Chuyển đổi kinh tế để đạt được trạng thái phát thải net-zero

Làm thế nào để quản trị công cuộc chuyển đổi kinh tế tương ứng với các cam kết để đạt trạng thái net-zero?.

Một báo cáo mới đây của McKinsey & Company được công bố vào ngày 25/1, cung cấp một góc nhìn rộng hơn so với các nghiên cứu khác tính đến thời điểm hiện tại về bản chất và mức độ của những chuyển đổi kinh tế cần diễn ra nhằm đạt được mục tiêu nói trên.

Báo cáo mang tên “Chuyển tiếp sang trạng thái net-zero: Chi phí và lợi ích tiềm năng” (nguyên bản: The net-zero transition: What it would cost, what it could bring”) phân tích ý nghĩa của quá trình chuyển tiếp này xét theo các khía cạnh: nhu cầu, chi đầu tư ban đầu, chi phí sản xuất, và việc làm ở các ngành gây 85% tổng lượng phát thải, với phân tích sâu về 69 quốc gia.

Theo đó, “Quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net-zero sẽ dẫn đến một cuộc chuyển đổi kinh tế đồ sộ. Hành động của mỗi doanh nghiệp, mỗi chính phủ, cùng với sự hỗ trợ được điều phối dành cho các lĩnh vực, các quốc gia, và các cộng đồng dễ bị tổn thương có thể tạo điều kiện cho những điều chỉnh cần thiết về kinh tế xã hội,” bà Mekala Krishnan, một Giám đốc Hợp danh của Viện Toàn cầu McKinsey, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, cho biết.

Quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net-zero sẽ dẫn đến một cuộc chuyển đổi kinh tế đồ sộ. (Ảnh: McKinsey)

Báo báo cáo đánh giá quá trình chuyển tiếp trên hai phương diện: các lĩnh vực kinh tế và các khu vực địa lý. Xuất phát điểm và lộ trình hướng tới trạng thái phát thải net-zero được sử dụng trong phân tích là kịch bản do Mạng lưới Phủ Xanh Hệ thống Tài chính (NGFS) xây dựng với giả định thế giới đạt trạng thái phát thải Net Zero ở năm 2050.

Việt Nam nằm ở nhóm các quốc gia thuộc nguyên mẫu thứ 2 “Các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao” cùng với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh, như sản xuất với mức độ phát thải cao, sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch, và nông nghiệp, chiếm tỷ trọng khá lớn, trung bình khoảng 18%, trong GDP của các quốc gia này. Việc làm có xu hướng tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp (hơn 20%), trong khi phần lớn dung lượng vốn lại nằm ở lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo và sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

Các quốc gia thuộc nhóm nguyên mẫu thứ hai này nhiều khả năng sẽ điều chỉnh theo quá trình chuyển tiếp chủ yếu bằng cách phi carbon hóa các quy trình công nghiệp, mở rộng công suất điện từ năng lượng tái tạo, và hỗ trợ nông dân áp dụng các tập quán canh tác carbon thấp hoặc dần chuyển từ nông nghiệp sang các hoạt động khác. Các quốc gia này sẽ cần đầu tư đáng kể để phi carbon hóa nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng carbon thấp, tiếp cận năng lượng và khả năng chi trả cho tất cả mọi người.

Phân tích của McKinsey cho thấy rằng các quốc gia trong nhóm này phải đối mặt với một rủi ro đặc biệt về tài sản bị mắc kẹt. Dung lượng vốn tại các quốc gia này (đơn cử như các nhà máy điện than) thường mới hơn so với tại các nền kinh tế tiên tiến.

Nếu không lập kế hoạch cẩn thận, việc tiếp tục bỏ tiền vào các tài sản có chi phí thấp và mức phát thải cao có thể khiến các quốc gia này đứng trước nguy cơ phải dừng sử dụng sớm hơn dự kiến hoặc giảm khai thác các tài sản này chỉ sau vài năm khi thế giới chuyển sang con đường net-zero.

Việt Nam nằm ở nhóm các quốc gia thuộc nguyên mẫu thứ 2 “Các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao”. (Ảnh: McKinsey)

Song song đó, các quốc gia trong nhóm này lại có tiềm năng phục vụ các thị trường hàng hóa có lượng khí thải thấp đang ngày một lớn mạnh. Xét trên bình diện rộng hơn, các quốc gia châu Á – trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm nguyên mẫu này – sở hữu những nguồn lực có lợi cho những đổi mới sáng tạo phát thải thấp.

Thành công của quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net-zero phụ thuộc vào sự chung tay của các doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức và cá nhân trên toàn cầu, đòi hỏi một sự chuyển biến toàn diện về tư duy…

“Quá trình chuyển tiếp kinh tế để đạt trạng thái net-zero sẽ là một quá trình phức tạp và đầy thách thức, nhưng cần thiết,” theo ông Dickon Pinner, một Giám đốc Hợp danh tại McKinsey và đồng lãnh đạo McKinsey Sustainability. “Câu hỏi lúc này là liệu thế giới có thể hành động một cách táo bạo và mở rộng những biện pháp ứng phó và những khoản đầu tư cần thiết trong thập kỷ tới đây hay không.”