Một thế giới trước khủng hoảng (Phần 1)

Năm 2022 sẽ đánh dấu 50 năm ra đời của Ấn phẩm Giới hạn của Tăng trưởng1, báo cáo đầu tiên cho Câu lạc bộ Rome, một tổ chức tập hợp các nhà lãnh đạo, học giả và doanh nhân được Aurelio Peccei thành lập bốn năm trước đó.

Lũ lụt ở Bandung, Indonesia, 24/4/2021. (Ảnh: Gettyimages).

Ấn phẩm đã khiến công chúng hết sức chú ý bởi lần đầu tiên chúng ta cùng ý thức được rằng tăng trưởng kinh tế không thể diễn ra vô hạn do cạn kiệt về tài nguyên. Báo cáo thứ hai, Nhân loại tại Thời điểm Bước ngoặt2 xuất bản hai năm sau đó đưa ra dự đoán lạc quan hơn về diễn tiến của môi trường sống và cho thấy rằng nhiều yếu tố liên quan nằm trong tầm kiểm soát của con người, có thể giúp tránh và ngăn ngừa các thảm họa môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, vào năm 1991 Câu lạc bộ Rome xuất bản Cuộc Cách mạng Toàn cầu lần thứ Nhất3 lên án thói quen của chúng ta khi tìm một kẻ thù chung để đổ lỗi khi đối diện với những vấn đề mà chúng ta không thể tự giải quyết: “Chúng ta đã nhầm lẫn khi nhận định rằng mối đe dọa chung đối với nhân loại là các nguy cơ đến từ ô nhiễm, sự nóng lên toàn cầu, thiếu hụt nguồn nước, nạn đói và những thứ tương tự; nhưng khi làm như vậy chúng ta đang rơi vào bẫy nhầm lẫn giữa triệu chứng và nguyên nhân. Tất cả những nguy cơ này đến từ sự can thiệp của con người vào các quá trình tự nhiên, và chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ và hành vi, chúng mới có thể được khắc phục. Kẻ thù thực sự là chính nhân loại”. Sự lạc quan nhạt dần theo năm tháng, và vào năm 2008, G. Turner4 đã chỉ ra rằng dữ liệu 30 năm qua diễn ra tương đối phù hợp với kịch bản bi quan nhất đã dự liệu trong Giới hạn của Tăng trưởng, dẫn đến khả năng sụp đổ của thế giới vào giữa thế kỷ 21.

Thật vậy, thực tế 50 năm qua đã chứng tỏ chúng ta đã không ứng xử lý tính và có trách nhiệm một cách thích đáng trước những mối nguy khẩn cấp xảy đến với hành tinh của chúng ta; thay vào đó, các lập luận phi lý tính và cảm tính đã chiếm ưu thế, chia rẽ chúng ta thành các phe phái thù địch, đổ lỗi cho nhau về sự suy thoái ngày càng nhanh của thế giới toàn cầu hóa nơi chúng ta đang sống. Tôi điểm lại dưới đây 10 nguy cơ đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng với hành tinh trong 50 năm qua, được chọn từ các mối đe dọa với tương lai của chúng ta5.

1. Nhân khẩu học tăng trưởng quá nóng

Trong 50 năm qua, dân số thế giới đang tăng đều đặn với tốc độ một tỷ người sau mỗi 12 năm và dự kiến sẽ đạt 8 tỷ người vào năm 2023. Các dự đoán trong 50 năm tới có rất nhiều con số, nhưng không có xu hướng rõ ràng nào về sự tăng trưởng chậm lại của dân số trong thời gian ngắn. Toàn cầu hóa và gia tăng dân số là những yếu tố đóng vai trò quyết định đến diễn tiến của các nguy cơ đối với hành tinh của chúng ta. Trong 50 năm qua, Ngày Trái đất Vượt ngưỡng Phục hồi (một chiến dịch của tổ chức GFN nhằm ước tính khả năng tái tạo tài nguyên so lượng tiêu thụ trong năm để từ đó cảnh tỉnh con người về các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của Trái đất) đã chuyển từ cuối tháng 12 sang cuối tháng bảy. Các hành động nhằm hạn chế gia tăng dân số bao gồm giáo dục dành cho phụ nữ và giới hạn số con trên mỗi cặp vợ chồng đều cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tôn giáo và niềm tin phi lý tính đã phần nào hạn chế hiệu quả của biện pháp tránh thai cũng như thái độ của chúng ta đối với dân số đang già đi: số năm một người sẽ sống tính từ thời điểm bây giờ nên được coi là một thước đo lý tính cho giá trị mạng sống của người đó, nhưng một ý tưởng như vậy lại bị coi là sự xúc phạm. Nếu ngài mai tôi chết, thì tổn thất đối với nhân loại rõ ràng sẽ thấp hơn một bậc so với trường hợp một đứa trẻ chẳng may chết vào ngày mai; nhưng những lập luận lý tính như vậy đang bị bỏ qua.

2. Di cư, nghèo đói, bất bình đẳng

Các lập luận phi lý tính và cảm tính đã chiếm ưu thế, chia rẽ chúng ta thành các phe phái thù địch, đổ lỗi cho nhau về sự suy thoái ngày càng nhanh của thế giới toàn cầu hóa nơi chúng ta đang sống.

Toàn cầu hóa đã giúp cho chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về những bất công do bất bình đẳng mang lại trên khắp thế giới. Ở một số quốc gia châu Phi, hơn 1 trong số 10 trẻ em sinh ra ngày nay sẽ chết trước 5 tuổi, so với con số 1 trên 250 trẻ em ở châu Âu và Đông Á. Số năm được đến trường cũng khác nhau, giữa 5 năm ở các quốc gia Châu Phi so với 15-20 năm ở các quốc gia kia. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở Qatar lớn hơn 150 lần so với Cộng hòa Trung Phi, so sánh giữa hai quốc gia lớn nhất và nhỏ nhất; trong khi nếu so sánh Hoa Kỳ với các quốc gia khác, con số này là gấp bảy lần với Trung Quốc và 25 lần với Việt Nam. Quy đổi theo chi phí sinh hoạt tương đối (sức mua tương đối), các tỷ lệ là 3,5 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và 8,0 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Các tỷ phú trên thế giới, với số lượng hơn hai nghìn một chút, có giá trị tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại – tức 60% dân số hành tinh. Bốn trong số năm người dưới mức nghèo (theo chuẩn quốc tế) sống ở các vùng nông thôn, một nửa trong số họ là trẻ em, phụ nữ chiếm đa số, khoảng 70% người nghèo từ 15 tuổi trở lên không được đi học hoặc chỉ được giáo dục cơ bản. Hơn 50% người nghèo sống trong các nền kinh tế yếu ớt, có nguy cơ xung đột và bạo lực cao hiện chiếm 10% tổng dân số thế giới, với con số dự kiến ​​sẽ tăng lên 67% trong thập kỷ tới.

Hệ quả của bất bình đẳng là sự di cư của các nhóm dân cư, chủ yếu do các yếu tố chính trị xã hội, kinh tế và môi trường thúc đẩy: sự chênh lệch kinh tế giữa các nền kinh tế đang phát triển và đã phát triển khuyến khích sự di chuyển của lao động có kỹ năng sang nền kinh tế đã phát triển. Bạo lực gia tăng trên toàn thế giới, thường là kết quả của sự không khoan dung của sắc tộc hoặc tôn giáo, dẫn đến gia tăng di cư. Trong 50 năm qua, mức di cư thuần đến các khu vực phát triển đã tăng từ 0,3 triệu lên 3,1 triệu người mỗi năm. Thông thường, 2% người di cư đến châu Âu qua đường biển tử vong trong suốt hành trình. Di cư sẽ là động lực quan trọng ngày càng tăng làm thay đổi dân số vài thập kỷ tới. Về lâu dài, mặc dù có tác động tích cực tổng thể đến phát triển kinh tế và xã hội, di cư cũng gây ra mối quan tâm, lo lắng và tranh luận chính trị về tính bền vững của nó và các phong trào có nguy cơ gây bất ổn xã hội nơi người di cư ra đi và cả nơi tiếp nhận họ.

