Nguy cơ thiếu tài nguyên nước mặt

Dưới áp lực của gia tăng dân số, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đã ảnh hưởng đến tài nguyên nước mặt, làm cạn kiệt, suy thoái chất lượng, hạ thấp mực nước. Nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì hiện nay, Việt Nam đã thuộc trong số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước.

Nước sông và nước mưa là hai thành phần chủ yếu, quan trọng nhất trong tài nguyên nước mặt, được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Tài nguyên nước mưa
Nước mưa trung bình hằng năm trên toàn lãnh thổ nước ta có khoảng 650 km3, khối lượng nước này trải đều trên bề mặt đất liền có lớp nước mưa dày 1.960 mm. So với nhiều nước trên thế giới, tài nguyên nước mưa nước ta khá phong phú, nhiều hơn khoảng 2,5 lần so với lượng mưa trung bình Trái đất (800 mm) và châu Âu  (789 mm). Trung bình hằng năm, mỗi người dân nhận được khoảng  8.125 m3 nước mưa.
Do ảnh hưởng của địa hình, lượng mưa phân bố không đều trong lãnh thổ. Ở những miền núi cao, lượng mưa hằng năm lên tới 4.000 – 5.000 mm, như ở vùng núi  phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, khu vực Bắc Quang của Hà Giang, vùng núi Trà My, Ba Tơ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trái lại, ở những sườn núi, thung lũng khuất gió là nơi mưa ít, lượng mưa trung bình năm dưới 1.200 mm. Khu vực ven biển ở vùng Ninh Thuận – Bình Thuận là nơi  ít mưa nhất ở nước ta, lượng mưa hằng năm chỉ khoảng 500 – 600 mm.
Như vậy, lượng mưa năm ở nơi nhiều nhất gấp 10 lần lượng mưa năm ở nơi ít nhất. Hằng năm, lượng mưa lại phân phối không đều trong năm. Có khoảng 65-90% lượng mưa tập trung trong 3 đến 6 tháng mùa mưa, chỉ có 10 – 35% lượng mưa năm rơi trong 6 đến 9 tháng mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4, 5 ở Bắc Bộ, phần phía bắc của Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, bắc Nghệ An), Tây Nguyên và Nam Bộ cho đến tháng 9, 10 ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, tháng 10, 11 ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Riêng ở ven biển Trung Bộ, mùa mưa xuất hiện ngắn, thường là tháng 8, 9, 11, 12.
Tài nguyên nước sông
Phần lớn tài nguyên nước sông của Việt Nam (khoảng 60%) được hình thành trên phần lưu vực nằm ở nước ngoài, trong đó hệ thống sông Mê Công chiếm nhiều nhất. Nếu chỉ xét thành phần lượng nước sông được hình thành trong lãnh thổ nước ta, thì hệ thống sông Hồng có tổng lượng dòng chảy lớn nhất, sau đó đến hệ thống sông Mê Công và hệ thống sông Ðồng Nai. Lượng nước sinh ra trên 1 km2 diện tích trên toàn lãnh thổ trung bình một năm khoảng 2,520 triệu m3, lượng nước này đủ cấp cho dân số hiện nay khoảng 10.440 m3/người/năm.
So với thế giới, tổng lượng nước sông của nước ta chỉ chiếm khoảng 1,95% và khoảng 6% của châu Á. Nếu xét về mức bảo đảm nước trên 1km2 diện tích thì mức bảo đảm nước của nước ta gấp tám lần so với mức bảo đảm trung bình toàn thế giới, còn mức bảo đảm nước cho mọi người chỉ lớn hơn có 1,36 lần.
Hiện nay, tổng lượng nước cần dùng chỉ chiếm khoảng 11% tổng lượng dòng chảy sông suối nước ta và tăng lên khoảng 14,6% vào năm 2010. Tuy nhiên, do lượng dòng chảy sông ngòi phân bố không đều trong lãnh thổ và biến đổi mạnh theo thời gian, nên tình trạng khan hiếm nguồn nước đã và đang xảy ra ở nhiều nơi nhất là trong mùa khô cạn. Sự thiếu hụt nguồn nước sẽ trầm trọng vào năm 2010, nhiều tỉnh ở ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng lượng nước cần dùng sẽ vượt tổng nguồn nước tới 1,3 đến 3,6 lần.
Nguy cơ thiếu tài nguyên nước mặt
Cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế – xã hội, lượng nước cần dùng cho các nhu cầu tăng mạnh trong tất cả các vùng. Trên phạm vi cả nước,  lượng nước cần dùng năm 2000 khoảng 92,116 tỷ m3, đến năm 2010 sẽ tăng lên khoảng 121,521 tỷ m3. Lượng nước cần dùng cho tưới, chăn nuôi, thủy sản tăng nhanh.  Năm 2000, tổng lượng nước dùng cho tưới là 76,6 x 109 m3, chiếm 84% tổng nhu cầu dùng nước, dự báo đến năm 2010 sẽ tăng lên khoảng 88,8 x 109 m3. Nước sử dụng trong sinh hoạt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 2% so với tổng nhu cầu, đến năm 2010 có thể tăng lên 3,088 tỷ m3.
