Phát hiện nhựa và thủy tinh trong phân voi

Nhựa, thủy tinh, mảnh kim loại, dây cao su, mảnh gốm và mảnh ngói là những vật liệu khác nhau được phát hiện trong phân voi ở các khu rừng thuộc bang Uttarakhand, Ấn Độ. Thông tin được đưa ra trong một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí National Conversation.

Nhóm nghiên cứ đã điều tra các mẫu phân thu thập từ bốn phân khu vực rừng khác nhau, trong đó ba điểm gần phân khu Haridwar (Laldhang, Gaindikhata và Shyampur) và điểm còn lại ở phân khu Lansdowne (Kotdwar).

Ảnh: Rohit Varma

Đây là tài liệu có hệ thống đầu tiên cung cấp bằng chứng không thể chối cãi về việc voi ăn phải rác thải độc hại của con người. Rác thải này không thể phân hủy trong dạ dày voi, và di chuyển qua hệ tiêu hóa để thải ra qua phân của chúng.

 

Gitanjali Katlam – tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Thật kinh hoàng khi thấy chừng ấy nhựa và các vật phẩm nhân tạo không thể phân hủy khác trong phân voi.”

Soumya Prasad – giảng viên Đại học Jawaharlal Nehru, người hướng dẫn đề tài cho Tiến sĩ Katlam chia sẻ thêm: “Kết quả từ nghiên cứu không quá bất ngờ khi đã có những báo cáo về việc voi tìm kiếm ăn ở cácbãi rác gần các khu rừng. Tôi cảm thấy dữ liệu này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hiện vẫn chưa có các nghiên cứu về lượng nhựa mà các động vật trên cạn ăn phải. Trong 20 năm qua, có rất nhiều báo cáo nhỏ lẻ về việc nhựa xuất hiện trong mẫu phân của nhiều loài động vật, song những thông tin này không được tổng hợp để cung cấp một cái nhìn bao quát hơn về vấn đề này”.

Công trình của Katlam cho thấy khoảng một phần ba tổng số mẫu phân voi được thu thập có sự hiện diện rác thải của con người. Khoảng 85% trong số này là nhựa (với kích thước từ 1 mm đến 35 cm) và mỗi mẫu chứa trung bình khoảng 35-60 mảnh nhựa. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các mảnh nhựa (lớn hơn 5 mm) phổ biến hơn vi nhựa (từ 1 đến 5 mm).

Nhựa được tìm thấy trong phân voi (Ảnh: Gitanjali Katlam)

Theo Katlam, điều đáng lo ngại hơn là các mẫu phân đều được lấy trong các khu bảo tồn (cách bìa rừng khoảng từ 100m tới 3km) chứa gần gấp đôi số hạt nhựa (50–120 mảnh/ 100 gam phân) có trong phân voi thu thập từ bìa rừng (25-45 mảnh/ 100 gam phân).

Điều đáng quan ngại là voi ăn nhựa cùng với rác thực phẩm được con người mang sâu vào rừng (thức ăn thừa thường được bọc trong các túi nilon). Thêm vào đó, nhựa bị voi thải ra có thể tiếp tục là mối nguy hại cho các loài động vật khác trong rừng qua quá trình chuyển giao trong chuỗi thức ăn.

Chất thải nhân tạo

Năm 2015, trong quá trình điều tra, Katlam đã ghi nhận được 19 loài chim và 13 loài động vật có vú thường lui tới bãi rác để tìm kiếm thức ăn. Tuy không quan sát thấy voi ở đây, cô vẫn phát hiện ra những loài động vật lớn như bò nhà, chó, mèo, hươu sambar, voọc, khỉ Rhesus và chồn họng vàng.

Mặc dù phát hiện hươu sambar thường gặm, xé và nuốt rác thải nhựa, Katlam vẫn chưa ghi nhận được sự xuất hiện của nhựa trong phân chúng. Điều này đặt ra cho Katlam mối băn khoăn về quá trình xử lý nhựa trong cơ thể các loài động vật có dạ dày nhại lại như hươu sambar.

Katlam cho biết: “Tôi lo rằng tất cả số nhựa đó có thể đã bị dính vào lớp niêm mạc dạ dày và ruột của động vật. Điều này từng xảy ra với bò, nó cực kỳ nguy hiểm với con vật, chúng thường sẽ bị chết vì đói”.

Ngoài công trình của Katlam và một nghiên cứu khác về việc voi kiếm ăn tại các bãi rác lộ thiên trong khu bảo tồn voi Shivalik, có rất ít báo cáo động vật hoang dã tìm kiếm thức ăn ở các bãi rác ở Ấn Độ. Một báo cáo khác cùng chủ đề về loài cáo đỏ sống ở các cảnh quan dãy Himalaya, cho thấy 84% mẫu phân cáo được thu thập có chứa một số dạng rác thải từ con người.

Abhishek Ghoshal, người thực hiện dự án trên cho biết: “Chúng tôi đã dự kiến ​​sẽ tìm thấy rác thải nhân tạo trong khẩu phần ăn của cáo đỏ vào mùa đông, vì khi đó nguồn thức ăn trở nên khan hiếm trong bối cảnh tuyết phủ kín khu vực. Song, chúng tôi không nghĩ lượng rác thải nhân tạo tìm thấy lại nhiều đến vậy.”

Theo Ghosha, những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là “nắp chai, mảnh nhựa polyten, vải, dây cao su, sợi bông thừa và thậm chí cả dây điện trong phân của cáo đỏ. Chắc chắn, những chú cáo đỏ đã vô tình ăn phải những thứ này trong khi đi kiếm ăn xung quanh các bãi rác”.

Theo một báo cáo, 84% số lượng phân cáo đỏ được lấy mẫu tại khu vực xuyên Himalaya của thung lũng Spiti có chứa ít nhất một dạng chất thải nhân tạo. (Ảnh: Artemy)

Vài năm gần đây đã có những bức ảnh và báo cáo báo động về việc các loài động vật hoang dã, bao gồm báo tuyết, hổ, báo hoa mai và hươu kiếm ăn tại các bãi rác hoặc ăn phải rác thải nhựa. Nguyên nhân cái chết của một số cá thể hươu được giải cứu trong Vườn quốc gia Guindy ở Chennai cũng bị nghi ngờ là do ăn phải nhựa.

Nghiên cứu điển hình

TNC Vidya – Giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tiên tiến Jawaharlal Nehru ở Bengaluru, Ấn Độ cho biết: “Gần đây, tôi đã nhận được báo cáo của sinh viên về sự xuất hiện của tã bỉm trong phân voi ở Kabini. Phát hiện này xảy ra ngay sau khi các bản tin về sự xuất hiện của băng vệ sinh, khẩu trang, vỏ sữa và vỏ bánh quy trong phân voi hoang dã trên đường Maruthamalai Temple Hill ở Coimbatore, Ấn Độ. Nhưng những trường hợp như vậy thực sự rất hiếm. Chúng tôi thấy nhựa ở một trong vài nghìn mẫu phân voi.”

Vidya lý giải một số nguyên do cho vấn đề này: “Thứ nhất, chúng tôi thường chỉ lấy những mẫu phân rất nhỏ từ bề mặt phân và không thực sự nghiên cứu sâu hơn về thành phần phân. Thứ hai, phần lớn công việc của chúng tôi là ở những địa điểm khá xa nơi sinh sống của con người và thứ ba, chúng tôi chưa thực sự nỗ lực kiểm tra xem có hạt vi nhựa trong những mẫu phân này hay không.”

Tuy nhiên, Vidya đồng ý rằng, nhựa có ở cả những nơi rậm rạp nhất và xa nhất trong phạm vi diện tích nghiên cứu. Phần lớn nhựa được đưa đến những khu vực đó bằng đường thủy. “Cơ quan lâm nghiệp có tiến hành các đợt dọn dẹp vệ sinh hàng năm, và họ chỉ có thể làm được đến thế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi có nhựa dính vào ruột voi”.

Ratna Ghosal, người đã làm việc với voi từ năm 2004 đến năm 2010 tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Mudhumalai, Ấn Độ, nói rằng cô ấy chưa bao giờ bắt gặp nhựa trong phân voi trong những ngày lấy mẫu thực địa: “Thứ nhất, tôi đã không kiểm tra vi nhựa. Thứ hai, tôi không chắc liệu những con voi ở Mudhumalai có từng ăn phải rác trong thời gian tôi làm việc ở đó hay không. Mặc dù có những bãi rác gần bìa rừng, nhưng những bãi rác này nằm cạnh một con đường rất đông đúc, có lượng xe cộ qua lại cao. Tôi chỉ quan sát thấy voi tới khu vực đó, băng qua đường để đến một khoảnh rừng khác, chứ chưa bao giờ thấy chúng dừng lại để kiếm thức ăn.”

Yếu kém trong quản lý rác thải

Ghoshal – Giáo sư Đại học Ahmedabad – chuyên gia nghiên cứu về các loài cá và quá trình sinh sản của cá sấu, Ấn Độ đồng ý rằng nhựa là một vấn đề nan giải trong các hệ thống quản lý rác thải trên cạn và các vùng nước ngọt.

Theo ông, “Ở Vadodara, chúng tôi thường thấy cá sấu xuất hiện ở những khu vực có nhiều rác nhựa. Mặc dù chúng tôi không nghiên cứu vấn đề này, nhưng tôi chắc chắn rằng tình trạng ô nhiễm nặng nề ở sông Vishwamitri và những bãi nhựa trôi nổi rộng lớn đang ảnh hưởng đến sức khỏe của những con cá sấu nơi đây.”

Mặc dù có rất nhiều bằng chứng ảnh cho thấy nhựa đang ảnh hưởng xấu đến quần thể động vật dưới nước và trên cạn, bao gồm cả con người (vi nhựa hiện đã được tìm thấy trong máu người, nhau thai và phân của trẻ sơ sinh), các nghiên cứu vẫn đang trì trệ nghiêm trọng. Hầu hết các cuộc điều tra về mối đe dọa do ô nhiễm nhựa gây ra đối với động vật hoang dã và môi trường thường tập trung nhiều vào môi trường biển. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận ra những ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa trong các hệ sinh thái trên cạn và nước ngọt.

Một con chồn họng vàng kiếm thức ăn tại bãi rác. (Ảnh: Gitanjali Katlam)

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc xử lý rác thải sai cách không những gia tăng xung đột giữa con người và động vật hoang dã mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của quần thể, thay đổi hành vi và nhân khẩu học của các loài động vật. Những bãi rác cũng thu hút các đàn chó hoang lớn tấn công hoặc săn đuổi động vật hoang dã, đặc biệt là báo tuyết và gấu, do đó ảnh hưởng đến quá trình kiếm mồi của chúng.

Làn sóng về rác thải nhựa tràn ngập khắp thế giới kể từ đại dịch Covid-19 cũng khiến khả năng xử lý rác thải nhỏ lẻ trở nên tập trung hơn và các nỗ lực đang được thực hiện để xác định xem rác thải y tế đang gây hại cho động vật hoang dã như thế nào.

Như Katlam và các cộng sự viết trong báo cáo của họ, điều cấp thiết bây giờ là phải xây dựng “một chiến lược quản lý chất thải rắn toàn diện thông qua lập bản đồ các bãi rác, tiến hành đánh giá rủi ro đối với động vật hoang dã và các chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng để giảm thiểu mối đe dọa từ ô nhiễm nhựa”.

Thùy Dung/Theo Scoll.in

Nguồn:
Thùy Dung/ Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường