Giáp mặt lâm tặc giữa động gỗ trong đêm

ThienNhien.Net -Hàng chục chiếc xe máy, ô tô đi xuyên rừng trong màn đêm để chở gỗ lậu về xuôi, cùng lũ “chim lợn”, nhóm lâm tặc sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng…

Cả kho gỗ “bốc hơi” trong đêm

Trên đường đi khi đến trước cổng chào thôn Nước Lang (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, Quảng Nam), PV giật mình bởi tiếng gầm rú tăng tốc của xe Win độ chở gỗ lậu chạy nhanh trong đêm.

Mặc dù với trang thiết bị ghi hình hiện đại nhưng PV vẫn không kịp ghi hình, đuổi theo đến đối diện km 4/1360, bất ngờ chiếc xe chở gỗ này tấp vào nhà dân bên đường.

Lân la dò hỏi những người xung quanh, họ cho biết, ngôi nhà này cũng là tụ điểm tập kết gỗ lậu. Để kiểm chứng lời của những hộ dân nơi đây, PV vờ vào xin nước uống, sau đó ghi lại được hình ảnh những khúc gỗ sến được lâm tặc chở về, cất giấu cạnh nhà vệ sinh bên hông nhà.

Lâm tặc khai thác gỗ tại rừng Rô, huyện Nam Giang. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)
Lâm tặc khai thác gỗ tại rừng Rô, huyện Nam Giang. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)

Rời khỏi ngôi nhà tại km 4/1360, PV đến nhà ông S., một đầu lậu gỗ có tiếng ở địa phương.

Tại đây, có năm chiếc xe Win độ đang chở gỗ lậu từ trên núi đổ về phía sau hè nhà ông S. Trước nhà có hai “chim lợn” mặc áo đen, đi đi lại lại trông rất hung tợn.

Sau khi PV đã ẩn vào một nơi có thể dễ dàng quan sát mọi hoạt động, “chim lợn” nhấc máy điện thoại cho đồng bọn từ trên núi chuyển gỗ xuống quốc lộ. Chúng không ngờ tại đây, cũng có “chim lợn” đang nằm mật phục ở trong núi. Lâm tặc không thể ngờ chúng đã “lọt” vào ống kính ghi hình của PV.

Lâm tặc vận chuyển gỗ trong đêm. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Lâm tặc vận chuyển gỗ trong đêm. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Gần 7h30, có một nhóm lâm tặc đang hì hục chuyển gỗ từ rừng tại xã Phước Thành ra tập kết tại quốc lộ km5/1362 đường Hồ Chí Minh. Khi gỗ được chuyển hết xuống đường, bọn chúng nhanh chóng dùng cưa đơn để cắt xẻ cho phù hợp với yêu cầu của chủ gỗ.

Cắt xẻ xong, lâm tặc dùng điện thoại di động “điều” một chiếc xe máy BKS 92F4 – 0261 tới chở đi. Khi bọn chúng vừa vận chuyển chuyến hàng đầu tiên, PV quan sát thấy đây là một khúc gỗ Kiền Kiền có chiều dài  khoảng 2,4m ngang 25cm đi về hướng Đà Nẵng. Chưa đầy 5 phút sau, hai người vận chuyển gỗ quay lại, PV vào vai người đi soi nhái đang đi bắt nhái bên cạnh nơi tập kết gỗ của lâm tặc.

Do thấy PV ăn mặc xuềnh xoàng, bọn chúng chủ quan nghĩ PV là người dân địa phương đi bắt nhái nên tha hồ trò chuyện. Họ còn nhờ PV khiêng gỗ lên xe. Trong cuộc trò chuyện với nhóm lâm tặc, PV biết được những người này từ xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc) lên đây làm thuê cho chủ gỗ.

PV hỏi tại sao không gọi xe đến chở luôn cho tiện mà phải chuyển xe máy, một người trong nhóm bảo, lúc chiều có “động” (nghi ngờ có sự xuất hiện của cơ quan chức năng), nên xe không đến mà phải dùng xe máy tăng bo xuống một đoạn. Sau năm lần tăng bo, chuyến cuối cùng còn lại năm khúc gỗ, họ bỏ hết lên xe máy chở về.

Đang bám theo nhóm lâm tặc rời khỏi địa bàn huyện Phước Sơn di chuyển sang huyện Nam Giang, PV nhận được điện thoại từ một “chim lợn” trong đoàn là ở một ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Linh (ngụ thị trấn Khâm Đức, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) có một số gỗ lậu được tập kết về đây. Chúng tôi liền cho xe quay đầu tiến về thị trấn Khâm Đức trong màn đêm đầy sương mù bao phủ. Địa điểm giấu gỗ cũng là một quán ăn, PV vào quán ăn sau đó xin đi vệ sinh.

Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, PV đột nhập vào nơi cất giấu gỗ để ghi hình. Ở đây có trên 20 khúc gỗ lớn nhỏ, được cất giấu cạnh nhà vệ sinh; trong đó, có một bao tải gỗ mới chuyển về còn bỏ trong bao. Điều khó hiểu là lâm tặc đem gỗ về ngay trung tâm thị trấn cất giấu mà không bị phát hiện, dù chỉ cách Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn chưa đầy 500m.

Gỗ được giấu trong nhà dân cách trạm kiểm lâm 500m. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Gỗ được giấu trong nhà dân cách trạm kiểm lâm 500m. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Trạm kiểm lâm “tê liệt”?

Điều khó hiểu của PV là lâm tặc ngang nhiên tập kết vận chuyển gỗ lậu trong đêm từ xã Phước Chánh về đến xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc), phải qua ít nhất hai trạm kiểm lâm Nam Giang và Đại Lộc, trong đó có một trạm kiểm soát lâm sản (thuộc Hạt Kiểm lâm Đại Lộc) và đội Kiểm lâm cơ động số 2 (chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) đóng tại xã Đại Hồng hoạt động 24/24h .

Khoảng 8h sáng hôm sau, PV có mặt tại Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn để thông báo lại tình hình ghi nhận được sau chuyến đi thị sát ở rừng Phước Sơn, nhưng, ở đây vẫn chưa có người làm việc. Đứng đợi hơn 30 phút vẫn không thấy ai, PV đi ra phía sau cơ quan, thì gặp được một kiểm lâm viên tên Bảy (phòng Pháp chế) cho biết: “Các sếp đi vắng”. Theo lời kiểm lâm viên này thì ông Dưỡng (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn) và ông Trần Lanh (Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện) lấy xe cơ quan đi đâu không biết.

Đợi mãi không có người làm việc, PV đành phải liên lạc qua điện thoại với ông Dưỡng, để thông báo tình hình lâm tặc hoành hành trên địa bàn hạt quản lý, thì nhận được một câu trả lời: “Tôi đang bận” và cúp máy. Sau đó, PV liên lạc thêm hai lần đầu dây bên kia đều bấm máy bận”.

PV tiếp tục điện thoại cho ông Trần Lanh, giới thiệu là PV thì đầu dây bên kia cứ alo, alo…, rồi cúp máy. PV gọi lại lần nữa thì điện thoại không liên lạc được. Ông Bảy đứng cạnh chúng tôi chen vào: “Điện thoại của mấy sếp thường hay bị mất sóng nên các anh có điện, sếp cũng không nghe được đâu!”.

Khi PV di chuyển gần ra khỏi địa bàn huyện Phước Sơn để tiếp tục cuộc hành trình đến với những cánh rừng thuộc huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, PV giật mình bởi tiếng gầm rú của hàng chục chiếc xe độ nối đuôi nhau phóng như tên bay từ phía sau.

PV tấp vào lề, nhường đường cho nhóm lâm tặc, lấy lại bình tĩnh rồ ga bám theo. Bám đuôi được một đoạn đường khá dài, khi đến địa bàn huyện Nam Giang, dường như phát hiện có người bám theo, nhóm lâm tặc rồ ga cho xe phóng nhanh hơn, nên đoàn PV bị mất dấu.

Nghi ngờ nhóm lâm tặc này sẽ làm ở một khu rừng nào đó thuộc địa bàn xã Cà Dy, PV quyết định gửi xe tại làng Rô, lội bộ hơn 2km qua sông vào khe Cung, khe Banh, đồi Sân Bay, rồi sang núi Bà đến để thị sát. Khi vừa đặt chân tới bìa rừng thì bất ngờ gặp một bãi gỗ hơn 20 phách gỗ dổi dài 3m ngang 15cm được lâm tặc tập kết ngay ngắn…

Phá rừng nguyên sinh không thương tiếc

Tiến sau hơn theo dấu trâu kéo gỗ ở xã Cà Dy, huyện Nam Giang, PV phát hiện rải rác nhiều điểm tập kết gỗ, điểm nào gỗ cũng được xếp ngay ngắn từ 15 – 20 phách gỗ gồm dổi, chò và quỷnh đủ kích cỡ vanh các cây từ 150 – 200cm.

Tiếp tục lần theo dấu vết, đoàn PV lên đến giữa núi Bà, bất ngờ hiện ra trước mắt PV là một cây chò nâu, đường kính gốc 1m đã cưa ngã, nhưng chưa rọc phách. Cả một cánh rừng nguyên sinh tại xã Cà Dy bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc.

(còn nữa)