Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Ngày 5.12, Bộ Tài chính cho biết vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Mức phí bảo bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản sẽ tăng. (Ảnh: Văn Đức)

Trên cơ sở quan điểm mức phí bảo vệ môi trường phải căn cứ vào khối lượng chất thải ra môi trường và mức độ ô nhiễm trong quá trình khai thác khoáng sản gây ra, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định hiện hành phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện. Mục đích chính là từng bước hạn chế tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Hiện nay, quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá… là từ 1.500 – 1.600 đồng/m3. Theo Bộ Tài chính, mức phí này còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế.

Do vậy, đơn vị này đề xuất trình Chính phủ điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Mức phí tối thiểu bằng mức phí tối đa hiện hành và mức phí tối đa bằng 200% mức phí hiện hành. Cụ thể, mức phí từ 2.000 -12.000 đồng/m3, tùy loại khoáng sản trong khi mức hiện hành là từ 1.000 – 6.000 đồng/m3.

Bên cạnh đó, để khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sử dụng đất đá bốc xúc thải ra để cải tạo, phục hồi môi trường, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định miễn thu phí đối với việc sử dụng đất đá bốc xúc để cải tạo, phục hồi môi trường.

Đồng thời, miễn thu phí với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Tổ chức, cá nhân khai thác đất đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai.

Theo thống kê, số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Số thu phí năm 2017 là 3.029 tỉ đồng; năm 2018 là 3.448 tỉ đồng; năm 2019 là 3.737 tỉ đồng; năm 2020 là 3.576 tỉ đồng.