Việt Nam hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ

ThienNhien.Net – Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ sẽ được tổ chức tại Nga vào tháng 09/2010, hàng loạt sự kiện đã được tổ chức trên thế giới. Ngày 10/06/2010 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo tham vấn cho Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ.

Sáng kiến bảo tồn hổ toàn cầu (GTI)

Sáng kiến toàn cầu về bảo tồn hổ (Global Tiger Initiative-GTI) đã rung lên tiếng chuông báo động về sự diệt vong của loài hổ, khi mà trong thế kỷ qua số lượng loài hổ đã giảm từ 100.000 cá thể xuống còn 3500 cá thể. Nếu nhân loại không có quyết tâm và hành động thỏa đáng thì sẽ không bảo vệ được loài hổ, một loài biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp của thiên nhiên.

GTI do Chủ tịch Ngân hàng thế giới Robert B. Zoellick, Viện Smithsonian, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và các quốc gia có hổ phân bố khởi xướng vào tháng 06/2008 nhằm bảo tồn loài hổ đang bị đe dọa tuyệt chủng của thế giới.

Bảo tồn hổ có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn thành công loài hổ trong tự nhiên đồng nghĩa với việc bảo tồn thành công khu vực sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao và bảo đảm sự cân bằng của hệ sinh thái. Bằng sức mạnh của sự quyết tâm cao, GTI đã kêu gọi được sự hưởng ứng của cộng đồng thế giới, các tổ chức quốc tế và 13 quốc gia có hổ sinh sống trong tự nhiên tham gia.

Trong 2 năm 2009 – 2010, GTI đã tổ chức một số sự kiện quy mô lớn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong thời gian tới hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ sẽ được tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Nga vào tháng 09/ 2010 dưới sự chủ tọa của Tổng thống Nga Vadimir Putin và Chủ tịch Ngân hàng thế giới Robert B. Zoellick là một sự kiện quan trọng mà tất cả các quốc gia có hổ đều hướng tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về bảo tồn một loài nguy cấp, quý, hiếm – loài Hổ được tổ chức, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực quyết liệt bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật đang đứng trước nguy cơ diệt vong.

Hành trình của Việt Nam tới Hội nghị thượng đỉnh Hổ toàn cầu

Việt Nam là nước có hổ sinh sống. Theo đánh giá  hiện nay, số hổ tồn tại trong điều kiện tự nhiên chưa được đánh giá một cách đầy đủ, nhưng ước tính khoảng trên 50 con. Nếu Việt Nam không có một hành động khẩn cấp và quyết liệt thì khả năng diệt vong của loài hổ có trong nước là rất lớn.

Luật Đa dạng sinh học chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 01/07/2009, theo đó quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tổ chức điều phối thực hiện các hiệp ước mà Việt Nam là thành viên, các sáng kiến quốc tế về tồn bảo đa dạng sinh học nói chung, trong đó có Sáng kiến toàn cầu về bảo tồn hổ (GTI).

Bên cạnh việc tích cực tham gia các sự kiện quốc tế trong khuôn khổ GTI và khẳng định được vai trò và vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều phối và huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức WWF, WCS trong việc xây dựng Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ. Dự thảo chương trình cũng đã được thông qua tại cuộc họp kỹ thuật với sự tham gia của chuyên gia trong nước và quốc tế ngày 07/06/2010.

Chương trình này sẽ được thảo luận tại Hội thảo tham vấn quốc gia để tiếp tục được hoàn thiện và trình bày tại cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Bali, Indonesia trong tháng 7 sắp tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chính thức báo cáo Chính phủ về các công việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh. Việc hưởng ứng và chủ động thực hiện GTI thể hiện quyết tâm của chính phủ trong công tác bảo tồn loài hổ nói riêng và đa dạng sinh học nói chung.