Dấu hiệu bất thường từ đàn voi lang thang ở Trung Quốc

Các nhà khoa học phát hiện những điểm bất thường trong hành vi của bầy voi lang thang tại Trung Quốc. Lúc này, đàn voi vẫn tiếp tục di chuyển và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đàn voi lang thang tại Trung Quốc lúc này vẫn đang trên đường di chuyển. Lần cuối chúng được quan sát thấy là ở khu vực gần thị trấn Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, dường như đang đi về phía nam.

Hiện chưa rõ đàn voi có đang quay trở lại nơi ở cũ của chúng ở khu bảo tồn Tây Song Bản Nạp gần biên giới với Lào và Myanmar hay không.

Đàn voi lang thang ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục di chuyển. (Ảnh: Reuters)

Các nhà khoa học kinh ngạc

Giới khoa học cho biết việc di chuyển trong một khoảng cách ngắn không phải hiện tượng bất thường với loài voi. Tuy nhiên, đàn voi Vân Nam đã bắt đầu chuyến đi từ hơn một năm trước, với hành trình hơn 500 km, điều dường như chưa từng được ghi nhận với loài voi châu Á.

“Sự thật là không ai biết chuyện gì đã xảy ra. Gần như chắc chắn lý do (đàn voi di chuyển) có liên quan tới nhu cầu tìm kiếm nguồn thức ăn, nước uống, chỗ ở. Điều này rất hợp lý trong bối cảnh đa phần địa điểm sinh sống của loài voi châu Á sống trong tự nhiên chứng kiến hoạt động ngày càng gia tăng của con người”, giáo sư Joshua Plotnik, chuyên gia về voi tại Đại học New York, cho biết.

Hoạt động của con người gây gián đoạn nghiêm trọng môi trường sống của loài voi, làm giảm các nguồn thức ăn, nước uống, cũng như chỗ ở của chúng, giáo sư người Mỹ cho biết.

Ông Plotnik cũng cho rằng chuyến hành trình bất thường có thể liên quan tới thay đổi trong cấu trúc thành viên của đàn voi.

Voi là loài sống theo mô hình mẫu hệ, con cái già nhất, khôn ngoan nhất sẽ dẫn dắt cả đàn. Đàn voi thường chủ yếu bao gồm voi cái trưởng thành và voi con.

Sau tuổi dậy thì, voi đực sẽ tách đàn, chúng thường di chuyển một mình hoặc đi theo nhóm cùng các con voi đực khác trong một thời gian ngắn. Voi đực trưởng thành chỉ nhập đàn tạm thời để giao phối với voi cái, trước khi một lần nữa rời đi.

Dấu hiệu bất thường từ hình ảnh đàn voi quây quần ngủ bên nhau. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, đàn voi Vân Nam có 16-17 cá thể, ban đầu có 3 con voi đực. Hai con voi đực đã rời đàn khoảng một tháng trước. Mới đây, con đực còn lại cũng đã tách ra đi một mình.

“Tôi rất ngạc nhiên là con voi đực đã ở lại lâu như vậy. Rất có thể bởi nó đang ở trong vùng lãnh thổ lạ. Khi chứng kiến chúng đi vào một ngôi làng, chúng đi rất sát nhau, đó là đấu hiệu đàn voi căng thẳng”, giáo sư Ahimsa Campos-Arceiz, điều tra viên trưởng của Vườn thực vật nhiệt đới Tây Song Bản Nạp, cho biết.

Loài voi có hành vi giống với con người hơn là các động vật có vú khác. Chúng cũng có những cung bậc cảm xúc khác nhau như vui mừng khi đàn có thành viên mới, đau buồn khi một thành viên chết đi, hay lo sợ khi ở trong lãnh thổ không quen thuộc.

Các nhà nghiên cứu kinh ngạc khi phát hiện hai cá thể voi cái đã sinh con trong thời gian chuyến hành trình.

“Voi là loài sống rất theo thói quen, việc chúng di chuyển tới vùng đất lạ khi chuẩn bị sinh con là điều bất thường. Chúng thường sẽ tìm nơi an toàn nhất có thể để sinh nở”, Lisa Olivier, chuyên gia tại tổ chức bảo tồn hoang dã Game Rangers International, cho biết.

Theo bà Olivier, hình ảnh đàn voi ngủ quây quần bên nhau cũng là dấu hiệu bất thường.

“Thường thì voi con sẽ ngủ ngay trên nền đất, voi trưởng thành ngủ dựa vào cây hoặc gò đất. Bởi cơ thể quá lớn, nếu bất cứ mối đe dọa nào xuất hiện, chúng sẽ cần rất nhiều thời gian để đứng lên hoặc nằm xuống”, bà Olivier nói.

“Thực tế rằng chúng nằm cả xuống nền đất cho thấy tất cả bầy voi đã kiệt sức, hoàn toàn kiệt sức”, bà Olivier nhận định.

Đi tìm ngôi nhà mới?

Các nhà khoa học có chung nhận định chuyến hành trình của bầy voi không phải một cuộc di cư, bởi chúng không di chuyển theo một lộ trình nhất định.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới nơi số lượng đàn voi đang tăng lên, nhờ nỗ lực bảo tồn quyết liệt của nhà chức trách.

Chính phủ Trung Quốc cương quyết trấn áp hoạt động săn bắt trộm. Kết quả là số lượng voi hoang dã ở Vân Nam đã tăng từ 193 vào thập niên 1990 lên khoảng 300 như hiện nay.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và chặt phá rừng đang ngày càng thu hẹp không gian sống của loài voi. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng đàn voi đang tìm kiếm một nơi ở mới với nguồn thức ăn dồi dào hơn.

Đàn voi được cho là đang tìm nơi ở mới với nguồn thức ăn dồi dào hơn. (Ảnh: Reuters)

Bởi thân hình khổng lồ, loài voi có nhu cầu thực phẩm rất lớn. Phần lớn thời gian của loài voi dành cho việc tìm kiếm thức ăn. Mỗi con voi có thể ăn tới 150-200 kg thức ăn một ngày.

Tới nay, các chuyên gia đều cảm thấy may mắn vì chuyến hành trình của bầy voi Vân Nam chưa dẫn đến va chạm nguy hiểm với con người.

Máy bay không người lái được nhà chức trách sử dụng để giám sát hoạt động của đàn voi, giúp mang lại thông tin cập nhật nhất mà không quấy rầy loài vật nhạy cảm này.

Thời gian qua, nhà chức trách Trung Quốc đã sử dụng thức ăn để dẫn dụ đàn voi, đồng thời sử dụng xe tải chặn các tuyến đường, dẫn đàn voi di chuyển về phía an toàn.

“Tôi mừng vì nhà chức trách có cách tiếp cận nhạy cảm. Sai lầm phổ biến là tìm cách buộc đàn voi di chuyển theo ý muốn của con người. Voi sẽ không làm theo những gì chúng bị ép buộc. Điều đó có thể dẫn tới những hành vi kích động của loài voi”, giáo sư Campos-Arceiz cho biết.

Voi châu Á là loài động vật trên cạn lớn nhất ở lục địa Á-Âu. Số lượng loài voi châu Á sống trong tự nhiên nhìn chung đang suy giảm, hiện chỉ còn khoảng 50.000 cá thể. Môi trường sống bị hủy hoại, săn bắn trái phép, và tác động do con người gây ra là những mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống của loài voi.

Nguồn: