Tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất công nghiệp

ThienNhien.Net – Chiều ngày 15/2, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ ký kết “Chương trình phối hợp công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017 – 2020”.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đến tham dự, chỉ đạo và chứng kiến buổi lễ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đồng chủ trì lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ.

Chương trình phối hợp công tác hướng đến 3 mục tiêu chính bao gồm: Thứ nhất:Tăng cường phối hợp giữa hai Bộ trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; Hai là: Kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong: công tác lập và phê duyệt quy hoạch; quá trình thẩm định, phê duyệt, kiểm soát hoạt động của các dự án sản xuất công nghiệp từ giai đoạn lập, thi công và vận hành chính thức dự án, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện, khai thác và chế biến khoáng sản, dầu khí, sản xuất hóa chất và phân bón, sản xuất thép và luyện kim, sản xuất bột giấy, dệt nhuộm và thuộc da; Ba là: Phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai Bộ trong việc quản lý, giám sát việc thực thi quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.

Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Thành Trung

Để đạt được các mục tiêu trên, hai Bộ thống nhất cùng triển khai 8 nội dung phối hợp, cụ thể: 1) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; 2) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch, chiến lược, quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ; 3) Quản lý thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa; 4) Phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; 5) Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; phòng ngừa ô nhiễm môi trường; 6) Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; 7) Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; 8) Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong sự nghiệp phát triển bền vững hoạt động công nghiệp và thương mại, vừa qua, ngành Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Điều này được thể hiện rõ trong các hoạt động cụ thể mà ngành Công Thương đã thực hiện thời gian vừa qua như: Xử lý nhanh và kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành, địa phương xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 về việc tăng cường công tác quản lý môi trường ngành Công Thương, tổ chức hàng loạt các hoạt động kiểm tra đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm trên phạm vi cả nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp và thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13,0%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi lễ ký kết. Ảnh: BCT

Với mục tiêu tăng trưởng và phát triển đó, Bộ Công Thương đặt ra nhiệm vụ quan trọng đảm bảo sự bền vững của ngành Công Thương trong giai đoạn sắp tới, công tác bảo vệ môi trường được coi là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong suốt quá trình phát triển, một lần nữa khẳng định phát triển kinh tế phải gắn liền, đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.

Xuất phát từ quan điểm và định hướng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là một điểm nhấn ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa hai Bộ, đồng thời cũng là cam kết mạnh mẽ về việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.

Phát biểu tại buổi lễ, hai Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển bền vững kinh tế đất nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng. Chương trình phối hợp được ký kết sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chủ động và sáng kiến của hai Bộ trong xây dựng chương trình phối hợp công tác vì mục tiêu bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững của đất nước. Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ đã góp phần vào thực hiện 5 tốt đó là: Quy hoạch tốt. Thẩm định tốt. Vận hành tốt. Giám sát tốt. Chính sách tốt. Làm được điều này thì cuộc sống của nhân dân sẽ hạnh phúc, xã hội phát triển.

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việc ký kết giữa 2 Bộ đã khẳng định sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước, thể hiện tinh thần đại đoàn kết vì nếu hoạt động đơn lẻ sẽ không giải quyết được và việc ký kết này cũng góp phần hình thành ngành công nghiệp môi trường và sự chia sẻ thông tin giữa hai bên. Chủ tịch mong rằng, sau 5 năm hoạt động các hoạt động trên sẽ mang lại niềm tin cho nhân dân.