Nghị quyết về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Lực lượng kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, triển khai công tác đi tuần tra bảo vệ rừng thuộc địa bàn đơn vị quản lý. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy vậy, ở một số địa phương, tình hình dân di cư tự do chưa chấm dứt, số hộ dân đã di cư tự do cần bố trí ổn định còn rất lớn, đời sống còn nhiều khó khăn. Tình hình quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa đảm bảo, tình trạng khiếu kiện, lấn chiếm, tranh chấp đất vẫn diễn biến phức tạp… Vì vậy, cần một giải pháp căn cơ, quyết liệt tổ chức thực hiện để chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới.

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 giảm thiểu tối đa tình trạng di dân tự do; ưu tiên thực hiện bố trí ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn, cấp bách vào các điểm dân cư theo quy hoạch; đồng thời, hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đang thực hiện dở dang…

Một mục tiêu nữa là phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Phát triển sản xuất, thực hiện an sinh xã hội

Một trong những giải pháp thực hiện được Nghị quyết đưa ra là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện an sinh xã hội. Cụ thể là tổ chức lại sản xuất, phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã tại các tỉnh có dân di cư tự do đến; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng vùng bố trí dân di cư tự do; mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng đến các hộ dân di cư tự do tại những khu vực đã được bố trí dân cư, quy hoạch ổn định.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại các vùng bố trí dân di cư tự do. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc các hộ dân di cư tự do (ưu tiên đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn).

Vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có để thực hiện đầu tư (như: xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, chế biến gỗ, các khu công nghiệp,…), hỗ trợ vùng bố trí dân di cư tự do phát triển, góp phần phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí đất (đất ở, đất sản xuất) cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện, sử dụng, phát triển rừng, lồng ghép với Chương trình bố trí dân cư; tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương sau khi sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất và điều chỉnh diện tích đất sử dụng không hiệu quả; đồng thời rà soát diện tích các loại đất rừng (nhưng thực tế không có rừng) để đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng.

Các địa phương bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số và chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo cho người dân tại các điểm bố trí ổn định dân di cư tự do.

Huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực

Khu tái định cư mới có diện tích 5,29 ha được đặt tại đồi Pom Ngồ, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Nghị quyết cũng nêu rõ giải pháp huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực. Cụ thể, các địa phương ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm và dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trong năm 2020, giai đoạn 2021 – 2025. Các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thành các thủ tục đầu tư các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo quy định; đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Năm 2020, tiếp tục xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách năm 2020 theo mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 08/1/2019 của Văn phòng Chính phủ để hỗ trợ địa phương thực hiện các dự án di dân cấp bách.

Các địa phương huy động nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án trên địa bàn (như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; khuyến nông; đào tạo nghề; bảo vệ, phát triển rừng,…), đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào vùng bố trí dân di cư tự do để hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân di cư tự do và tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Chính phủ giao Bộ Tài chính và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan rà soát, cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách hàng năm cho địa phương để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

Nguồn: