Đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung đầu tư các dự án quốc gia quan trọng

Cho ý kiến vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị, để tránh đầu tư dàn trải, Chính phủ cần tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội): việc xây dựng các danh mục dự án không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn mà từ ý muốn chủ quan. Ảnh: TL.

Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Liên kết vùng lỏng lẻo nguyên nhân từ hạ tầng giao thông kém

Ngay đầu giờ đã có 29 đại biểu (ĐB) Quốc hội bấm nút đăng ký phát biểu. Hầu hết các ý kiến đều quan tâm đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.

ĐB Hồ Thị Ngân (Bắc Kạn) đánh giá cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn qua (2016 – 2020). Theo đó, trung bình mỗi năm giải ngân đạt 83,4% kế hoạch, riêng năm 2020 đạt trên 97% đã phát huy hiệu quả quan trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Tuy nhiên, theo ĐB Hồ Thị Ngân, để thực hiện hiệu quả đầu tư công giai đoạn tới, cần rà soát đánh giá và sửa đổi các quy định chưa thống nhất, thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, những tồn tại như: giao kế hoạch vốn chậm, giao nhiều lần, đặc biệt nhiều dự án giao nguồn vốn lớn tập trung vào năm cuối cùng của kế hoạch khiến việc thực hiện khó khăn, có dự án chỉ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, cần khắc phục tồn tại trong khâu bố trí phân bổ vốn. “Phân bổ vốn kế hoạch trong lĩnh vực giao thông, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông còn kém. Do đó kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, như tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông. Đề nghị bố trí vốn để xây dựng các tuyến được kết nối Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, tạo điều kiện các vùng phát triển, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế” – ĐB Dương Khắc Mai nói.

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) chia sẻ với các cơ quan quản lý khi nhu cầu đầu tư lớn, mà nguồn ngân sách có hạn. Do đó, ĐB đề nghị nên tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho các vùng, các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia. Theo ĐB Nguyễn Hoàng Mau, tuyến đường ven biển bắc nam, cần xem xét tính cấp thiết, có thể thực hiện từng đoạn trong tuyến đường đó, chứ không phải cả tuyến đường.

Đây cũng là ý kiến của nhiều ĐB khi phát biểu tại hội trường hôm nay. Theo ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định), giai đoạn tới cần số vốn lên đến 2,87 triệu tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn. “Trong bối cảnh hiện nay đang rất khó khăn, cần tập trung tạo nguồn để ngân sách Trung ương đảm bảo các nhiệm vụ chi.” – nữ ĐB nói và đề nghị cần tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có tuyến đường ven biển, tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Đối với dự án này, theo ĐB Lý Tiết Hạnh, còn trên 130km dự kiến hoàn thành sau năm 2025, nghĩa là chúng ta hình dung trong toàn tuyến sẽ có điểm nghẽn, mà điểm nghẽn này lại qua các vùng, địa bàn khó khăn. Do đó, ĐB cho rằng không phân kỳ, chia nhỏ dự án, đảm bảo tối đa thực hiện dự án huyết mạch này.

“Vốn đầu tư công là tiền thuế của dân nên không ai có quyền ban phát”

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu một số bất cập trong việc một số địa phương chưa tuân thủ quy trình trong thực hiện phân bổ nguồn lực.

ĐB nhận định, việc xây dựng các danh mục dự án không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn mà từ ý muốn chủ quan. ĐB dẫn chứng bằng các con số, trong tổng số 3.476 dự án chuyển tiếp, có hơn 2.000 dự án có phương án bố trí, còn hơn 1.000 dự án chưa có phương án cụ thể, tạo áp lực cho ngân sách giai đoạn tiếp theo.

Mới đây, theo nữ ĐB là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã có chấn chỉnh về vấn đề này, do đó, ĐB đề nghị các địa phương cần lưu tâm khắc phục. “Bởi vì vốn đầu tư công là tiền thuế của dân, kể cả vốn vay cũng là dân phải trả, không phải sở hữu bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Nếu còn có tư duy có quyền ban phát, cơ chế xin – cho thì không biết khi nào mới khắc phục tình trạng này.”- bà Vũ Thị Lưu Mai nói.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần đề cao hơn minh bạch, công khai trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh động viên các địa phương thực hiện tốt, thì cần xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm thể chế.

Cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) điểm lại giai đoạn trước, đã có 4/6 chỉ tiêu đạt và vượt. Đáng chú ý, giai đoạn qua đã thực hiện tốt công tác phân bổ vốn, hiệu quả đầu tư được cải thiện, tiến độ giải ngân và dự án hoàn thành cao hơn giai đoạn trước; tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm, tăng tỷ lệ vốn ngoài nhà nước. Tuy nhiên, theo ĐB Trần Văn Tiến, quy định pháp luật chưa điều chỉnh phù hợp thực tế; trình tự thủ tục nhiều và phức tạp; giải ngân vốn còn chậm nhất là dự án ODA.

Trong giai đoạn tới, ĐB đồng tình với phương án trình của Chính phủ, về tổng vốn và cơ cấu vốn là phù hợp; dự phòng 10% là cần thiết. Đáng chú ý, với số dự án giảm một nửa và số vốn đầu tư tăng hơn so với giai đoạn trước, sẽ hạn chế đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Trong thời gian tới, ĐB Trần Văn Tiến đề nghị cần tập trung đẩy nhanh hoàn thiện đầu tư công; tăng phân cấp phân quyền; khắc phục giải ngân chậm; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu cơ chế ban hành đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư theo hình thức PPP.