Sạt lở ven sông Ba tiến sát nhà dân

ThienNhien.Net – Hàng trăm hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Ba, đoạn qua huyện Krông Pa (Gia Lai) đang hàng ngày phải đối mặt với hiểm họa khôn lường về tính mạng và tài sản do tình trạng sạt lở bờ sông.

Huyện Krông Pa có 40% diện tích tự nhiên là vùng trũng thấp thuộc hạ lưu sông Ba. Đây là những khu vực thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ gây ra như ngập lụt, sạt lở đất.

Gia đình bà Nay H’Blan ở buôn Lang, xã Chư RCăm (Krông Pa) cho biết, những năm về trước, bờ sông Ba còn cách nhà bà đến mấy chục mét, vậy mà sau vài mùa mưa, đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 7 hồi đầu tháng 10, bờ sông Ba đã bị xói mòn, sạt lở nghiêm trọng; hiện bờ sông đã tiến đến ngay sát gần nhà.

“Chúng tôi sống ở đây sợ lắm, sạt lở đến sát nhà rồi. Mưa lũ là không dám ngủ, không biết sẽ bị cuốn trôi lúc nào. Mong Nhà nước hỗ trợ cho bà con di dời đi nơi khác để ổn định cuộc sống” – Bà H’Lan lo lắng.

Buôn Lang hiện có 120 hộ dân sống ngay cạnh sông Ba. Vài năm trở lại đây, sông Ba thay đổi dòng chảy liên tục khiến mức độ sạt lở bờ sông tăng nhanh chóng. Nhiều điểm sạt lở hiện chỉ còn cách nhà dân chưa đầy 5m, gây nguy hiểm trực tiếp đến 65 hộ trong buôn trước nguy cơ bị cuốn trôi, cần khẩn trương được di dời.

Người dân lo lắng trước hiện tượng sạt lở ven sông Ba (Ảnh: Báo Gia Lai)

Chính quyền xã Chư Rcăm đã nhiều lần kiến nghị, báo cáo về vấn đề này, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chư Rcăm cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo, thậm chí cơ quan chức năng cũng đã về kiểm tra, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thấy có phương án giải quyết. Gần đây xã cũng đã có tờ trình đề nghị trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ di dời các hộ dân này, vì nguy cơ sạt lở ngày càng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.”

Cũng trong diện cần phải được di dời gấp ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm còn có 170 hộ dân ở các buôn: buôn Puh, buôn Chik, buôn Pan, buôn Kting của xã Ia Rsai và 30 hộ dân của buôn Hyu, xã Chư R’Căm.

Tại bốn buôn này, dòng sông Ba đã xâm thực từ 30 đến 50m, trung bình mỗi năm xói lở khoảng 1,5m. Hiện nhiều bờ vực tạo thành những vách đứng sâu từ 7-15m. Có nơi đã tiến sát vào vườn, cách nhà dân chỉ còn 2m đến 3m.

Từ năm 2011 đến nay, chính quyền xã Ia Rsai phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa nghiên cứu tìm các phương án di dời dân ở bốn buôn ra khỏi vùng nguy hiểm về sạt lở. Đã có ba phương án được đưa ra nhưng cả ba phương án đều khó thực hiện vì các nơi định cư mới không hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nơi đảm bảo đất ở thì lại không có đất sản xuất, nơi thì quá gần rừng phòng hộ, hoặc tránh được sạt lở nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt bất thình lình do thủy điện xả lũ.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thủy sản Gia Lai cho biết, ngoài huyện Krông Pa , ở các huyện KôngChro, Ia Pa, Chư Prông và thị xã Ayun Pa, vẫn còn hàng trăm hộ dân cần được di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở, lũ ống, lũ quét. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu kinh phí nên công tác di dời dân gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh mong Trung ương có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí để kịp thời di dời dân những vùng xung yếu, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, phòng ngừa những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Với đặc thù khí hậu cận duyên hải, các huyện phía đông Gia Lai đang phải tiếp tục đối mặt với tình hình mưa lũ, sạt lở tăng cao, khiến người dân sống trong vùng nguy hiểm không khỏi lo lắng. Bà con rất mong chính quyền địa phương sớm có phương án hỗ trợ, giúp đỡ để có thể di chuyển tới nơi an toàn, ổn định cuộc sống.