9 giải đáp về net zero

Nghiên cứu mới của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) chỉ ra rằng để tránh những tác động xấu nhất tới khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần giảm một nửa vào năm 2030 và đạt net zero tức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu cũng bày tỏ ủng hộ “cuộc đua tới số 0” và cam kết thực hiện net zero tại COP26. Điều gì khiến sáng kiến này thu hút tới vậy? 9 giải đáp dưới đây sẽ giúp bạn tường tận hơn về giải pháp thú vị này.

Ý nghĩa net zero?

Phát thải ròng bằng 0 đạt được khi tổng lượng khí nhà kính do con người thải ra được cân bằng lại bằng cách loại bỏ các loại khí này ra khỏi khí quyển thông qua quá trình loại bỏ carbon. Đầu tiên và quan trọng nhất là lượng khí thải do con người thải ra (chẳng hạn như khí thải từ các phương tiện và nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch) phải được giảm càng gần 0 càng tốt. Sau đó, các khí nhà kính còn lại cần được cân bằng với một lượng carbon tương đương bị loại bỏ, có thể thông qua các hoạt động như phục hồi rừng hoặc sử dụng công nghệ thu giữ không khí trực tiếp (DACS). Đạt phát thải ròng bằng 0 cũng giống như đạt “sự trung hòa về khí hậu”.

Khi nào thế giới cần tiếp cận net zero?

Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia nhất trí hạn chế nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, lý tưởng nhất là 1,5 độ C. Tuy nhiên, tác động của sự nóng lên toàn cầu đã vô cùng rõ rệt khi trái đất mới ấm lên 1,1 độ C (băng tan, nắng nóng cực đoan, mưa bão dữ dội hơn), do đó, việc giảm gia tăng nhiệt độ toàn cầu là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Thông tin khoa học mới nhất cho thấy để đạt được mục tiêu Thỏa thuận Paris đòi hỏi net zero cần đạt được theo mốc thời gian sau:

  • Trường hợp giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C, lượng phát thải ròng bằng 0 đối với khí CO2 cần đạt được trong khoảng thời gian từ năm 2044 – 2052 và tổng lượng phát thải khí nhà kính buộc phải duy trì ở mức 0 từ năm 2063 – 2068. Nếu đạt phát thải ròng bằng 0 sớm hơn các mốc này thì chắc chắn tránh được rủi ro nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C.
  • Trường hợp giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C, cần đạt net zero đối với lượng phát thải CO2 vào năm 2070 (với 66% khả năng giới hạn sự ấm lên ở 2 độ C) đến năm 2085 (với 50-66% khả năng). Tổng lượng phát thải khí nhà kính cần đạt net rezo vào cuối thế kỷ hoặc sớm hơn.

Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng nếu thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 thì cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C sẽ cao hơn đáng kể. Đỉnh phát thải càng sớm và càng thấp thì việc đạt net zero càng nhanh, giúp trái đất ít phụ thuộc vào việc loại bỏ carbon trong nửa sau thế kỷ. Điều này không có nghĩa là tất cả các quốc gia cần đạt net zero cùng lúc nhưng cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C phụ thuộc vào việc nguồn phát thải cao nhất đạt net zero sớm bao lâu. Các quốc gia giàu có hơn, phát thải cao hơn được đề xuất thực hiện net zero sớm hơn.

Điều quan trọng nữa là khung thời gian để đạt phát thải ròng bằng 0 khác nhau đối với khí CO2 và khí CO2 kết hợp với các loại khí nhà kính khác như metan, oxit nitơ và flo. Đối với khí thải không phải CO2, thời hạn phát thải ròng bằng 0 sẽ muộn hơn vì một số loại khí thải này khó loại bỏ hơn dù chúng làm nhiệt độ tăng cao nhanh và có khả năng đẩy nhiệt độ vượt qua ngưỡng 1,5 độ C trong thời gian ngắn.Các quốc gia cần xác định rõ liệu mục tiêu net zero chỉ bao gồm CO2 hay tất cả các loại khí nhà kính.

Điều kiện để đạt net zero?

