Sông Mê Kông trước những thay đổi bất thường về thời tiết

Các hiện tượng thời tiết hàng năm dọc theo sông Mê Kông – con sông lớn bắt nguồn ở Trung Quốc và chảy qua 5 quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ và bất thường, đặc biệt trong 2 năm gần đây, khiến người dân sống phụ thuộc vào con sông này ngày càng lo lắng.

Hình ảnh sông Mê Kông giáp ranh giữa Thái Lan và Lào. (Ảnh: Reuters)

Theo một người dân sống cạnh sông Mê Kông, ông Attapon Nakhon, cho biết mực nước trên sông thay đổi thất thường, khi quá ít, khi lại quá nhiều gây lũ lụt. Ông cho rằng, hiện nay, mọi hiện tượng ở sông Mê Kông đều bất thường và ông chưa từng thấy sông Mê Kông thay đổi nhanh như vậy.

Những thay đổi trên con sông này là do hoạt động của các đập thủy điện lớn được xây dựng phần lớn ở thượng nguồn, gây mất mùa, phá vỡ hệ sinh thái, xói mòn bờ và tình trạng khó lường nói chung ở các nước hạ nguồn.

Tác động của các con đập và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra mạnh mẽ trong khu vực đã gây ảnh hưởng lớn đến sông Mê Kông – nguồn sống của khoảng 60 triệu người, nhất là những người dân ở hạ nguồn tại Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đặc biệt, tại khu vực phía Đông Thái Lan, đánh bắt cá, nông nghiệp và du lịch đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến giới chức địa phương rất lo ngại.

Nhấn mạnh hầu hết những thay đổi đã xảy ra trong 2 năm qua, ông Apichai Ritthigun, quan chức thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cho biết: “Tôi từng chứng kiến sông Mê Kông có nguồn nước dồi dào và hệ sinh thái đa dạng, nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi”.

Theo ông Apichai, những thay đổi này bao gồm cả chức năng và hình thức trực quan của dòng sông. Sông Mê Kông thường có màu hoàng thổ đậm, chứa đựng các chất dinh dưỡng phong phú cần thiết cho sự sống trên đường mà nó chảy qua. Trong bối cảnh những thay đổi diễn ra bất thường, cơ quan của ông Apichai đã lần đầu tiên thực hiện các thử nghiệm chi tiết để đo độ đục của dòng sông, nhằm xem xét số lượng chất dinh dưỡng quan trọng còn lại trong đó. Tại ba địa điểm khác nhau ở tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), dòng nước được xác nhận “gần như không có” phù sa.

“Sông Mê Kông đang trải qua những thay đổi bất thường về mực nước và phù sa đã trôi đi. Nước sông rất trong và chuyển màu xanh lam… Hằng năm, vào thời điểm này, dòng sông thường khô cạn nhưng điều tạo nên sự khác biệt là nước rất trong”, ông Apichai nhấn mạnh.

“Thảm họa” có thể xảy ra

Với những bất thường trong thời gian gần đây, sông Mê Kông đã trở thành một điểm đến của khách du lịch, khi mọi người đổ xô đến để ngắm nhìn vẻ đẹp trong suốt của dòng sông. Điểm hấp dẫn của con sông này chính là dòng nước trong vắt, nhưng với sự dao động mực nước gần đây lên đến 1m chỉ trong 48 giờ, người dân và du khách đến đây cần hết sức thận trọng. Amnart Traijak, một nhà hoạt động và giám sát sông ngòi cho rằng cần cảnh giác trước những thay đổi bất thường của con sông này.

Mạng lưới tổ chức của ông đang cố gắng đưa ra cảnh báo sớm cho người dân ven sông, thông báo cho cộng đồng khi mực nước thay đổi đột ngột. Tho ông, những thay đổi này là do việc xây dựng các con đập trên sông. “Một số người rất vui khi được tận mắt chứng kiến dòng nước trong xanh ở sông Mê Kông, thay vì phải ra biển. Nhưng đó là một thảm họa đối với sông Mê Kông”, ông cảnh báo.

Bên cạnh đó, những ngư dân vốn đã gắn bó rất lâu với sông Mê Kông cũng đang lo lắng về sinh kế và tương lai của họ. Những loài cá nhỏ dựa vào phù sa sông để kiếm ăn và nguồn thức ăn đó hiện nay hầu như không còn. Mùa vụ bị đảo lộn, cá đẻ trứng không đúng thời điểm, không đúng chỗ gây ra thiệt hại khi nước sông cạn kiệt. Nhiệt độ bề mặt nước tăng lên khi sông cạn càng làm tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng hơn.

Giám đốc quản lý nghề cá tại Văn phòng Nghề cá tỉnh Nakhon Phanom, ông Tossapol Kaewngam cho rằng đây là một vấn đề rất lớn, nằm ngoài tầm kiểm soát và là vấn đề mang tầm quốc tế.

Người dân ở nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề

Các tác động đối với quần thể cá đang diễn ra dọc theo sông Mê Kông. Tại Biển Hồ của Campuchia – nguồn cá nội địa lớn nhất thế giới – sản lượng khai thác trong năm 2019 đã giảm tới 75%.

Trong khi đó, theo dự báo, tổng lượng phù sa hiện nay đổ vào Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam – vựa lương thực quan trọng của khu vực chỉ bằng 1/3 so với cách đây chưa đầy 15 năm. Chất lượng đất ở Nakhon Phanom của Thái Lan và nhiều nơi khác dọc bờ sông cũng thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực. Các bờ biển đang thiếu phù sa khiến nông nghiệp ở các vùng đất này phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đồng thời, các khu vực hai bên bờ sông Mê Kông từng rất mát mẻ trước đây cũng đang trải qua mức nhiệt cao hơn bao giờ hết.

“Những bất thường này thật đáng sợ. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn như vậy, chúng tôi sẽ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn để có thể sinh tồn”, một cư dân sống bên bờ sông Mê Kông lo ngại.