Tết của người H’Mông

Tết H’Mông rơi vào cuối tháng Mười Một, đầu tháng Chạp âm lịch. Tết thường kéo dài trong nhiều ngày với nhiều sinh hoạt cộng đồng rất đặc trưng…

Người H’Mông được coi là cộng đồng dân cư có cá tính mãnh liệt và phóng khoáng… Họ sống trên các rẻo cao miền núi phía Bắc. Đời sống người H’Mông gắn liền cùng nương ngô, cây súng kíp…

 
Múa hát là một trong những hoạt động chính của hội vui.

Người H’Mông ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Lễ hội hội tụ dân tộc H’Mông hoa, H’Mông xanh… trong cộng đồng người H’Mông.

Trong ngày Tết, bên cạnh nghi lễ tín ngưỡng còn có nhiều trò chơi dân gian quen thuộc nhưng đầy tính thượng võ như chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, múa khèn, chọi chim họa mi…

Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.

Tuy nhiên, cơm cúng có thể thiếu thịt (đối với những nhà nghèo) nhưng không thể thiếu món bánh dày, chính vì vậy, trong lễ hội thì thi giã bánh dày bao giờ cũng rất vui và được thi đầu tiên.

Cơm nếp được nấu sẵn và mang đến, sau khi nghe hiệu lệnh, cơm được đổ ra cối và lập tức được giã nhanh chóng, vì giã lúc nóng thì bánh sẽ dẻo, cũng như khi giã giò phải giã thật nhanh tay khi thịt vừa pha xong còn nóng.

 
Hội thi làm bánh dày.

Mỗi đội được giã trong vòng 50 phút, thành phẩm là 5 chiếc bánh đường kính 20cm, bánh phải trắng, dẻo, và kéo dài 30 cm không bị đứt. Cộng với điểm thời gian và trình bày sẽ quyết định đội thắng cuộc.

Trong khi đàn ông giã bánh thì phụ nữ chuẩn bị lá, và bóp vụn lòng đỏ trứng gà để trộn vào bột trước khi nặn thành bánh.
Bánh đã giã xong, chắc chỉ trong vòng 10 phút, 4 chiếc với đường kính 20cm được đặt trên lá chuối, 1 chiếc được đặt trên đĩa để Ban Giám Khảo chấm.

Và phần thưởng đã được trao cho đội giã nhanh nhất, bánh trắng và trình bày đẹp nhất và tất nhiên phải kéo dài bánh 30cm mà không đứt.

Lễ hội được diễn ra tưng bừng trong nhiều ngày. Từng đám thanh thiếu niên nô nức đến hội. Những điệu hò câu hát, những điệu múa khèn, đàn môi, những trò chơi vừa khéo léo vừa mang tinh thần thượng võ của những người dân H’Mông, những rừng hoa mận, hoa đào, hoa ban, phủ trắng đại ngàn… tất cả tạo nên một dấu ấn đậm chất của vùng núi Tây Bắc.

Bỗng thấy yêu vô cùng đất Việt của tôi ơi, một mùa xuân nữa lại đến rồi, chúc cho muôn nhà hạnh phúc, chúc cho mọi người sức khỏe, và chúc may mắn cho tất cả chúng ta./.