Bé gái người Syria, một trong số hàng nghìn người đã đi trên những chiếc thuyền bơm hơi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, Hy Lạp. Thường có 2% người di cư đến châu Âu bằng đường biển tử vong trong suốt hành trình. (Ảnh: Theguardian).

3. Các cuộc chiến tranh và khủng bố

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, 50 năm qua thế giới chỉ chứng kiến ​​rất ít xung đột lớn, trong đó đáng kể nhất là ở cuộc chiến ở Afghanistan (1978-2021) với 1,7±0,3 triệu người thương vong và Đại chiến châu Phi (1998-2003) với 4,0±1,5 triệu người thương vong. Nhưng một số quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á đang ở trong tình trạng bất ổn liên miên với các cuộc xung đột liên tục trong một thời gian dài. Không phải bạo lực của một cuộc chiến tranh gây ra tổn hại lâu dài cho một quốc gia (như nước Đức đã phục hồi ra sao sau Thế chiến Thứ hai) mà là thời gian của nó, nghĩa là sự mất mát của một hoặc nhiều thế hệ đóng góp vào quá trình phát triển đất nước: cần rất nhiều thập kỷ mới có thể phục hồi tổn thất đó.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong suốt lịch sử 50 năm qua là sự ra đời của hình thức bạo lực mới, được gọi là khủng bố, với các hành động “nhằm gây ra cái chết hoặc tổn thương nghiêm trọng cho dân thường với mục đích đe dọa người dân hoặc chính phủ của họ”. Từ năm 1970 đến năm 2015, đã có tổng cộng 160.000 vụ khủng bố diễn ra, với trung bình 10 vụ mỗi ngày; một nửa trong số đó ở Iraq, Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ. Con số này tăng liên tục trong thời gian qua và đạt mức cao nhất vào năm 2015; riêng năm 2019, khủng bố đã gây ra cái chết của 14.000 người trên toàn thế giới, trong đó 5.700 người ở Afghanistan và 1.200 người ở Nigeria. Taliban, Boko Haram và ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant) là những nhóm khủng bố chính. Trong năm năm qua, trong khi tác động của ISIL ngày càng giảm ở Trung Đông, thì Thế giới phương Tây đã chứng kiến ​​sự gia tăng của chủ nghĩa Cực hữu, và ở mức độ thấp hơn là chủ nghĩa khủng bố Cực tả.

Lịch sử nhận thức của công chúng về những lợi ích và nguy hiểm của năng lượng hạt nhân là biểu tượng cho việc chúng ta không có thái độ thảo luận một cách duy lý về những vấn đề như vậy.

Đặc điểm chung của chủ nghĩa khủng bố và các cuộc chiến tranh trong 50 năm qua là sự tương phản mạnh mẽ giữa sự sợ hãi mà chúng đe dọa reo rắc trong dân chúng và tác động thực tế nhỏ hơn nhiều của chúng. Một ví dụ minh họa là ở Hoa Kỳ, bệnh tim gây ra hơn 30% số ca tử vong, trong khi chủ nghĩa khủng bố gây ra ít hơn tỷ lệ 1 trong 10.000 số ca tử vong; nhưng xét về mức độ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông, bệnh tim chỉ chiếm 2% so với 33% của khủng bố. Đáng quan ngại hơn là mối đe dọa gia tăng của một cuộc xung đột hạt nhân, có nguyên nhân từ sự thất bại của chính sách ngoại giao nhằm giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Do đó, Lầu Năm Góc gần đây đã ban hành một tài liệu nhận định rằng “có khả năng gia tăng xung đột khu vực liên quan đến các đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân ở một số khu vực trên thế giới và leo thang hạt nhân trong trường hợp khủng hoảng hoặc xung đột”. Biển Đông đang trở thành một khu vực đặc biệt nhạy cảm về khía cạnh này, đặc biệt là với quyết tâm gần đây của Trung Quốc nhằm tái thống nhất Đài Loan.

4. Quản trị, thất bại dân chủ, chủ nghĩa dân túy

Các mối đe dọa toàn cầu cần nền quản trị toàn cầu với tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Trong hơn 50 năm qua, bằng chứng cho sự vắng mặt của nó ngày càng tăng lên. Liên Hợp Quốc và các sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh G20 rõ ràng đóng một vai trò tích cực trong việc quản trị hành tinh của chúng ta, nhưng họ thiếu quyền lực cần thiết để thực hiện các quyết định có thể gặt hái kết quả về lâu dài. Việc không đạt được thỏa thuận toàn cầu về giải trừ vũ khí hạt nhân hoặc phát thải carbon dioxide là một ví dụ điển hình. Một trong những quan ngại xuất hiện trong những năm gần đây là nhận thức về sự suy giảm đáng kể chất lượng quản trị ở nhiều quốc gia phương Tây. Tiêu biểu cho sự sa sút đó là nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump ở Hoa Kỳ như một mẫu hình của sự khiếm nhã, đồi bại và không tôn trọng các giá trị đạo đức cơ bản mà thế giới đã liên tục gây dựng trong 25 thế kỷ qua. Sự thất bại của hệ thống trong việc ngăn chặn tác hại mà nó gây ra cho quốc gia đó đã cho thấy sự mong manh và tính dễ bị tổn thương của các nền dân chủ phương Tây trước chủ nghĩa cực đoan. Nó cũng cho thấy mức độ nào đó, hành động của hầu hết các chính trị gia được thúc đẩy bởi mục tiêu tái cử thay vì phục vụ lợi ích quốc gia.

Trong 50 năm qua, theo xu hướng chung ở Mỹ Latinh, chủ nghĩa dân túy đã và đang phát triển vững chắc trong hệ thống quản trị của thế giới phương Tây. Chủ nghĩa này hướng tới việc làm hài lòng đám đông hơn là giới tinh hoa, và đưa ra tầm nhìn ngắn hạn thay vì dài hạn về tương lai. Trích Bách khoa Toàn thư Britannica, “Nó xoay quanh một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn, người thu hút và tuyên bố là hiện thân của ý chí của nhân dân để củng cố quyền lực của chính mình. Trong hình thức chính trị được cá nhân hóa này, các đảng phái chính trị mất đi tầm quan trọng của chúng và các cuộc bầu cử diễn ra nhằm xác nhận quyền lực của nhà lãnh đạo hơn là phản ánh nguyện vọng khác nhau của người dân. Một số hình thức chủ nghĩa dân túy độc tài có đặc điểm là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, thuyết âm mưu và đổ lỗi cho các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội, mỗi hình thức đều nhằm củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo, đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi những thất bại của nhà lãnh đạo hoặc che mắt người dân trước bản chất sự cai trị của người lãnh đạo hoặc những nguyên nhân thực sự của các vấn đề kinh tế hoặc xã hội”. Kết quả là thập kỷ qua đã có thêm rất nhiều đánh giá và đã nhận định về mối nguy hiểm thực sự trong các diễn tiến đó và cách thức đối mặt với nó; nhiều quan điểm đa dạng cũng đã xuất hiện, trải rộng từ trường phái lạc quan vừa phải tới bi quan cùng cực.

5. Năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân, năng lượng tái tạo

Trong 50 năm qua, so với mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, phần nhiên liệu hóa thạch đã thay đổi từ 93,5% xuống 84,5%, năng lượng tái tạo tăng từ 5,8% lên 11,3% và năng lượng hạt nhân điều chỉnh từ 0,7% lên 4,2%. Quá trình diễn ra khá chậm chạp và những phỏng đoán tương lai về những thay đổi nhanh chóng là không thực tế. Tuy nhiên, cũng có những tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực: trong thập kỷ qua, số người không được sử dụng điện đã giảm từ 1,2 xuống 0,8 tỷ, và dòng vốn quốc tế đổ vào các nước đang phát triển để hỗ trợ năng lượng sạch đã tăng từ 10 lên 21 tỷ USD. Sự chênh lệch lớn trên thế giới khiến ước mơ về một chính sách toàn cầu hiệu quả về năng lượng trở nên có phần không tưởng: mức tiêu thụ điện trung bình trên đầu người là trên dưới 1500W ở Hoa Kỳ và Canada, chừng 500W ở Trung Quốc, khoảng 260 W ở Việt Nam và xấp xỉ 50W ở Bangladesh. Chúng tương ứng với tỷ lệ phát thải CO2 bình quân đầu người gần lần lượt là 17, 7,4, 2,2 và 0,5 tấn/năm. Với chênh lệch như vậy, người ta không thể mong đợi về một tập hợp các ưu tiên chung có thể được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu trong trường hợp không có cơ quan quyền lực mạnh có thể thực thi chúng.

Ông Simon Kofe, Bộ trưởng Ngoại giao của Tuvalu, phát biểu trước Hội nghị khí hậu COP26 giữa bốn bề nước biển nhằm nhấn mạnh nguy cơ bị nhấn chìm của đảo quốc này (Ảnh: REUTERS)

Lịch sử nhận thức của công chúng về những lợi ích và nguy hiểm của năng lượng hạt nhân là biểu tượng cho việc chúng ta không có thái độ thảo luận một cách duy lý về những vấn đề như vậy. Ở một nền văn minh được điều hành bởi những người trách nhiệm, năng lượng hạt nhân hẳn sẽ được hoan nghênh và vai trò của nó sẽ không ngừng tăng lên trong 50 năm qua. Thay vì thế, sự cố Chernobyl đã làm bùng lên nỗi sợ hãi, tạo ra các phản ứng thiếu duy lý và cùng với sự ra đời của phong trào phản đối hạt nhân, đã cản trở mạnh mẽ sự phát triển và tiến bộ. Sự cố Fukushima đã tạo cơ hội cho phong trào này tung hỏa mù vào nhận thức của công chúng, gây lẫn lộn về những thương vong gây ra do sóng thần với do sự tan chảy của lõi lò phản ứng, bất chấp sự so sánh là không tương xứng. Trong khi thế giới phương Tây không quản lý được năng lượng hạt nhân một cách hợp lý, Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân trên quy mô lớn. Hồ sơ an toàn kém của một số ngành công nghiệp nặng khác ở Trung Quốc, kết hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của năng lực phát triển điện hạt nhân dân dụng ở quốc gia này, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng ngăn ngừa sự cố nghiêm trọng của ngành.

Hình ảnh tương lai thảm khốc được dự đoán trong Giới hạn của tăng trưởng đã không xảy ra lập tức; nhưng khó khăn và chi phí gia tăng trong việc khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch (cắt phá thủy lực, khoan dầu xa bờ), cùng với các vấn đề liên quan đến việc khai thác hiệu quả năng lượng gió và mặt trời, khiến chúng ta chưa hẳn đã thoát khỏi nó.


1 Meadows, Donella; Meadows, Dennis; Randers, Jørgen; Behrens III, William (1972). The Limits to Growth; A Report for the Club of Rome’s Project on the Predicament of Mankind. New York: Universe Books. ISBN 0876631650.

2 Mesarovic, Mihajlo; Pestel, Eduard (1975). Mankind at the Turning Point. Hutchinson. ISBN 0-09-123471-9.

3 Alexander King & Bertrand Schneider. The First Global Revolution (The Club of Rome), 1993.

4 Turner, Graham (2008), A comparison of The Limits to Growth with 30 years of reality, Global Environmental Change, 18/3,397.

5 This review borrows much of its content from numerous sources on the web.