Một quốc gia, hai bức tranh phong tỏa vì bùng dịch tại Australia

Giáo sư Catherine Bennett, Đại học Deakin cho rằng khác biệt trong tốc độ phong tỏa và truy vết là nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch Covid-19 khác nhau ở các bang tại Australia.

Trong vòng một tháng, cả New South Wales và Victoria – hai bang lớn nhất Australia xét về dân số – lần lượt rơi vào các lệnh phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát mới của Covid-19. Các lệnh phong tỏa đã thổi bùng lên cuộc tranh luận của cư dân hai bang, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Sydney và Melbourne, về việc đâu mới là nơi chống dịch tốt hơn.

Trao đổi với Zing, giáo sư Catherine Bennett – chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học tại Đại học Deakin – nói rằng tại Sydney, dù chính quyền phát hiện đợt bùng dịch từ sớm, họ đã không xác định đủ nhanh tất cả người tiếp xúc gần ca bệnh để ngăn chặn đà lây lan.

Ngoài ra, chuyên gia Bennett cho hay dù tình huống một vài người không tuân thủ lệnh phong tỏa và lây bệnh cho người khác từng xảy ra ở nhiều đợt phong tỏa trước, do biến chủng Delta lây lan nhanh, số ca mắc ở Sydney và bang New South Wales vẫn không có dấu hiệu giảm bớt bất kể phong tỏa dài ngày.

“New South Wales hiện ở một tình thế rất khác, phong tỏa ngắn hạn không thể kiểm soát đợt bùng dịch này”, bà nói.

Victoria lại là một trường hợp khác. Hồi tháng 7, bang này trải qua một đợt phong tỏa kéo dài 2 tuần trước khi được dỡ bỏ. Tuy nhiên, đến ngày 5/8, Victoria lại bước vào đợt phong tỏa mới do chưa triệt hoàn toàn nguồn lây tại sự kiện công cộng. Đây đã là đợt phong tỏa để phòng dịch thứ 6 của Victoria.

Ngày 9/8, New South Wales ghi nhận 283 ca nhiễm, vẫn tăng dù bang đã bước vào tuần phong tỏa thứ sáu. Victoria ghi nhận 11 ca nhiễm mới, và Thủ hiến Daniel Andrews nói rằng các lệnh phong tỏa bên ngoài thành phố thủ phủ Melbourne sẽ được dỡ bỏ.

Bà Bennett cũng nói rằng tình hình một số tỉnh thành ở Việt Nam hiện tại giống New South Wales ở chỗ đã quá trễ để phong tỏa trong một thời gian ngắn.

Một người đàn ông đeo khẩu trang dắt cho đi dạo tại trung tâm thành phố Sydney, Australia. Ảnh: Reuters.

Phong tỏa sớm giúp kiểm soát dịch

– Vì sao Sydney phải kéo dài biện pháp nghiêm ngặt ngày đến tháng 8?

– Tuy Sydney phát hiện đợt bùng phát này từ rất sớm, chính quyền sớm nhận ra không thể xác định toàn bộ người tiếp xúc gần ca bệnh và cách ly họ trước khi họ mắc bệnh hoặc lây bệnh cho người khác.

Biến chủng Delta có thời gian lây nhiễm nhanh hơn cũng chính là thách thức. Sydney hiện chủ yếu dựa vào phong tỏa như biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong khi tiếp tục xét nghiệm và cách ly ca bệnh.

Lây truyền mức độ thấp vẫn diễn ra tại cửa hàng và nơi làm việc, những người này sẽ mang virus corona trở lại gia đình của họ. Một số gia đình không tuân thủ các quy tắc phòng dịch, họ vẫn gặp gỡ, giao lưu và lây chéo cho nhau.

Mặc dù điều này từng xảy ra với các đợt phong tỏa trước đó của Australia, biến chủng Delta dễ lây lan khiến số ca mắc vẫn tăng cao, như tại Sydney. Mức độ tương tác thấp như vậy cũng đủ để giữ số ca bệnh ở khoảng 200 ca mỗi ngày, khi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Bang New South Wales hiện ở trong một tình thế rất khác. Một đợt phong tỏa ngắn hạn sẽ không còn hoạt động trong tình huống này, bất kể có nghiêm ngặt đến mức nào. Chính quyền sẽ cần tiếp tục tập trung khuyến khích người dân tuân thủ các quy tắc phòng dịch, cùng lúc đó đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Bang đang thực hiện xét nghiệm khoảng 100.000 mẫu mỗi ngày, bao gồm sàng lọc định kỳ người làm trong lĩnh vực thiết yếu. Điều này giúp chính quyền xác định nhanh các ca bệnh và đánh giá khu vực lây lan virus corona.

Trong khi đó, bang South Australia cũng phát hiện đợt bùng phát dịch bệnh từ sớm. Do chứng kiến bài học từ Sydney, thay vì cố phá vỡ chuỗi lây truyền bằng xét nghiệm và cách ly, họ phong tỏa ngay lập tức. Phong tỏa sớm, khả năng truy vết ca tiếp xúc gần nhanh chóng và toàn diện chính là chìa khóa giúp South Australia chặn đứng chuỗi lây nhiễm.

