Báo đốm Bolivia lâm nguy vì “cơn khát” của nhiều người Trung Quốc

Một bộ phim tài liệu đã vạch trần hoạt động buôn bán răng nanh báo đốm bất hợp pháp từ khu vực Mỹ Latin sang Trung Quốc.

Trong liên hoan phim Tribeca tại New York, Mỹ diễn ra vào tháng này, bộ phim tài liệu điều tra “Tigre Gente” đã phơi bày vấn đề buôn bán báo đốm từ Bolivia sang Trung Quốc. Bộ phim vạch trần chủ nghĩa tiêu dùng động vật hoang dã của người dân đất nước tỷ dân, theo Guardian.

Bộ phim theo chân một nhân viên kiểm lâm người Bolivia và một nhà báo trẻ Hong Kong bí mật điều tra hoạt động buôn bán răng nanh báo đốm. Quá trình điều tra chuyển từ những khe núi phủ sương trong công viên quốc gia Madidi khổng lồ của Bolivia cho đến những trung tâm thương mại nhộn nhịp của Hong Kong và Quảng Châu.

Một con báo đốm do camera giấu kín ghi hình được ở Công viên Quốc gia Madidi tại Bolivia. Ảnh: Wildlife Conservation Society.

Trong bộ phim, Marcos Uzquiano, giám đốc Công viên Quốc gia Madidi dẫn đầu một nhóm nhân viên kiểm lâm truy tìm những kẻ săn trộm báo đốm. Răng và da của chúng được bán với giá vài trăm USD trên thị trường chợ đen.

Ông Uzquiano cho biết báo đốm được coi là “biểu tượng của cuộc sống và sức mạnh”. Nó cũng giữ một vị trí quan trọng đối với người dân địa phương.

Những khu chợ động vật hoang dã nhộn nhịp tại Trung Quốc và Myanmar được phóng viên Laurel Chor bí mật ghi lại. Cô đã phỏng vấn những người Trung Quốc. Những câu trả lời cho thấy nhu cầu về sản phẩm động vật hoang dã của người dân Trung Quốc ngày càng tăng.

Elizabeth Unger, đạo diễn bộ phim cho biết: “Tôi thực sự cảm thấy sốc khi thấy câu chuyện ẩn sâu trong bóng tối”. Bộ phim được tài trợ một phần bởi National Geographic và mất ba năm để thực hiện.

Hiện tại, chỉ còn từ 64.000 đến 170.000 con báo đốm trên toàn thế giới. Loài báo đốm được Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) liệt kê trong Sách đỏ là loài sắp bị đe dọa. Mất môi trường sống, xung đột với con người và thị trường da động vật sôi động khiến loài động vật này suy giảm số lượng một cách nghiêm trọng.

Một nghiên cứu về buôn bán báo đốm từ năm 2012 đến năm 2018 trên tạp chí Conservation Biology cho thấy khoảng 34% sản phẩm từ báo đốm có liên quan đến Trung Quốc.

“Tôi thực sự muốn mọi người cảm thấy rằng chúng ta có liên hệ với loài vật này. Nó là biểu tượng cho rất nhiều nền văn hóa”, đạo diễn Unger nói.

Để hoàn thành bộ phim, những người tham gia đã gặp phải hàng loạt nguy hiểm. Thậm chí, những tội phạm săn trộm còn cố gắng đâm chìm thuyền của các nhân viên kiểm lâm giữa dòng nước xiết.

“Chỉ có một nhóm nhỏ dân số Trung Quốc mua những sản phẩm bất hợp pháp có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Nhưng với quy mô của quốc gia này, một nhóm nhỏ cũng là rất nhiều người”, cô Unger nhận định.

Bằng cách đưa bộ phim lên màn ảnh rộng, các nhà làm phim hy vọng nó sẽ tiếp thêm động lực cho cuộc chiến bảo vệ loài báo đốm.