Sống chết giữ rừng lim

Dù luôn bị lâm tặc lăm le, nhòm ngó nhưng khu rừng lim quý hiếm ở Cồn Lim vẫn nguyên vẹn là nhờ có người được ví như “mãnh hổ” trông coi, gìn giữ nghiêm ngặt bao năm nay

Đỉnh Cồn Lim (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) như một thành lũy rừng nguyên sinh bởi xung quanh là những dãy núi, đồi trùng điệp giữa đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm. Nơi đây có khu rừng lim “độc nhất vô nhị”, giá bạc tỉ, bao năm qua vẫn xanh mơn mởn, tươi tốt.

Rừng tái sinh sau bom đạn

Giữ được khu rừng lim quý hiếm này còn nguyên vẹn đến hôm nay là công lao coi sóc, bảo vệ nghiêm ngặt của ông Trương Quốc Đô (71 tuổi, ở làng Yên Thọ), cả đời cứ quẩn quanh bên cánh rừng già này – người được ví như “mãnh hổ” giữ rừng, khiến lâm tặc phải dè chừng, khiếp sợ mỗi khi muốn xâm hại khu rừng gỗ quý này.

Khu rừng xanh tươi tốt ở Cồn Lim. Ảnh: Hoàng Phúc
Ông Trương Quốc Đô kể chuyện giữ rừng. Ảnh: Hoàng Phúc

Về làng Yên Thọ, hỏi thăm nhà ông Đô thì không ai không biết. Căn nhà ọp ẹp của ông nằm ngay sát mép khu rừng nguyên sinh Cồn Lim. Tiếp chúng tôi, ông cười khè khè: “Bố giữ rừng là giữ tài sản cho nhà nước, giữ cho con cháu”.

Tuổi khá cao nhưng thân hình ông Đô nhìn rất rắn rỏi, khỏe khoắn với nhiều động tác nhanh nhẹn không khác thanh niên trai tráng, đúng chất dân “miền sơn cước”. Tiếp xúc với ông, chúng tôi rất ấn tượng bởi ngoài việc hiếu khách, khuôn mặt rất thiện cảm, ông còn có giọng nói âm vang, điệu cười hào sảng.

Nhâm nhi tách trà nóng, ông Đô kể rừng Cồn Lim trở thành vườn chơi của ông cùng đám bạn trong làng thuở nhỏ nên cả khu rừng hàng chục ha không có chỗ nào là ông không biết, khoảnh rừng nào ở đây cũng in hằn dấu chân của ông.

Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang chiến tranh, ông chứng kiến khu rừng này hứng nhiều bom đạn. Thời điểm ấy, rừng có nhiều cổ thụ quý nhưng bị máy bay Mỹ quần thảo, đánh phá khiến không ít cây gãy đổ.

Khi chiến tranh không còn, khu rừng lâm đại nạn vì “lâm lặc” đua nhau khai thác trái phép gỗ quý. Thấy rừng kiệt quệ, những cây lim, cây táu bị tàn phá, ông Đô đau nhói trong tim mà không tài nào ngăn được.

Năm 1993, khi nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, ông tình nguyện nhận ngay 17 ha rừng để giữ, chăm sóc và bảo vệ. Gác công việc đồng áng, hằng ngày ông lên rừng sống với cây, tuần tra, canh gác.

Khu rừng Cồn Lim hiện có nhiều cây lim cổ thụ quý hiếm với tuổi đời trên trăm năm, trị giá bạc tỉ. Những cây lớn có đường kính to khoảng từ 0,5-1 m được ông gìn giữ, coi sóc như là “báu vật”.

Ông Đô sở hữu rừng Lim có giá trị lớn nên nhiều lái buôn đã tìm đến nhà ông để hỏi mua cây. Nhiều người hỏi mua không được thì dọa đốn chặt. Nhiều năm qua, bọn lâm tặc thâm nhập rừng không kể xiết, khiến ông và con cháu không ít phen lao đao, vất vả, thậm chí đổ máu để bảo vệ rừng.

“Bố không thể sống thiếu nó”

Dân làng Yên Thọ gọi ông Đô là Đô “hổ” bởi ngoài sức khỏe ít người địch nổi, giọng nói ông cũng vang như hổ gầm. Bước chân ông như không mỏi, đi khắp 17 ha rừng để tuần tra, kiểm soát mỗi ngày, suốt bao năm qua, khiến ai cũng kính nể. Lâm tặc nghe đến tên cũng phải rùng mình, khiếp sợ.

Quanh năm, từ tờ mờ sáng là ông Đô đã khăn gói lên rừng, đến khi trời nhá nhem tối mới trở về nhà. Ông tâm sự những ngày vất vả nhất đối với ông là vào mùa hè, nắng nóng nên rừng dễ bị cháy, ông phải rảo quanh từng khoảnh rừng để kiểm tra thật kỹ. Hễ thấy người lạ vào rừng là ông không cho, còn người dân vào lấy củi khô, ông nhắc nhở cẩn thận, không được hút thuốc thả tàn đang cháy, không đốt ong lấy mật và sử dụng vật dụng dễ cháy nổ rồi theo giám sát họ đến khi yên tâm mới ra về.

Nhờ sự chăm sóc chu đáo, bảo vệ nghiêm ngặt của ông Đô mà rừng của ông ngày càng phát triển tươi tốt. Hàng trăm cây lim xanh vươn cao lên bầu trời, hàng ngàn cây con khác cũng thi nhau vươn mình lớn dậy. Ngoài lim, khu rừng của ông Đô còn có rất nhiều loại cây gỗ quý khác như đỏ lòng, ngát, trám… có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Ông Trương Quốc Đô cho hay cả đời ông chỉ ở vùng đất này, chẳng thể đi đâu được vì cứ hễ đi xa rừng một hôm là thấy nhớ, lòng cứ lo lắng khôn nguôi. “Xa ai chứ bố không thể xa rừng. Bố không thể sống thiếu nó. Xa rừng với bố như các con xa người yêu vậy…” – ông cười khà khà.

Tấm gương sáng

Một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Minh Hóa nói nhờ uy lực và sự bảo vệ nghiêm ngặt của ông Trương Quốc Đô mà hàng chục năm qua bọn lâm tặc không dám vào rừng trộm cây nên mới có thành quả như hôm nay. Ông là tấm gương sáng điển hình trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn, truyền cảm hứng cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Với thành tích bảo vệ rừng hàng chục năm qua, ông Trương Quốc Đô vinh dự được UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Minh Hóa tặng bằng khen.

Ông Đô nói rằng dù khó khăn đến mấy ông cũng quyết không bán bất cứ cây lim nào. Ông mong có sức khỏe để giữ được rừng lim này lâu dài.