Hành trình rùa biển – Bài 4: Cuộc chuyển vị lịch sử

Nhóm cán bộ, chuyên gia của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đến Côn Đảo sau tôi và ông Lê Xuân Ái – nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo vài ngày. Bởi, với vai trò cố vấn chương trình thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm”, ông Ái cần có thêm ít thời gian để hoàn tất thủ tục cũng như tranh thủ thăm lại mảnh đất đã nương náu ân tình với mình hơn hai phần ba quãng đời đã qua. Họ đến để làm công việc đã 2 lần thực hiện thành công trong năm 2017, đó là chuyển vị trứng rùa từ Bảy Cạnh – Côn Đảo về Bãi Bấc – Cù Lao Chàm với khát vọng kêu gọi rùa biển trở lại Cù Lao Chàm, nơi mà giống loài này đã từng sinh sôi nảy nở phát triển mạnh từ khoảng 30 năm trở về trước.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ (bên trái) cùng cộng sự mang trứng rùa chuyển vị từ Côn Đảo đến Bãi Bấc – Cù Lao Chàm để chôn ấp (Ảnh: Xuân Thọ)

Từ lấy thịt rùa nuôi heo…

Xuyên suốt hành trình từ TP.Hồ Chí Minh ra Côn Đảo, ngay cả khi đã đặt chân đến hòn đảo này, những câu chuyện về rùa biển vẫn được ông Ái kể không ngớt. Mấy chục năm trước, Côn Đảo có rất nhiều rùa, đến mức người dân địa phương thậm chí còn lấy thịt rùa để… nuôi heo. Ông Ái bảo, có một người dân địa phương từng nói rằng “nhiều khi tắm heo, nghe mồ hôi của heo toàn mùi thịt rùa”. Suốt một thời gian dài như thế, Côn Đảo chưa từng nghĩ đến chuyện bảo tồn rùa biển. Mãi đến năm 1987, Côn Đảo đón chuyến thăm của giáo sư Võ Quý – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và bà Elizabeth Kemf – Thư ký Hội Hòa bình xanh thế giới, bắt gặp cảnh đó, bà Elizabeth Kemf đã phải thảng thốt: “Sao lại khai thác sử dụng rùa biển thế này!?”. Sau đó là cuộc trao đổi giữa hai bên, và từ buổi làm việc, câu chuyện về bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo được dấy lên, nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.

“Không biết thế giới đã có nơi nào thực hiện chưa, chứ tại Việt Nam, tôi dám khẳng định rằng, chúng tôi là những người đầu tiên thực hiện chuyển vị trứng rùa với khoảng cách gần cả nghìn cây số” – ông Lê Xuân Ái, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo nói về chuyến chuyển vị trứng rùa đầu tiên từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm năm 2017.

“Tất cả bắt đầu gần như là tự mày mò” – ông Ái nhớ lại. Bởi khi ấy, tại Côn Đảo chưa có ai được đào tạo về bảo tồn rùa biển, thậm chí trong nước chưa từng có nghiên cứu bảo tồn rùa biển. Cũng vì vậy mà dặm đường sau đó, giờ nghĩ lại, đôi khi cười thương cho những sai lầm… ngây ngô. Nhưng trong sự mày mò ấy, cùng với những cái khó về mặt nhân lực, họ đã tìm ra hướng đi mà có thể gọi là đặt nền móng cho việc chuyển vị trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm bây giờ.

… đến chuyển vị tại chỗ

Khởi thủy ở Côn Đảo có Trạm Kiểm lâm Ông Đụng, nhưng trạm này không có chức năng bảo tồn rùa biển do trong khu vực chưa phát hiện có rùa lên đẻ. Nhưng rồi cách đây hơn 10 năm, có rùa lên đẻ ở các bãi cát nhỏ, cách xa vị trí đặt trạm. “Lực lượng kiểm lâm ít, nhưng rùa lên đẻ không thể bỏ mặc, vì trứng sẽ bị xâm hại bất cứ lúc nào. Thế là trạm phải cắt cử kiểm lâm viên thay phiên nhau canh giữ ổ trứng rùa” – ông Ái kể.

Một ổ, hai ổ, ba ổ trứng rùa còn cầm cự chia cắt người bảo vệ được, chứ sau này khi rùa lên đẻ nhiều hơn thì mối lo hình thành. Bởi nếu theo bảo vệ rùa thì rừng bị uy hiếp cả về lâm tặc lẫn… hỏa tặc. Những khó khăn đó nhanh chóng được thông báo đến Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo – Lê Xuân Ái. Sau những suy nghĩ, trăn trở, ông Ái bàn với cộng sự chuyện thử nghiệm chuyển trứng rùa đẻ ở những nơi xa về ngay trạm để tiện bề quản lý, bảo vệ. “Về nguyên tắc, việc chuyển trứng rùa được khuyến khích thực hiện dưới 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc rùa mẹ đẻ xong, bởi lúc đó mạch phôi chưa hình thành. Sau 6 tiếng, mạch phôi hình thành, sự chuyển động sẽ làm đứt các mạch này và hỏng trứng”- ông Ái giải thích. Kết quả sau đó được anh em ở trạm báo cáo: có những ổ trứng sau khi di chuyển về ấp khoảng 12 đến 20 ngày thì trứng nở với tỷ lệ khá cao, cũng có một số ổ thời gian ấp ở trạm dài hơn và tỷ lệ nở không cao.

Từ kết quả chuyển vị trứng rùa tại Ông Đụng, cách thức này được chia sẻ áp dụng hiệu quả ở các trạm bảo vệ khác. “Đây là một sáng kiến mới trong bảo tồn rùa biển và có thể gọi là bảo tồn chuyển vị tại chỗ” – ông Ái nói.

Và cuộc chuyển vị lịch sử

“Không biết thế giới đã có nơi nào thực hiện chưa, chứ tại Việt Nam, tôi dám khẳng định rằng chúng tôi là những người đầu tiên thực hiện chuyển vị trứng rùa với khoảng cách gần cả nghìn cây số” – ông Ái quả quyết, khi nói về chuyến chuyển vị trứng rùa đầu tiên từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm trong năm 2017. Cũng trong năm 2017 họ còn thực hiện thành công thêm một lần chuyển vị trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm ấp nở. Qua hai lần, những người làm công tác bảo tồn đã chuyển vị tổng cộng 900 trứng rùa, tỷ lệ nở thành công và thả rùa con về biển lên đến hơn 95%, một con số ngoài mong đợi. “Trước đó, khi đi họp ở tỉnh, có đại biểu hỏi sẽ nở khoảng bao nhiêu phần trăm. Tôi không dám chắc, vì đây là thí nghiệm đầu tiên mà. Sau, được lãnh đạo và bạn bè động viên an ủi “nở vài con cũng là thành công lắm rồi”, chứ đâu ngờ tỷ lệ nở cao như vậy” – ông Ái chia sẻ.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ cẩn thận lấy trứng rùa từ Côn Đảo về đặt vào ổ chôn ấp tại Bãi Bấc, Cù Lao Chàm (Ảnh: Xuân Thọ)

Nhưng trước hết, hãy nói về “cơ duyên” thực hiện chương trình bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm của kỹ sư Nguyễn Văn Vũ – Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm). “Vài năm trước, chỉ đơn thuần là đi tuyên truyền, làm công tác bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm, tôi vô tình biết được rằng Cù Lao Chàm từng có rất nhiều rùa sinh sống. Từ đó nảy ra ý tưởng và đăng ký thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm” với sự giúp đỡ của chuyên gia về rùa biển Lê Xuân Ái” – kỹ sư Vũ cho hay.

Có hai nguyên tắc thực hiện việc thử nghiệm này. Thứ nhất, trứng rùa chỉ lấy ở Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh – Côn Đảo và về chôn ấp tại Bãi Bấc – Cù Lao Chàm. Thứ hai, từ Côn Đảo sẽ chia thành hai nhóm bằng đường bộ và đường hàng không để mang trứng rùa về Cù Lao Chàm. “Nguyên tắc thứ nhất giúp đồng nhất về địa điểm cho và nhận trứng. Nguyên tắc thứ hai giúp mình đánh giá việc chuyển trứng rùa bằng phương thức vận chuyển nào sẽ hiệu quả hơn để sau này chỉ thực hiện theo hình thức đó” – kỹ sư Vũ giải thích. Sau hai lần chuyển vị thành công năm 2017, dù tỷ lệ trứng nở khá cao, theo kỹ sư Vũ vẫn cần tiếp tục thực hiện và theo dõi để nhận định chính xác phương thức chuyển vị nào hiệu quả hơn. Còn với ông Ái, ông cho rằng đó đã là những cuộc chuyển vị lịch sử: “Bởi thử nghiệm chuyển vị trứng rùa trong phạm vi ở Côn Đảo khoảng cách rất gần, chứ không xa cả nghìn cây số như về Cù Lao Chàm”.

Bài cuối: Tiền đề cho tương lai