Nếu xét chung cho cả nước thì nước ta không thuộc diện thiếu nước, nhưng  không ít vùng và lưu vực sông đang thiếu nước và hiếm nước, như vùng ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận, duyên hải khu vực Nam Trung Bộ, hạ lưu sông Ðồng Nai… Sự gia tăng dân số và các hoạt động của con người sẽ ngày càng tác động mạnh đến môi trường tự nhiên nói chung và môi trường nước nói riêng (dân số tăng lên một lần, nhu cầu nước tăng lên ba lần). Những hoạt động của con người như chặt phá rừng, canh tác nông lâm nghiệp không hợp lý và xả chất thải bừa bãi vào các thủy vực… gây nên những hậu quả nghiêm trọng, làm cho nguồn nước bị cạn kiệt, ô nhiễm.  
Nguy cơ thiếu nước sạch sẽ ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn ở các vùng mưa ít gây hạn hán khốc liệt. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học – KTTV và Môi trường, nếu chặt phá 30% diện tích rừng trên lưu vực, nguồn nước mùa cạn giảm đi khoảng 2 đến 3%, dòng chảy tháng lớn nhất tăng lên khoảng 1,5%. Lượng nước mặt từ ngoài lãnh thổ chảy vào nước ta chiếm khoảng 60% tổng lượng nước của các hệ thống sông ngòi. Do vậy, chúng ta sẽ chịu tác động mạnh mẽ và sẽ gặp khó khăn khi các nước có chung dòng sông sử dụng nước nhiều hoặc gây ô nhiễm nước đầu nguồn hay khi điều tiết dòng chảy.
Tài nguyên nước lại phân bố rất không đều giữa các vùng. Hơn 60% số nguồn nước sông tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong khi toàn phần lãnh thổ còn lại chỉ có gần 40% số lượng nước nhưng lại chiếm tới gần 80% dân số cả nước và hơn 90% khối lượng hoạt động  sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Ðặc biệt ở Ðông Nam Bộ và lưu vực Ðồng Nai – Sài Gòn, lượng nước bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 2.900 m3/người/năm, bằng 28% so với mức trung bình của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không đi đôi với làm tốt công tác bảo vệ môi trường đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới tài nguyên nước. Hiện tại, nguồn nước sông đang bị ô nhiễm, nhất là đoạn chảy qua các đô thị, khu công nghiệp tập trung, như sông Cửu Long, sông Hồng, sông Thị Vải, sông Sài Gòn, sông Cấm, v.v.
Bên cạnh đó, khí hậu toàn cầu nóng lên đang tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Mức độ biến đổi mạnh nhất xảy ra ở Nam Trung  Bộ và Ðông Nam Bộ. Nước biển có thể dâng cao thêm 0,3 – 1,0 m và do đó nhiều  vùng thấp  ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ sẽ bị ngập trong nước biển. Hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào đất liền theo các dòng sông cũng ngày càng sâu, có nơi tới 10 đến 20 km. Những khúc sông nối liền với biển đã không còn nước ngọt, mặn hóa ngày một tăng làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của cư dân quanh vùng.
Quản lý hiệu quả tài nguyên nước
Ðể tránh nguy cơ thiếu nước, phải xét đến những lợi ích toàn cục, quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Các cấp ngành phối hợp đồng bộ trong điều tiết nguồn nước, không nên vì các lợi ích cục bộ trước mắt. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi. Hiện nay, các công trình thủy  lợi được đầu tư xây dựng từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước đã lạc hậu và xuống cấp, chỉ điều tiết được 8% (khoảng 25 nghìn tỷ m3 nước) trong tổng lượng nước phát sinh trên lãnh thổ (ở Mỹ 30%). TS Lã Văn Chú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy văn và Tài nguyên nước cho rằng: Cần có các hồ chứa nước để điều hòa dòng chảy và tích lũy nước hiệu quả. Chú trọng việc  trồng rừng nhằm lưu giữ nguồn nước trên thượng lưu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm nước; bố trí thời vụ gieo trồng hợp lý. Ðồng thời có các giải pháp nâng cao chất lượng, bảo vệ nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, cạn kiệt.
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi một nguồn nước mặt khá phong phú, nhưng đã và đang đối mặt những thách thức to lớn đó là nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến khan hiếm nước. Nguy cơ đó sẽ càng trầm trọng nếu không có các biện pháp quản lý tốt.