Theo chân đoàn khảo sát rừng lim quý

Sau hành trình dài ngược núi, trước mặt chúng tôi là quần thể rừng lim rậm rịt, vươn cao ngút ngàn. Dù nhiều lần đặt chân đến “rừng cây di sản” này nhưng Phó Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Tây Giang – Pơloong Plênh và các thành viên của đoàn vẫn bày tỏ sự hào hứng mỗi khi chạm tay vào “cụ lim” quý hiếm…

Để đến với quần thể rừng lim, đoàn khảo sát phải lội nhiều đoạn suối hiểm trở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Như để cảm thức cùng thiên nhiên hùng vĩ, cứ mỗi lần phát hiện gốc cây lim xanh mới, Pơloong Plênh cùng các thành viên giữ rừng cộng đồng địa phương lại dành thời gian ngắm nghía, ôm lấy thân cây cổ thụ, rồi dùng tay chạm nhẹ không khác hành động vỗ về người thân yêu lâu ngày gặp lại.

“Chỉ có những người yêu rừng, yêu thiên nhiên mới cảm nhận được vẻ đẹp và năng lượng đem lại từ mẹ rừng. Không chỉ là nguồn sống, các quần thể rừng ở Tây Giang còn mang ý nghĩa rất lớn về giá trị văn hóa tâm linh, nơi gìn giữ sắc màu cuộc sống cộng đồng vùng cao suốt hằng trăm năm sinh tồn” – Pơloong Plênh chia sẻ.

Đo tuổi… cho cây

Tây Giang có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với độ che phủ của rừng chiếm hơn 75%. Nhiều loài gỗ quý hiếm như lim xanh, mun, ươi, dổi, sến, pơmu, đỗ quyên… còn được bảo vệ, gìn giữ trong cộng đồng. Trong đó, có 1.598 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam, chủ yếu là pơmu với 1.146 cây, dổi 1 cây, đa sộp 2 cây, đa búp 3 cây, đỗ quyên 435 cây và 11 cây đa cổ thụ.

Hành trình đến với quần thể rừng lim, chúng tôi không thể nhớ đã đi qua bao nhiêu chặng đường, lội bao nhiêu con suối. Khi mỗi cây lim xanh mới được phát hiện, cả đoàn lại dừng chân để lực lượng triển khai việc đo đạc, bấm tọa độ phục vụ tư liệu chuyến khảo sát.

Gần 5 ngày ròng rã băng rừng, ngược núi, có lúc tưởng chừng không thể bước tiếp. Nhưng, khi ai đó hú gọi phát hiện được cây mới, cả đoàn lại vội vã lần theo dấu chân in trên mùn đất.

Kinh nghiệm của người Cơ Tu khi thám hiểm rừng thiêng là chọn địa điểm cố định để dựng lán trại qua đêm. Vị trí được chọn nằm cạnh nguồn nước, khá cao ráo và có thể quan sát rõ nhiều hướng, đề phòng thú dữ và lũ quét bất ngờ.

Nhiều năm tham gia đoàn thám hiểm khám phá rừng pơmu, đỗ quyên và sau này là rừng lim xanh quý hiếm, Pơloong Plênh nói, tùy theo kế hoạch hoặc nhu cầu công việc, thông thường chuyến đi có thể kéo dài vài ngày hoặc tuần lễ. Để chuẩn bị cho đợt khảo sát, ngoài lương thực thực phẩm chung, thành viên đoàn tự sắm sửa vật dụng cá nhân cần thiết.

“Chuyến đi này có cả đoàn chuyên gia của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nên công tác chuẩn bị được triển khai từ trước. Chúng tôi phân công đội bảo vệ rừng cộng đồng và lực lượng dân quân, đoàn thanh niên đi trước để khảo sát, phát tuyến, dọn đường, dựng lán trại tại khu vực có nhiều rừng lim, mun cổ thụ phục vụ chuyến đi an toàn.

Miền núi mùa này thường hay mưa dông, vì thế, vị trí được chọn để làm trại dừng chân cũng phải được chú ý, đảm bảo không để xảy ra bất cứ tình huống nguy hiểm nào đe dọa sự an toàn của cả đoàn” – Pơloong Plênh cho biết.

Phải quá trưa, chúng tôi mới đặt chân đến nơi dựng lán trại. Vị trí này, theo khảo sát của lực lượng dân quân là trung tâm của quần thể rừng lim quý hiếm. Điều đó “kích thích” các chuyên gia của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nên chỉ vừa ăn xong bữa cơm vội trong rừng, họ đã tức tốc lên đường để “mục sở thị” rừng cây trăm tuổi.

Ngược cánh rừng đầu tiên, chúng tôi bắt gặp ngay cây lim cổ thụ thân to cả 4 người ôm. Ngay lập tức, các chuyên gia yêu cầu dừng lại đo đạc, khoan lấy mẫu để xác định tuổi cho cây.

Các chuyên gia khuyến cáo, hạn chế mức thấp nhất việc phát quang làm ảnh hưởng đến các cây non, bởi theo quan sát, khu vực này có rất nhiều cây non đang phát triển tốt. Trong tương lai, đây sẽ là nguồn cây kế thừa mang giá trị cao về sinh thái trong quần thể rừng lim xanh này.

Len lỏi khắp cánh rừng, ngoài khoan lấy mẫu thân cây, tại từng vị trí gốc cây cổ thụ, các chuyên gia tiến hành bấm tọa độ xác định vị trí, phục vụ công tác điều tra, khoanh vùng phân bố của cây lim và mun sau này.

Mải miết theo công việc, đến khi trở về lán trại, trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Đêm đó, chúng tôi ngủ cùng rừng cây di sản, lắng nghe thanh âm của rừng trong cơn rét núi lạnh căm.

Lập phương án bảo vệ

Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường khảo sát quần thể rừng lim xanh kết hợp rừng mun cổ thụ. Lần này đoàn chuyển hướng dọc theo nguồn suối để tìm cơ hội phát hiện thêm cây mới. Sau gần một giờ đồng hồ ngược núi, một cây mun cổ thụ được tìm thấy mọc trên đồi cao, tán lá rậm rạp. Đoàn khảo sát khẩn trương thực hiện nhiệm vụ trong niềm vui vỡ òa.

Các chuyên gia khoan lấy mẫu thân cây để xác định độ tuổi của lim. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sau nhiều ngày ở rừng, lúc chuẩn bị di chuyển để trở về, Pơloong Plênh tổng hợp lại kết quả chuyến khảo sát thực tế, kiểm đếm số liệu cây rừng. Khu vực khảo sát này thuộc địa phận thôn Tà Ri (xã Lăng, Tây Giang) – nơi quần thể lim và mun phân bố nhiều nhất trên toàn huyện. Các chuyên gia chọn ngẫu nhiên 4 cây lim, đường kính 40cm – 1,2m và 2 cây mun 90cm – 1,9m để khoan lấy mẫu, tạo cơ sở xác định độ tuổi.

Qua đánh giá của các chuyên gia Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, tại quần thể rừng này, ngoài hơn 3.000 cây lim xanh có đường kính 40cm trở lên (tương ứng độ tuổi từ 200 năm trở lên), còn có hơn 200 cây mun đường kính 50cm trở lên (tương ứng độ tuổi từ 200 năm trở lên).

Đây là khu rừng quý hiếm, vì thế cần xác lập phương án bảo vệ, đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm đếm số lượng cây rừng hiện có, trên cơ sở hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể rừng lim xanh và mun quý hiếm này là Cây di sản Việt Nam.

Tham gia đoàn khảo sát, ông Phùng Quang Chính – Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho biết, cùng với rừng di sản pơmu và đỗ quyên, quần thể rừng lim xanh và rừng mun cổ thụ tại xã Lăng được xem như báu vật của đại ngàn. Rừng quý hiếm này cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh tình trạng bị xâm hại.

Theo ông Chính, điều khiến ông ngạc nhiên là ngoài quần thể lim và mun, trong đợt khảo sát này, các chuyên gia còn phát hiện thêm hơn 10 cây sấu có đường kính hơn 2m và nhiều chủng loài động thực vật có giá trị khác. Khu vực phân bố nhiều loài trên một diện tích như thế tại Việt Nam là điều khá hiếm.

Nhiều gốc cây lim có đường kính 4 người ôm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Bríu Hùng – Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Tây Giang cho biết, chuyến khảo sát nhằm xác định tổng thể diện tích, năm tuổi, giá trị khoa học, mỹ quan của quần thể cây lim xanh và mun, qua đó kịp thời quản lý, bảo vệ và vinh danh giá trị rừng cây quý hiếm.

Trên cơ sở nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng và môi trường thiên nhiên, địa phương hướng đến khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch thể thao và du lịch môi trường giúp tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi.

“Với sự có mặt của các chuyên gia Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ngoài khảo sát số liệu về quần thể rừng lim xanh, các chuyên gia còn tiến hành khoan lấy mẫu nhằm xác định chính xác tuổi đời của cây rừng.

Kết quả nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam sẽ là một trong những căn cứ để huyện Tây Giang đề nghị công nhận rừng lim xanh và mun tại xã Lăng là quần thể Cây di sản Việt Nam thời gian tới” – ông Hùng nói.