Đề xuất chính sách đầu tư phát triển rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp.

Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Luật Lâm nghiệp quy định một số chính sách về lâm nghiệp được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, khoản 3 Điều 50 quy định “Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây phân tán”; khoản 2 Điều 66 quy định “Chính sách phát triển chế biến lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ”; khoản 2 Điều 70 quy định “Chính sách phát triển thị trường lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ”; khoản 5 Điều 99 quy định “Chính phủ ban hành chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ”. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về những nội dung này.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, các chính sách phát triển lâm nghiệp được ban hành trong giai đoạn 2011-2020 đã góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, cải thiện sinh kế của người dân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng chưa cao; năng suất, chất lượng rừng trồng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng của ngành chưa ổn định; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả, thu nhập của người lao động làm nghề rừng còn thấp so với các ngành nghề khác; nguồn vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, các chính sách đầu tư trong lâm nghiệp đang được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như: Nghị định số 119/2016/NĐ-CP; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg và một số văn bản khác. Các chính sách này đến nay, về đối tượng, mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư không còn phù hợp với thực tế hiện nay, khi mức lương cơ bản, chi phí vật tư, giống, công lao động đều tăng; cần thiết phải được điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với thực tiễn; đảm bảo yêu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế chung và thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc ban hành Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp là rất cần thiết.

Đề xuất một số điều chỉnh

Tại chương II của dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số chính sách đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Trong đó, về bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; rừng sản xuất là rừng tự nhiên; hỗ trợ chữa cháy rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng sản xuất là rừng tự nhiên (Điều 5, 6, 7, 8).

Về cơ bản, nội dung các chính sách này được kế thừa các văn bản pháp luật hiện hành và có điều chỉnh nâng mức kinh phí bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng để bảo đảm thu nhập một ngày công của người tham gia bảo vệ rừng hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tương thích với đơn giá ngày công lao động nông nghiệp hiện tại ở các địa phương.

Về đầu tư trồng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ (Điều 9, 10). Về cơ bản, nội dung các chính sách này được kế thừa các văn bản pháp luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh sau: Không quy định cụ thể mức đầu tư/ha trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ mà căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt của từng địa phương; đề nghị hoạt động làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là hoạt động mang tính chất đầu tư; mức đầu tư/ha căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được cấp từ nguồn vốn đầu tư phát triển; tăng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ để phù hợp với thực tiễn do chi phí vật tư, giống, công lao động đều tăng so với thời điểm ban hành chính sách này…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.