Trung tâm thành phố Sydney vắng vẻ vì phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona. Ảnh: Reuters.

– Bang Victoria và South Australia có thông báo dỡ bỏ dần phong tỏa vào cùng một thời điểm. Tuy nhiên, bang Victoria lại bước vào đợt phong tỏa lần thứ sáu bắt đầu từ ngày 5/8. Theo bà đâu là nguyên nhân?

– Bang Victoria hành động sớm tương tự South Australia. Tuy nhiên, do phát hiện ca mắc ngoài khu vực cách ly, bang Victoria lại bước vào đợt phong tỏa lần thứ sáu bắt đầu từ ngày 5/8. Điều đó cho thấy có vẻ như chính quyền dỡ phong tỏa quá sớm.

Cả hai bang đều có trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến các sự kiện công cộng. Họ sử dụng hệ thống bán vé hoặc mã QR để truy vết ca tiếp xúc gần nhanh chóng. Tuy nhiên, Melbourn phát hiện mức độ lây truyền rộng hơn nhiều so với bang South Australia, trong đó có sự kiện thể thao ngoài trời, lây lan giữa cả những người không ngồi cùng nhau.

Mặc dù chính quyền bang Victoria đã cách ly hàng nghìn người có khả năng tiếp xúc với ca bệnh, không phải tất cả thuộc diện kiểm dịch đều đã được xét nghiệm.

Điều này có nghĩa nếu bất kỳ ai trong số những người chưa xét nghiệm là ca bệnh, họ sẽ lây nhiễm cho người khác. Do đó, giới chức có thể đã bỏ sót một vài địa điểm ca bệnh đi qua. Điều đó phần nào có thể giải thích các trường hợp không rõ nguồn lây xuất hiện tại Victoria gần đây.

Thông điệp của chính quyền là chìa khóa

– Chính quyền các bang bị phong tỏa ở Australia đã làm gì để động viên tinh thần người dân trong khoảng thời gian phong tỏa, bởi tinh thần người dân có thể mệt mỏi, dẫn đến tình trạng họ không tuân thủ quy tắc phòng dịch nữa?

– Thông điệp chính là chìa khóa. Đáng buồn thay, tại thời điểm hiện tại, do phong tỏa diễn ra trong một thời gian khá dài, các quy định nghiêm khắc và hình phạt mạnh tay hơn vẫn không thể giữ chân tất cả người dân ở trong nhà.

– Trên thế giới có một số nước cũng phong tỏa một thời gian dài, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân nhưng dịch vẫn chưa được kiểm soát. Theo bà, nguyên nhân nằm ở đâu?

– Các nhà dự đoán mô hình dịch tại Australia chỉ ra biến chủng Delta buộc chúng ta phải đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Ở Australia, ngay cả khi 80% dân số trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ, chính quyền vẫn sẽ cần một số biện pháp phòng dịch, xét nghiệm, truy vết và cách ly để kiểm soát số ca bệnh.

Lực lượng Phòng vệ Australia và Lực lượng Cảnh sát New South Wales tuần tra trên một con phố ở ngoại ô Bankstown vào ngày 3/8 tại Sydney trong đợt phong tỏa. Ảnh: Reuters.

– Theo bà, cần có những điều kiện gì để chính phủ bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa?

– Tôi nghĩ sớm nhất là vào năm 2022 (để chính phủ nghĩ đến chuyện dỡ bỏ phong tỏa). Trong lộ trình của Australia thì đây là Giai đoạn 4. Tuy nhiên, chính phủ hiện chưa đặt ra các mục tiêu liên quan đến vaccine, những bước tiến nhằm đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng là 80%, và cả những biến chủng mới nào có thể lưu hành vào thời điểm đó.

– Việt Nam có thể học được gì từ bài học phong tỏa của Australia?

– Giống như Sydney, hiện đã quá muộn để phong tỏa chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu người dân tuân thủ nghiêm túc chuyện phong tỏa, và dù cho virus corona có lây lan mạnh mẽ giữa các thành viên trong gia đình, phong tỏa chặt chẽ vẫn sẽ chặn nguồn lây nhiễm.

Với những biến chủng virus corona trước đây, có thể chỉ cần phong tỏa trong 6-8 tuần vì tốc độ lây nhiễm trong hộ gia đình khá chậm. Với biến chủng Delta, hầu như, nếu không muốn nói là tất cả thành viên, có thể mắc bệnh trong vài ngày. Nếu như gia đình đó được cách ly, chuỗi lây sẽ bị cắt đứt. Đó là cách duy nhất để đánh bại loại virus này trong trường hợp tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Càng phong tỏa muộn thì càng phải phong tỏa chặt chẽ và nghiêm ngặt. Nếu người dân vẫn giao lưu với nhau, dù chỉ ở một tỷ lệ rất nhỏ, thời gian phong tỏa sẽ càng lâu.