Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã đã được hoàn thiện. Các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về nhiều mặt.
Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng hệ sinh thái; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người và gia súc, gia cầm. Nguyên nhân của thực trạng trên do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, liên tục; ngành chức năng còn thiếu sự phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở dẫn đến tình trạng gây nuôi tự phát, nuôi nhốt làm cảnh, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã; đăng quảng cáo các sản phẩm động vật hoang dã không rõ ràng tại các nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh cá thể; đồng thời còn tồn tại các hình thức bẫy bắt, tận diệt hoặc phá hoại sinh cảnh, nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã. Các yếu tố trên còn có nguy cơ làm lây lan nguồn vi rút nguy hiểm liên quan đến dịch bệnh cũng như vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn lao động, an toàn cho cộng đồng dân cư.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 cơ sở gây nuôi động vật rừng gồm 14 loài với 16.183 cá thể. Trong đó, có 8 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm với 14.974 cá thể gồm gấu ngựa, gà lôi trắng, công, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, rắn hổ mang, rắn ráo trâu và ba ba gai; 6 loài động vật hoang dã thông thường với 1.647 cá thể, gồm nhím, rùa cổ sọc, dúi, don, tắc kè và hươu. Qua kiểm tra của ngành chức năng, các cơ sở gây nuôi cơ bản đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về gây nuôi động vật hoang dã. Đối với đảo cò trên địa bàn thành phố Hưng Yên và đảo cò trên địa bàn huyện Ân Thi và vùng đệm tại xã Nhật Quang (Phù Cừ) đến nay chưa có quy định cụ thể trong danh mục bảo tồn, quản lý, dẫn đến chưa nhận được sự quan tâm đúng mức để hình thành vùng đệm, vùng sinh cảnh an toàn cho các loài động vật hoang dã sinh sản trong môi trường tự nhiên.
Để công tác bảo tồn, quản lý động vật hoang dã đạt hiệu quả, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Tuyên truyền những quy định của pháp luật về các hành vi nghiêm cấm săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Việc tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; biên soạn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, pano, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; trưng bày, triển lãm; hội thảo khoa học; xây dựng các bộ phim tuyên truyền; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc lồng ghép nội dung tuyên truyền về động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm vào các hoạt động cộng đồng… Ngoài ra, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân cần nêu cao trách nhiệm và hành động trong việc tham gia bảo tồn động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; biểu dương các mô hình hay, cách làm tốt, các tấm gương về bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm ở địa phương; khuyến khích, động viên người dân tham gia phát hiện, ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý những hành vi buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.