Điều kiện tiên quyết là chính sách, công nghệ và hành vi cần phải thay đổi đồng bộ. Chẳng hạn với kịch bản tăng không quá 1,5 độ C, năng lượng tái tạo dự kiến cần cung cấp 70-85% điện năng vào năm 2050. Vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả và các giải pháp chuyển đổi nhiên liệu cũng rất quan trọng đối với ngành giao thông vận tải. Cải thiện hiệu quả sản xuất lương thực, thay đổi chế độ ăn uống, ngăn phá rừng, phục hồi đất bạc màu và giảm thất thoát lương thực, chất thải cũng giảm đáng kể lượng phát thải. Điều quan trọng là việc chuyển đổi cơ cấu và kinh tế để hạn chế sự nóng lên 1,5 độ C phải được tiếp cận công bằng, nhất là với những người lao động gắn liền với các ngành công nghiệp carbon cao. Tin vui là hầu hết các giải pháp công nghệ cần thiết đều sẵn có và ngày càng cạnh tranh về chi phí với các giải pháp thay thế carbon cao.

Ảnh minh họa: Aaron Minnick/WRI

Tiến độ net zero?

Bất chấp lợi ích của các hành động khí hậu, tiến độ đang diễn ra quá chậm để thế giới có thể về đích vào giữa thế kỷ này hoặc đáp ứng mục tiêu giảm phát thải cần thiết vào năm 2030, thậm chí trong một số trường hợp, lượng khí thải còn trở nên tệ hơn. Mặc dù ngành năng lượng tái tạo đang tăng tốc mạnh mẽ nhưng việc áp dụng cần phải tăng thêm 5 lần để đạt được các mục tiêu năm 2030 và 2050.

Bao nhiêu quốc gia cam kết net zero?

Bhutan là nước đầu tiên đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2015 và hiện có hơn 50 quốc gia, chiếm hơn một nửa lượng khí thải toàn cầu cùng cam kết net zero bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Riêng Việt Nam, trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tuyên bố Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và được thế giới đánh giá cao.

Làm thế nào để đạt net zero?

Ngay khi bắt đầu hành trình nhằm đạt mức phát thải ròng vào giữa thế kỷ, các quốc gia cần theo đuổi hành động ngắn hạn với các mục tiêu dài hạn, qua đó giúp tránh bị sa lầy vào cơ sở hạ tầng và công nghệ sử dụng nhiều carbon vốn không có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng có thể cắt giảm chi phí gần và dài hạn bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh mà sau này không cần phải loại bỏ, đồng thời thiết kế các chính sách nhất quán và gửi tín hiệu mạnh mẽ để khối tư nhân đầu tư vào hành động khí hậu. Ngoài ra, cần luật hóa các hành động cắt giảm phát thải thông qua văn bản luật và chính sách khác, bao gồm việc thực thi Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Thỏa thuận Paris có cam kết phải đạt net zero?

Trong ngắn hạn là có. Thỏa thuận Paris cũng thiết lập một mục tiêu toàn cầu với ngụ ý cần đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào nửa sau thế kỷ, đồng thời hối thúc các chính phủ đưa ra kế hoạch giảm mạnh lượng phát thải, tăng cường các nỗ lực để đạt net zero, tuy nhiên, không yêu cầu các quốc gia phải hiện thực hóa cam kết này bằng mọi giá.

Net zero có phải là hình thức greenwashing?

Không, nhưng chúng có thể được sử dụng như một cớ để không thực hiện các hành động mạnh về khí hậu trong thời gian tới. Mặc dù mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thu hút các chính phủ và doanh nghiệp nhưng cũng có ý kiến quan ngại một số quốc gia đặt ra mục tiêu net zero dựa vào việc đầu tư vào hoặc chi trả cho các khoản giảm phát thải từ các quốc gia khác để sử dụng cho mục tiêu của  mình trong dài hạn.

Mục tiêu net zero tới 2050 có vẻ xa vời?

Cơ sở hạ tầng ngày nay có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ và tác động lớn đến các mục tiêu giữa thế kỷ. Những người ra quyết định cần tính đến vấn đề này bằng cách thiết lập các mốc gần và trung hạn cho con đường đạt đến net zero bao gồm việc đặt ra các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng vào năm 2030 như một phần của NDC. NDC tuân theo cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình của Thỏa thuận Paris nên có thể thúc đẩy việc thực hiện phát thải ròng bằng 0 trong thời gian tới.

Bích Ngọc (Theo WRI)

Nguồn: