Úc: Chính quyền từ chối cho nông dân dùng “napalm dành cho chuột”

Bromadiolone, chất độc được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp NSW so với “napalm dành cho chuột”, bị Cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật quốc gia Úc từ chối cho phép sử dụng.

Nạn dịch chuột đã tàn phá các vùng của New South Wales (Úc). Kế hoạch sử dụng Bromadiolone để kiểm soát số lượng chuột đã bị cơ quan quản lý bác bỏ. (Ảnh: AP)

Cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật quốc gia đã từ chối yêu cầu của chính quyền bang New South Wales (NSW) cho phép nông dân sử dụng Bromadiolone, chất độc được gọi là “napalm dành cho chuột”, trong cuộc chiến chống lại dịch chuột đang càn quét nơi đây.

Các nhà bảo tồn cảnh báo việc sử dụng Bromadiolone sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài bản địa ở miền trung tây nước này và khiến các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng.

Hóa chất làm loãng máu – một phần của nhóm chất độc được gọi là thuốc diệt chuột chống đông máu thế hệ thứ hai (SGAR) – có thể tồn tại và vẫn có tác động trong nhiều tháng. Ngoài ra, nó còn có thể đi qua chuỗi thức ăn, gây ra ngộ độc thứ cấp cho động vật ăn xác chết.

Cơ quan Thuốc trừ sâu và Thuốc thú y Úc (APVMA) đã viết thư cho Bộ Công nghiệp cơ bản NSW hôm 23/6 để thông báo 2 đơn xin cấp phép khẩn cấp sử dụng chất độc này, được đệ trình vào tháng 5, sẽ bị từ chối.

“Mối quan tâm hàng đầu của APVMA là an toàn môi trường, đặc biệt là liên quan đến động vật ăn chuột”, Giám đốc điều hành APVMA Lisa Croft cho biết. “Trước khi APVMA có thể phê duyệt bất kỳ đơn đăng ký nào, chúng tôi phải chắc chắn rằng nó an toàn, nó sẽ hoạt động và nó sẽ không ngăn cản nông dân của chúng tôi bán sản phẩm của họ ra nước ngoài.”

Chính quyền đã phê duyệt 6 đơn xin cấp phép khẩn cấp khác để sử dụng kẽm photphua (Zn3P2), chất vẫn có thể gây hại cho động vật hoang dã nhưng không gây ảnh hưởng lâu dài như trước.

Bromadiolone chỉ được phép sử dụng trong và xung quanh các tòa nhà và giống như các loại thuốc SGAR khác, được phổ biến rộng rãi cho công chúng.

Bromadiolone (công thức hóa học C30H23BrO4) là dẫn xuất của dicoumarol – một dược chất có tác dụng kháng đông máu. Chất này có thể dễ dàng xâm nhật cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn uống) hoặc qua da.

Nhưng có bằng chứng mới xuất hiện ở Úc cho thấy việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc diệt chuột này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến động vật hoang dã bản địa, bao gồm đe dọa cả các quần thể cú và đại bàng.

Các nhà khoa học và nhà bảo tồn lo ngại việc sử dụng rộng rãi Bromadiolone để kiểm soát dịch chuột còn có thể tàn phá quần thể của loài vẹt lớn.

APVMA cho tiểu bang 28 ngày để trả lời, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp NSW, Adam Marshall, cho biết ông chấp nhận quyết định.

“APVMA đã rất nghiêm túc xem xét yêu cầu của chúng tôi và mặc dù thất vọng [vì] không đạt được kết quả như mong muốn cho nông dân của bang, nhưng họ là cơ quan quản lý độc lập. Chúng tôi chấp nhận quyết định của trọng tài chính”.

Chính quyền bang NSW đảm bảo nguồn cung cấp 10.000 lít Bromadiolone và hồi tháng 5, ông Marshall cho biết số hóa chất đó sẽ “tương đương với việc đánh bom napalm loài chuột trên khắp vùng nông thôn NSW”.

Đến ngày 23/6, Bộ trưởng Marshall phát biểu: “Các nguồn lực đã được sử dụng để phân phối Bromadiolone giờ sẽ được triển khai lại để cung cấp các biện pháp hỗ trợ quan trọng khác”.

Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông dân NSW Xavier Martin cho biết hiệp hội ủng hộ quyết định của APVMA và cho biết các thành viên của ông cũng lo ngại về rủi ro khi sử dụng chất độc.

Sự bùng nổ của dịch chuột không phải bản địa đã tàn phá mùa màng và ngũ cốc, gây ra thiệt hại cho nhà cửa, công xưởng và máy móc. Đã có báo cáo về mùi hôi thối của nước tiểu chuột, của chuột chết. Ngoài ra, còn nhiều báo cáo nữa về chuyện các loài gặm nhấm tràn ngập nhà dân, cắn trẻ em và bò lên người khi đang ngủ.

Martin cho biết một đợt rét đậm đã làm dịch chuột “hoạt động chậm lại, đặc biệt là ở khu vực miền trung tây”. Mặc dù nông dân báo cáo số lượng chuột giảm ở khu vực tây bắc và Riverina, “nhiều người vẫn đang săn chuột và lo ngại về sự quay trở lại của dịch chuột vào mùa xuân”.

Tổ chức BirdLife Australia đang vận động để ngăn chặn việc bán các loại thuốc chuột SGR cho công chúng và yêu cầu APVMA chặn giấy phép.

Holly Parsons của tổ chức BirdLife Australia hoan nghênh quyết định này và nói thêm: “Chúng tôi vẫn lo ngại về tác động của thuốc diệt chuột chống đông máu thế hệ thứ hai đối với động vật hoang dã. Hiện chúng tôi rất vui vì số lượng lớn hóa chất như vậy đã không còn khả năng xâm nhập vào chuỗi thực phẩm nông nghiệp và tự nhiên”.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường NSW trước đây cho biết một số trường hợp chim chết ở miền trung tây là do kẽm photphua (Zn3P2), nhưng không có báo cáo nào về việc chất độc bị lạm dụng.

Bà Parsons nói thêm: “Chúng tôi ghi nhận 6 giấy phép bổ sung để phân phối kẽm photphua (Zn3P2), và kêu gọi APVMA thực hiện giám sát bổ sung về các tác động tiềm ẩn đối với động vật hoang dã từ hóa chất này”.

Bộ trưởng Marshall cho biết chính phủ Úc đã phân bổ 150 triệu AUD để giảm giá 50% cho nông dân khi mua kẽm photphua (Zn3P2).

Các hộ gia đình trong khu vực cũng có thể yêu cầu giảm giá lên đến 500 AUD cho mồi chuột, bẫy và các sản phẩm làm sạch; các doanh nghiệp nhỏ có thể yêu cầu lên đến 1.000 AUD.