Nhà thiết kế Việt chế tạo vải từ vỏ hải sản trên đất Mỹ

Tốt nghiệp các trường thiết kế thời trang danh giá ở Mỹ, Uyên Trần mạnh dạn thử sức với vai trò mới khi tạo ra loại vải giúp bảo vệ môi trường.

Tâm sự với Zing từ New York (Mỹ), Uyên Trần cho biết cô đang tất bật với việc tìm nhân viên cho công ty vật liệu sinh học thay thế da do chính mình sáng lập và điều hành.

Nhà thiết kế sinh năm 1993 là người gốc Đà Nẵng, qua Mỹ học tập và sinh sống được 9 năm. Uyên Trần có bằng đại học về ngành Thiết kế thời trang tại Academy of Art University (San Francisco, Mỹ) và bằng thạc sĩ về Thiết kế vật liệu tại Parsons School of Design tại New York. Cô cũng là nhà thiết kế thời trang từng làm việc nhiều năm tại Ralph Lauren, Alexander Wang và Peter Do.

Loại vải do cô tạo ra được công nhận thông qua các giải thưởng danh giá trong làng thời trang thế giới như LVMH Innovation Award, CFDA K11 Innovation, Biodesign Challenge, Techstyle for Social Good, Surface Design Association Creative Promise Award…

Dự án thách thức các quy trình hiện có

– Điều gì thôi thúc Uyên Trần bắt đầu nghiên cứu và tạo ra loại vải làm từ vỏ tôm, bã cà phê?

– Môi trường toàn cầu dần suy yếu do các hoạt động kinh tế xã hội của con người, từ việc xả chất thải cho đến quy trình sản xuất công nghiệp. Không những vậy, thế giới đang cạn kiệt nguyên liệu thô. Vì vậy, tôi muốn tái sử dụng những chất thải này thành nguyên liệu sinh học mới, có thể áp dụng cho vật dụng hàng ngày để giúp mọi người hiểu rõ hơn vấn đề bảo vệ môi trường và cùng nhau góp phần tạo ra sự thay đổi.

Bên cạnh đó, hàng năm có tới 8 triệu tấn vỏ hải sản thải, 7 triệu tấn bã cà phê thải ra từ ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu. Tôi đã phát triển một phương pháp thay thế bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào – chất thải thực phẩm để tạo nên loại vật liệu sinh học thân thiện với môi trường, thay thế cho da động vật và da nhân tạo. Hiện tại, công ty của tôi thành lập được một năm.

Uyên Trần mong muốn góp phần vào việc giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc dùng chất thải sinh học làm vải.

– Các khâu để làm ra loại vải này như thế nào?

– Sau khi trộn đều tất cả nguyên liệu, nguyên liệu sinh học được đổ vào khuôn, phơi khô ở nhiệt độ phòng trong hai ngày. Quá trình này không cần nhiệt nên giúp tiết kiệm nhiều năng lượng hơn và giảm lượng khí thải carbon.

Nó cũng có thể được tùy chỉnh để trở thành giống da, cao su hoặc nhựa bằng cách điều chỉnh công thức và cách sản xuất. Vì vậy, các ứng dụng có thể vượt ra khỏi thời trang cho bao bì, nội thất hoặc thiết kế công nghiệp.

– Theo chị, loại vải này có ích gì cho ngành thời trang? Nó có ý nghĩa như thế nào với bản thân chị?

– Vật liệu da được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng của các ngành công nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, mọi người trên khắp thế giới đang phải chịu đựng sự ô nhiễm do ngành công nghiệp gây ra. Quá trình thuộc da gây suy thoái môi trường do sử dụng những hóa chất độc hại. Thuộc da là quá trình xử lý da của động vật, làm vật liệu bền hơn và khó bị phân hủy hơn.

Ngoài ra, da nhân tạo được làm bằng polyester (PVC, PU). Loại vật liệu này sẽ không bị phân huỷ trong vòng 500 năm khi bị đào thải ra ngoài, gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến môi trường. Vì vậy, người tiêu dùng cũng như các nhãn hàng đang mong muốn sử dụng một loại vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế cho da thật và da nhân tạo.

Đối với bản thân, là nhà sáng lập, tôi muốn tạo ra mô hình kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường dựa trên cơ sở không chất thải và không ô nhiễm. Tôi đam mê đổi mới hệ thống thông qua cuộc cách mạng vật liệu mang tính đột phá. Dự án của tôi giới thiệu các phương pháp mới, tư duy mới, nguồn cảm hứng có tầm nhìn xa, thách thức các quy trình hiện có. Điều này tạo ra cuộc cách mạng trong các ngành liên quan đến thời trang và chất liệu.

Thành phẩm da được làm từ vỏ hải sản, bã cà phê của Uyên Trần.

Ai là người đã giúp đỡ chị trong quá trình tạo ra loại vải này?

– Sau khi phát triển được mẫu da sinh học đầu tiên, tôi hợp tác cùng Atom Nguyễn thành lập lên công ty TômTex. Atom hiện là giám đốc vận hành chiến lược và quản lý tài chính của công ty. Tôi và Atom cùng chung đam mê, tầm nhìn hướng đến việc bảo vệ môi trường.

Muốn góp phần phát triển nền công nghiệp nước nhà

– Uyên Trần có sợ bị bão hòa khi các thương hiệu cũng đang lao vào nghiên cứu để tạo ra loại vải giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường?

– Vấn đề ô nhiễm đã và đang là vấn đề bức bối. Trong lĩnh vực này vẫn còn đang thiếu hụt rất nhiều sự ủng hộ cũng như giúp đỡ phát triển trên toàn thế giới. Tôi rất đề cao và mong muốn các thương hiệu nghiên cứu, sử dụng vật liệu sinh học giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, chung tay góp phần bảo vệ Trái Đất.

– Chị có cho rằng bước đi của mình khá táo bạo?

– Tôi nghĩ khát vọng thành công trong khởi nghiệp là điều tốt đẹp, luôn song hành với tính mục đích. Tuy nhiên, nó phải gắn liền với các vấn đề về năng lực quản trị. Bên cạnh sự sáng tạo, đột phá với hoài bão to lớn, tôi có nền tảng kiến thức cơ bản và am hiểu về thị trường.

Ngoài ra, tôi luôn tự hỏi có điều gì còn thiếu sót trong nỗ lực và năng lực của bản thân cần bổ sung, hoàn thiện để nắm bắt cơ hội dẫn đến thành công. Trong tiến trình kiến tạo những giá trị chung trên lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và lợi ích về môi trường, chúng ta luôn có thể lựa chọn.

Sự lựa chọn này đối với tôi không chỉ đến từ khát vọng thành công, nó còn từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình tạo nên. Tôi muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu.


Vải làm từ nguyên liệu sinh học vẫn đảm bảo độ bóng, dai.

– Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành thời trang toàn cầu trong hơn một năm qua, công việc của chị bị đảo lộn như thế nào?

– Năm vừa qua là một năm đầy khó khăn đối với mọi người. Tôi cũng khá chật vật trong việc thành lập công ty. Nhưng tôi cảm thấy may mắn khi vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ và quan tâm từ các tổ chức cũng như các nhà đầu tư.

Trong năm 2020, các thành viên trong công ty vẫn làm việc trực tuyến cùng nhau và chúng tôi gặt hái được nhiều thành công từ thị trường Mỹ cũng như châu Âu và châu Á.

– Chị có định trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp thời trang?

– Tôi đang thảo luận cùng những nhà đầu tư và nhà cung cấp tại Việt Nam để định hướng mang dự án về quê nhà. Tôi muốn góp phần phát triển và đóng góp cho nền công nghiệp nước nhà trong tương lai.

Dĩ An (Ảnh: TômTex)

Nguồn: