chủng loại sản phẩm: Propylen, khí hóa lỏng (LPG), xăng ôtô không pha chì, nhiên liệu phản lực, dầu hỏa dân dụng, diesel động cơ, diesel công nghiệp, nhiên liệu F.O. Sản phẩm của nhà máy được ưu tiên sử dụng tối đa cho nhu cầu của thị trường trong nước theo giá bán buôn cạnh tranh. Phần sản phẩm dư thừa so với nhu cầu của thị trường trong nước sẽ được xuất khẩu.

Chất lượng sản phẩm: Đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Đối với các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng xuất khẩu.

Các hạng mục phụ trợ của nhà máy: Nhà máy được thiết kế có đủ các hạng mục phụ trợ: khu bể chứa dầu thô, khu bể chứa sản phẩm, hệ thống đường ống dẫn dầu thô và sản phẩm, nhà máy điện 60 MW, hệ thống cấp hơi, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp khí trơ, hệ thống nhiên liệu, hệ thống đốt đuốc, hệ thống thông tin, tín hiệu, nhà xưởng… Các hạng mục phụ trợ được thiết kế với độ tin cậy cao, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả.

Các công trình biển: Hệ thống phao rót dầu không bến nhập dầu thô bố trí tại Vịnh Việt Thanh được thiết kế để tiếp nhận tầu dầu có trọng tải từ 80.000 đến 110.000 DWT. Cảng kín xuất sản phẩm bố trí tại Vịnh Dung Quất, gồm 6 bến: 2 bến cho tầu có trọng tải 20.000 đến 25.000 DWT dùng để xuất xăng và diesel (khi thiết kế, xây dựng có tính đến điều kiện dự phòng để có thể mở rộng tiếp nhận tàu 50.000 DWT khi cần thiết). 4 bến cho tầu có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 DWT dùng để xuất xăng, diesel, nhiên liệu phản lực, khí hóa lỏng và dầu F.O (khi thiết kế, xây dựng có tính đến điều kiện dự phòng để có thể mở rộng tiếp nhận tàu 30.000 DWT).

Cảng kín xuất sản phẩm được thiết kế có đê chắn sóng (kết cấu đê: dài 1.600m, cao 27m, rộng 15m) để đảm bảo hoạt động 365/365 ngày. Bến số 1 cho tàu 10.000 DWT phục vụ cho giai đoạn xây dựng và phục vụ cho công tác bảo dưỡng tàu dầu sau này.

Tổng mức đầu tư: 40.000 tỉ đồng, gồm vốn trong nước, các khoản vay nước ngoài, lãi vay trong thời gian xây dựng, phí thu xếp tài chính (không bao gồm vốn đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào).