Xây dựng Atlas cổ sinh vật học đầu tiên của Việt Nam

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một bộ Atlas quy mô quốc gia về cổ sinh vật học được biên soạn. Công trình đồ sộ này là thành quả nghiên cứu trong vòng hơn 100 năm qua của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Dự kiến cuối năm nay bộ Atlas sẽ hoàn thành.

Với mục tiêu phản ảnh thế giới sinh vật của quá khứ, số lượng di tích cổ sinh được đưa vào Atlas ở mức nhiều nhất có thể, và được trình bày theo phân loại.

Hiện tại có 4 tập đang được biên soạn: Tập một chuyên về Trùng lỗ (Foraminifera – một nhóm hóa thạch, rất nhỏ, còn gọi là “vi cổ sinh”); Tập hai chuyên về thân mềm (Molusca); Tập ba về Tay cuộn (Brachiopoda – một bộ phận của sinh vật cổ); Tập bốn chuyên về bào tử phấn hoa.

Để hoàn thành bộ Atlas đồ sộ này, TS Đoàn Nhật Trưởng – người chịu trách nhiệm chính của dự án Atlas cổ sinh vật học Việt Nam đã dày công sưu tập những tài liệu nghiên cứu cách đây cả thế kỷ của các nhà địa chất người Pháp, người Nga – những người đặt nền móng cho nền địa chất Việt Nam.

Nhiều thông tin quý giá lấy từ những tài liệu đã phủ bụi, ngả màu, thậm chí mối mọt này được đưa vào Atlas và trở thành những thông tin chính thống, những bằng cứ khoa học về niên đại của nhiều loài sinh vật cổ xưa, lần đầu tiên được biết đến.

Công nghệ in tiên tiến cho phép tái hiện trong sách hình ảnh khá thật của các loài sinh vật cổ đại. Hầu hết các loài có tên trong Atlas đến nay không còn tồn tại. Đằng sau mỗi hình ảnh, mỗi loài sinh vật được nêu tên trong sách, là cả một câu chuyện kỳ thú về sự tồn tại và phát triển của chúng, cũng như cuộc phiêu lưu của các nhà khoa học.

Cũng trong bộ Atlas, người đọc tìm thấy thông tin về những trùng lỗ tuổi Carbon sớm (cách đây 340 triệu năm). Thông tin về niên đại của những loài này là kết quả nghiên cứu đầu tiên của TS Đoàn Nhật Trưởng.

Những thông tin được cung cấp trong Atlas là tài liệu quý báu cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt về các hoạt động khảo sát và khai thác khoáng sản.

Nó cũng là bằng cứ khoa học cho những lập luận liên quan đến địa tầng và tuổi địa chất. Thông tin từ các phức hệ cổ sinh cho phép phác hoạ lại các bồn trầm tích cổ, sự dịch chuyển của các lục địa…

Sản phẩm nghiên cứu này phục vụ trực tiếp cho các viện nghiên cứu, các trường đại học, các liên đoàn địa chất. Sau khi biên soạn và xuất bản bộ sách in Atlas cổ sinh vật học vào cuối năm nay, các nhà khoa học dự định sẽ hoàn thiện bản điện tử vào cuối năm 2009.

Hiện nay việc điện tử hóa cuốn Atlas đang được tiến hành. Dự kiến website Atlas điện tử cổ sinh vật học Việt Nam sẽ do Viện Địa chất và Khoáng sản quản lý. Các thông tin được xem tại địa chỉ website do Viện quản lý đều phải trả tiền.