Dự án thủy điện Hủa Na: Sau 9 năm, 481 hộ dân mòn mỏi chờ hỗ trợ

Nghệ An – Sau 9 năm nhường đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án thủy điện Hủa Na, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết, 481 hộ dân huyện Quế Phong mòn mỏi chờ hỗ trợ tiền đối trừ đất.

Mỗi nhân khẩu tại khu tái định cư thủy điện Hủa Na chỉ được cấp 200m2 đất lúa, nhưng đất xấu, năng suất thấp. (Ảnh: Quang Đại)

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết

Ngày 10.12, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nghệ An – cho biết: Đến nay, vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết tồn tại, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong).

Ông Hoàng Quốc Việt cũng cho hay, năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã báo cáo gửi Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tham mưu, hướng dẫn cho tỉnh. Tuy nhiên, do luật quy định không rõ nên các văn bản hướng dẫn cũng không rõ.

“Do nguồn chi trả ngân sách bảo đảm nên phải hết sức thận trọng”, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Nghệ An cho biết.

Cụ thể, ngày 11.1.2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số: 25/TTg-NN “V/v xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến thuộc dự án tái định cư thủy điện Hủa Na, tỉnh Nghệ An” truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Bộ TNMT chủ trì phối hợp với Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Nghệ An thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 5 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg trên nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các dự án thủy điện khác trên toàn quốc cũng như trong toàn bộ dự án, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, gây bức xúc trong dư luận”.

Ngày 2.7.2021, Bộ TNMT đã có văn bản về việc xử lý chênh lệch giá đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến Dự án tái định cư thủy điện Hủa Na. UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 4850 ngày 14.7.2021, giao Sở TNMT, huyện Quế Phong triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay, giữa Công ty CP Thủy điện Hủa Na và huyện Quế Phong vẫn chưa thống nhất được phương án. Ngày 15.10.2021, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có văn bản chỉ đạo giải quyết.

Không thống nhất được phương án đối trừ đất

Nhường đất cho dự án thủy điện đã 9 năm, hộ ông Lang Văn Thái (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) vẫn chưa được nhận tiền đối trừ đất nông nghiệp. (Ảnh: Q.Đại)

Như Lao Động đã thông tin, Dự án Thủy điện Hủa Na do Công ty CP Thủy điện Hủa Na (thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng, công suất 180MW, là dự án thủy điện lớn thứ 2 ở Nghệ An, khởi công năm 2008, khánh thành năm 2013.

Dự án ảnh hưởng đến 14 bản vùng lòng hồ, thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn (huyện Quế Phong) với 1.362 hộ dân; trong đó 878 hộ dân tái định cư theo dự án.

Căn cứ Quyết định số 2327 ngày 1.6.2009 của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2019, huyện Quế Phong đã thực hiện tính toán đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến đối với các loại đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng kinh phí trả cho người dân hơn 78,6 tỉ đồng.

Huyện đã phê duyệt phương án đối trừ đất trồng lúa cho 261 hộ của 5/13 điểm tái định cư, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ chênh lệch gần 7,4 tỉ đồng, đã chi trả 4,582 tỉ đồng cho 58 hộ.

Phương án nói trên đã được sự đồng thuận của Công ty CP Thủy điện Hủa Na. Tuy nhiên, tháng 5.2019, công ty này lại bất ngờ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hướng dẫn cách tính đối trừ, đề xuất cho thực hiện tính toán đối trừ theo tổng giá trị quyền sử dụng đất của các loại đất cho từng hộ dân.

Sau đó, Công ty này đề nghị 3 phương án đối trừ đất, với tổng kinh phí trả cho dân theo dự toán lần lượt là 44,588 tỉ; 53,503 tỉ và 57,793 tỉ đồng.

Nếu áp dụng phương án 1, 481 hộ dân tái định cư sẽ chịu thiệt khoảng hơn 34 tỉ đồng. Với phương án 3, người dân cũng chịu thiệt gần 21 tỉ đồng.

Đáng nói là, tại văn bản số 5065 ngày 11.9.2019 của Sở TNMT Nghệ An do ông Phó Giám đốc Thái Văn Nông ký, gửi UBND tỉnh, nêu rõ: “Quan điểm xử lý của Sở TNMT nghiêng về phương án 1”.

Huyện Quế Phong không chấp nhận phương án nói trên vì gây thiệt thòi cho dân và dẫn đến mất công bằng giữa các hộ được đền bù theo phương án cũ và phương án mới.

Từ đó đến nay đã 3 năm, sự việc bế tắc, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 481 hộ dân tái định cư vẫn mòn mỏi chờ đợi.