Kinh nghiệm phát triển rừng bền vững tại Phần Lan

Khoảng 2/3 diện tích rừng và hơn 80% lượng gỗ sản xuất của Phần Lan đến từ chủ rừng và các hộ gia đình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Keijo Ensino Norvanto. (Ảnh: Bảo Thắng)

Phần Lan là quốc gia có độ che phủ rừng lớn nhất châu Âu, với hơn 70% diện tích bề mặt được rừng bao phủ. Việc sở hữu rừng theo hộ gia đình là một giải pháp được quốc gia Bắc Âu đẩy mạnh và thành công, đồng thời mang lại sự thay đổi lớn cho nền kinh tế quốc dân.

Theo ông Keijo Ensino Norvanto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam, 2/3 rừng của nước này thuộc sở hữu của người dân. Họ sản xuất ra hơn 80% lượng gỗ được sử dụng trong các ngành công nghiệp, lâm nghiệp.

Một kinh nghiệm hay nữa của Phần Lan, là việc quản lý rừng hoàn toàn dựa vào các loài cây bản địa. Các cây phổ biến nhất và quan trọng nhất về mặt kinh tế là vân sam, thông và bạch dương.

Hiện Phần Lan đứng đầu thế giới về công nghệ trong lâm nghiệp. Nước này sản xuất các sản phẩm từ gỗ cho hàng trăm triệu người trên thế giới.

Tại Phần Lan, gỗ được xem là một nguyên liệu thô đa năng. Quan điểm của quốc gia này, là mọi thứ có thể được làm từ nhựa thì cũng có thể được làm bằng gỗ. Gỗ có thể sử dụng trong nhựa sinh học, hóa sinh, nhiên liệu sinh học, dệt may, dược phẩm, phụ gia thực phẩm và cao su.

Các công ty Phần Lan thậm chí còn sản xuất bồn rửa bằng gỗ và bó bột bằng gỗ cho xương bị gãy. Trong nhiều trường hợp, những sản phẩm làm bằng gỗ này có đặc tính ưu việt hơn những sản phẩm làm từ hóa thạch.

Trong số các chế phẩm gỗ, bao bì là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất. Phần Lan cho rằng qua sản phẩm này, người dân có thể được cải thiện nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa. Trên cơ sở đó, nhiều công ty lâm nghiệp của Phần Lan đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bao bì làm từ gỗ, bao gồm cả nhựa sinh học. Lĩnh vực này cũng nhận hỗ trợ từ Chính phủ.

Cánh rừng gỗ lớn tại Phần Lan. (Ảnh: Internet)

Tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam Keijo Ensino Norvanto bên lề Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hoan nghênh sự hợp tác giữa hai nước thời gian qua.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chúc mừng Phần Lan, khi nước này vươn tới sự thịnh vượng nhờ kinh nghiệm trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo một cách bền vững.

“Chúng tôi hy vọng sẽ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hay, cũng như chuyển giao một phần các công nghệ chế biến gỗ, ngành tăng trưởng mạnh tại Việt Nam vài năm trở lại đây”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bên cạnh công nghệ, Bộ trưởng bày tỏ sự ấn tượng với Phần Lan, khi quốc gia này liên tục đẩy mạnh các nghiên cứu và giáo dục về rừng, cũng như ngành lâm nghiệp. Đó là tiền đề để thực hiện các giải pháp kinh tế sinh học.

Mới nhậm chức tại Việt Nam vài tháng, Đại sứ Norvanto cảm ơn sự tiếp đón của Bộ NN-PTNT và địa phương. Ông cho biết, ngành lâm nghiệp Phần Lan từng trải qua nhiều thăng trầm, trước khi đạt thành tựu như hôm nay.

“Chúng tôi luôn coi việc đến rừng như trở về nhà. Rừng là điểm xuất phát, cũng là đích đến”, Đại sứ Norvanto chia sẻ. Qua buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông cũng giới thiệu Chứng chỉ rừng PEFC trong việc giúp Việt Nam phát triển kinh tế dưới tán rừng, và khai thác rừng bền vững trong tương lai.