Trung Quốc chưa quyết liệt bảo tồn hổ

ThienNhien.Net – Mối quan hệ hợp tác mới được thiết lập giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong các vấn đề môi trường và bảo tồn hổ đã có những tín hiệu tích cực. Như một món quà trong năm mới Canh Dần dành cho hổ Ấn Độ, Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc mới ban hành chỉ thị bảo vệ loài động vật này, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết triển khai các hoạt động chống buôn bán trái phép các bộ phận và sản phẩm từ hổ. Tuy nhiên, vấn đề trang trại nuôi nhốt hổ vẫn chưa được giải quyết.


Nạn săn bắt và buôn lậu hổ diễn ra mạnh mẽ do nhu cầu không hề suy giảm từ Trung Quốc đối với các bộ phận từ hổ vốn là vấn đề gai góc trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vấn đề bảo tồn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ấn Độ, Jairam Ramesh, đã đích thân viếng thăm và hội đàm với đối tác Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái. 

Ở thời điểm đó, cuộc thảo luận giữa Ấn Độ và Trung Quốc về bảo vệ hổ hầu như không đạt được tiển triển nào. Nhưng giờ đây, dường như những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ có vẻ như bước đầu đạt được hiệu quả. Trung Quốc đã phải xem xét và ban hành một chỉ thị nhằm bảo vệ loài hổ trong tự nhiên, thực thi pháp luật chống lại nạn buôn bán trái phép các bộ phận và sản phẩm từ loài động vật này, đồng thời quản lý và kiểm soát tốt hơn các trang trại nuôi giữ hổ. 

Chỉ thị này yêu cầu phải có các biện pháp tốt hơn để bảo vệ loài hổ và nguồn thức ăn của chúng trong tự nhiên, thông qua những nỗ lực trong “nghiên cứu, kiểm soát, chống săn bắt trái phép và giảm thiểu xung đột giữa hổ và con người”. Chỉ thị cũng quy định trừng trị nghiêm khắc các hành vi buôn bán trái phép các bộ phận, sản phẩm từ hổ, đồng thời yêu cầu cụ thể các cơ quan lâm nghiệp địa phương trong việc phối hợp với những cơ quan thực thi pháp luật khác nhằm tăng cường giám sát và áp dụng các biện pháp chống lại nạn buôn bán hổ.

Mặc dù vậy, chỉ thị đã không hề đề cập tới việc đóng cửa các trang trại nuôi hổ – một vấn đề lâu nay khiến Trung Quốc bị giới bảo tồn, truyền thông chỉ trích – điều này có thể sẽ tiếp tục khiến Ấn Độ nghi ngại những nỗ lực bảo tồn hổ của nước này.

Mặc dù hoạt động buôn bán các bộ phận của hổ đã chính thức bị coi là hành vi bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng nhu cầu không ngừng tăng đối với loại ”thần dược” từ hổ chỉ khiến thị trường chợ đen thêm sôi động. Đây là nguyên nhân khiến nạn săn bắt và buôn lậu hổ từ Ấn Độ qua biên giới Nepan và Myanmar diễn ra mạnh mẽ.

Chỉ thị kêu gọi nâng cao nhận thức của cả cộng đồng để giảm tiêu thụ các bộ phận của hổ và tẩy chay buôn bán trái phép các sản phẩm này trong toàn xã hội, khuyến khích người dân tố giác tội phạm xâm hại đời sống hoang dã, đồng thời, buộc những người có thẩm quyền phớt lờ phản ánh của người dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để tăng cường giám sát và quản lý đối với các cơ sở nuôi giữ hổ, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý tất cả các cá thể hổ được nuôi giữ, gồm cả những cá thể nuôi nhốt bị chết.

Để ngăn ngừa nạn buôn bán trái phép, xác hổ và những bộ phận của hổ chết phải được niêm phong để tránh bị sử dụng. Những cơ sở không có khả năng lưu trữ sẽ phải tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan chức trách địa phương. Mỗi trang trại nuôi hổ phải được phép và đạt đủ điều kiện trước khi mở cửa cho khách thăm quan.

Gần 4.000 cá thể hổ đang được nuôi giữ trong các trang trại ở Trung Quốc còn đang gây rất nhiều tranh cãi. Trong khi chính phủ nước này vẫn giữ quan điểm cho rằng những trang trại được phát triển chỉ nhằm thu hút khách du lịch thì các chuyên gia bảo tồn lại cho rằng chính những trang trại này cung cấp các bộ phận và sản phẩm từ hổ để điều chế Đông dược.

Bộ trưởng Bộ Môi trường của Ấn Độ đã nỗ lực đàm phán để đóng cửa các trang trại hổ và tiêu hủy xác hổ, song chỉ nhận được một sự đảm bảo từ người đồng cấp Trung Quốc về việc sẽ tuyên truyền, vận động người dân và từng bước ngăn chặn buôn bán các bộ phận của hổ.

Được biết, Trung Quốc hiện chỉ còn khoảng hai chục cá thể hổ trong tự nhiên.