Thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, việc sắp xếp quỹ đất các nông, lâm trường đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương còn lúng túng do chưa có quy định chi tiết về việc thu hồi quỹ đất do công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương.
Theo phản ánh của nhiều địa phương, việc quản lý đất đã bàn giao nếu không chặt chẽ rất dễ dẫn đến việc lấn chiếm, tranh chấp. Vì vậy, các địa phương được giao quản lý đất nông, lâm trường đều mong những vướng mắc sớm được tháo gỡ để gấp rút hoàn thành phương án sử dụng nhằm quản lý, sử dụng đất hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 30/6/2021, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 09 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Trong đó, tại Điều 7 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26/2/2015 quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp CNQSDĐ…
Cụ thể, các bước xử lý quỹ đất bàn giao cho địa phương sẽ do Sở TN&MT chủ trì tổ chức đo đạc xác định cụ thể quỹ đất bàn giao cho địa phương theo đề án hoặc phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp, phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan tài nguyên và môi trường lập hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; ký hợp đồng cho thuê đất đối với trường hợp thuê đất; chỉnh lý bản đồ địa chính (nếu có) để cấp Giấy chứng nhận, bàn giao đất trên thực địa và cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Giải quyết nhu cầu sử dụng đất cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người liên quan.”
Thông tư cũng sửa đổi Điều 10 Thông tư 07 về việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, trên cơ sở đề án hoặc phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp; phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Sở TN&MT có trách nhiệm lập hồ sơ trình UBND cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với Công ty nông, lâm nghiệp.
Ông Triệu Văn Bình, Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất. Vì thế, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS. Chính vì vậy, theo ông, cần rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc ít người… để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
Cũng theo ông Bình, các địa phương nên quan tâm xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của vùng, địa phương. Có các giải pháp kiên quyết và đủ mạnh, đồng bộ để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng, ưu tiên giao đất cho đồng bào DTTS ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; giao đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Đông quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai về việc giao đất rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất cho đồng bào, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp, quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về mặt bằng sản xuất, kinh doanh được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được quỹ hỗ trợ đầu tư xem xét cho vay tín dụng trung và dài hạn. Thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS…