Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020

ThienNhien.Net – Tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định nêu rõ: phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị – công nghiệp ven biển.

 Bốc dỡ container tại cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) (Ảnh: Trần Quỳnh/Đảng Cộng sản Việt Nam)
Bốc dỡ container tại cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) (Ảnh: Trần Quỳnh/Đảng Cộng sản Việt Nam)

Về nội dung quy hoạch, theo vùng lãnh thổ, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 6 nhóm cảng: Nhóm 1: nhóm cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; Nhóm 2: nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; Nhóm 3: nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; Nhóm 4: nhóm cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; Nhóm 5: nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc địa bàn tỉnh Long An); Nhóm 6: nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam).

Theo quy mô, chức năng nhiệm vụ, hệ thống cảng biển Việt Nam có các loại cảng: cảng tổng hợp quốc gia là các cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam; các cảng tổng hợp địa phương có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ chủ yếu trong phạm vi địa phương (tỉnh, thành phố); cảng chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp tập trung, hàng qua cảng có tính đặc thù và là một hạng mục trong tổng thể cơ sở công nghiệp. Riêng cảng chuyên dùng trung chuyển than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện sẽ bố trí đầu mối tiếp nhận, trung chuyển chung cho từng cụm nhà máy.

Trong mỗi cảng biển có thể có nhiều khu bến cảng, mỗi khu bến cảng có thể có nhiều bến cảng, mỗi bến cảng có thể có nhiều cầu cảng với công năng và quy mô khác nhau, bổ trợ nhau về tổng thể. Tại cảng biển chuyên dùng có thể có bến xếp, dỡ hàng tổng hợp phục vụ trực tiếp cho cơ sở công nghiệp.

Các cảng biển tiềm năng xác định trong quy hoạch được phát triển khi có nhu cầu và khả năng đầu tư, chủ yếu được đầu tư vào giai đoạn sau của quy hoạch; cần dành quỹ đất thích hợp để phát triển các cảng này đáp ứng các yêu cầu về kinh tế – kỹ thuật nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư trong tương lai.

Cũng theo Quyết định, tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng từ 80 đến 100 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng); trong đó kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng từ 40 đến 50 nghìn tỷ đồng.