Indonesia xuất khẩu nhiều động vật hoang dã: Lo hơn mừng

Indonesia đứng vị trí thứ 9 trong danh sách 80 quốc gia có số lượng mẫu vật động vật hoang dã được xuất khẩu hợp pháp ra nước ngoài cao nhất kể từ năm 1975. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo tồn cho rằng nếu lợi nhuận từ hoạt động này không được phân bổ cho mục tiêu bảo tồn thì việc có giá trị xuất khẩu lớn không phải là điều đáng tự hào, chưa kể hoạt động buôn bán hợp pháp đôi khi là vỏ bọc che giấu cho nạn buôn bán bất hợp pháp bằng cách “rửa” động vật hoang dã bị săn bắt ngoài tự nhiên thông qua các cơ sở nuôi nhốt.

Dựa trên việc xem xét dữ liệu CITES trong 46 năm (1975 – 2021), nghiên cứu do Outforia thực hiện xếp Indonesia ở vị trí thứ 9 trong danh sách 80 quốc gia xuất khẩu động vật sống hợp pháp với 7,7 triệu động vật sống được xuất khẩu kể từ năm 1975. Đáng chú ý là ¼ trong số này, tương đương hơn 2 triệu mẫu vật sống là loài cá rồng (Scleropages spp.) nhằm phục vụ thị trường cá cảnh ở khắp Đông Nam và Đông Á. Đây cũng là loài động vật sống được xuất khẩu nhiều nhất trong 46 năm qua.

Mặc dù các hoạt động buôn bán này là hợp pháp và được giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền ở Indonesia, tuy nhiên, các quốc gia có đa dạng sinh học phong phú như Indonesia nên cố gắng giảm thiểu điều này và tập trung nhiều hơn vào việc bảo tồn các hệ sinh thái – nơi các loài được tìm thấy, theo Sunarto, cộng sự nghiên cứu tại Viện Tài nguyên và Trái đất bền vững thuộc Đại học Indonesia.

Cũng theo Sunarto, lợi nhuận từ xuất khẩu động vật sống nên được phân bổ để tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống. Nếu những khía cạnh bảo tồn không được đáp ứng thì việc có giá trị xuất khẩu lớn không phải là điều đáng tự hào. Thậm chí, cần xem đây là vấn đề cần được xem xét sâu hơn để có thể thực hiện những thay đổi phù hợp đối với các chính sách và thực hành trong quản lý động vật hoang dã trong cả môi trường tự nhiên, tại các cơ sở nuôi nhốt và trong quá trình buôn bán.

Tê tê bị săn trộm tại Borneo, Indonesia. Nhu cầu về thịt và vảy tê tê được sử dụng trong y học cổ truyền ở Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy các loài tê tê đến nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: Paul Hilton / WildAid)

Một vấn đề khác cũng khiến giới bảo tồn quan ngại là sự nhập nhèm giữa buôn bán bất hợp pháp và buôn bán hợp pháp có thể đẩy một số loài đến nguy cơ tuyệt chủng, trong đó một số thị trường xuất khẩu chính từ Indonesia bao gồm châu Âu, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Malaysia và Singapore.

Chính phủ Indonesia đã thực hiện một số chính sách để điều chỉnh việc buôn bán động vật hoang dã bao gồm việc thúc đẩy nuôi nhốt các loài thường không bị loại bỏ khỏi tự nhiên. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cho rằng điều này tạo cơ hội cho những đối tượng buôn lậu “rửa” động vật hoang dã bị đánh bắt bất hợp pháp bằng cách tuồn chúng vào các cơ sở nuôi nhốt như thể chúng được sinh ra ở đó vậy. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy gần 80% trong số 5.337 cá thể trăn cây xanh (Morelia viridis) xuất khẩu từ các cơ sở chăn nuôi từ năm 2009-2011 trên thực tế là bắt trong tự nhiên ở miền đông Indonesia. Ngoài ra, sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng động vật được xuất khẩu từ Indonesia từ nguồn nuôi nhốt và số lượng động vật mà các cơ sở chăn nuôi trong nước đăng ký hoặc có năng lực đáp ứng cũng cho thấy rõ sự đánh tráo này.

Thảo Ly (Theo Mongabay)

Nguồn: