Một nghiên cứu mới cảnh báo, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng ở mức cực đoan, các đợt nắng nóng kéo dài hàng tuần gây chết người có thể sẽ tăng gấp 7 lần vào năm 2050.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, các chuyên gia từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ đã lập mô hình tần suất của các đợt nắng nóng kỷ lục theo các tình huống phát thải khác nhau trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, trong tình huống phát thải cao, từ nay đến năm 2050, các đợt nắng nóng kỷ lục có khả năng sẽ tăng gấp 2-7 lần so với trong 3 thập kỷ qua. Xác suất của những đợt nắng nóng này sẽ còn tăng lên gấp 3–21 lần trong khoảng thời gian từ 2051-2080.
Tuy nhiên, mô hình của các nhà nghiên cứu cũng cho thấy các đợt nắng nóng kỷ lục sẽ có xu hướng xảy ra từng đợt trong thời kỳ khí hậu ấm lên nhanh chóng và ngược lại, sẽ ít xảy ra hơn trong thời kỳ yên tĩnh với ít hoặc không có hiện tượng nóng lên.
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Xác suất xuất hiện của chúng phụ thuộc vào tốc độ khí hậu nóng lên chứ không liên quan đến mức độ nóng lên toàn cầu. Do đó, nếu sự ấm lên do con người gây ra được hạn chế bằng cách giảm thiểu phát thải, thì sẽ vẫn có những đợt nắng nóng thường xuyên và gay gắt, nhưng những đợt nắng nóng kỷ lục gây chết người sẽ ít xảy ra hơn”.
Nhà khí hậu học Vikki Thompson từ Đại học Bristol cho hay: “Thời gian gần đây, thế giới đã phải trải qua các đợt khí hậu khắc nghiệt, bao gồm nắng nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ và lũ lụt nghiêm trọng ở Châu Âu, Trung Quốc”.
“Rõ ràng là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến hành tinh. Tin tốt là chúng ta có thể ngăn chặn trường hợp xấu nhất được nêu trong nghiên cứu này, việc giảm lượng khí thải sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các hiện tượng cực đoan chưa từng có”, ông Thompson nói.