Campuchia và Lào hợp tác quản lý thủy sản

Tại hội thảo được tổ chức ở Pakse, Lào vào ngày 29/6, các chuyên gia thủy sản từ Campuchia và Lào đã thảo luận chi tiết về khuôn khổ hợp tác song phương liên quan đến quản lý thủy sản xuyên biên giới thuộc lưu vực sông Mê Kông – Sê Kông.

Hai bên đã đồng ý thiết lập một cơ quan quản lý thủy sản song phương nhằm hạn chế hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và tăng cường nguồn cá trong lưu vực. Cơ quan này bao gồm các đại diện thuộc ban quản lý biên giới cấp tỉnh và các văn phòng liên quan cấp huyện, đặc biệt cấp cộng đồng và thôn cũng được tham gia với vai trò hỗ trợ thực hiện kế hoạch quản lý.

Các chuyên gia đã thảo luận nhằm đi đến thống nhất kế hoạch quản lý thủy sản xuyên biên giới và khung thực hiện để có thể giải quyết một số vấn đề như sử dụng thiết bị bất hợp pháp và thiếu thực thi pháp luật.

Đánh bắt thủy sản trên sông Mê Kông (Ảnh: MRC)

Theo thông tin từ Ủy hội sông Mê Kông (MRC), đây là một trong những hoạt động quan trọng khép lại giai đoạn cuối cùng của Dự án quản lý thủy sản xuyên sông Mê Kông – Sê Kông – dự án do hai nước thực hiện từ năm 2014 từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) do Ủy hội sông Mê Kông (MRC) hỗ trợ kỹ thuật, dự kiến hoàn thành vào cuối 2018.

Lý do cho sự ra đời dự án này là người dân ở các tỉnh biên giới trong lưu vực sông Mê Kông – Sê Kông chủ yếu kiếm sống bằng nghề cá nhưng nhiều năm gần đây, lượng cá đánh bắt suy giảm nghiêm trọng. Họ lo lắng về tình trạng sử dụng ngư cụ bất hợp pháp và hoạt động đánh bắt trái phép trong các vùng bảo tồn cá nhưng ít khi bị xử lý do thực thi pháp luật kém.

Theo mục tiêu dự án đề ra thì việc hợp tác giữa Lào và Campuchia sẽ góp phần tăng 10% lượng cá trong lưu vực vào năm 2021. Các biện pháp chủ yếu được đề xuất gồm nâng cao nhận thức về các quy định thủy sản cho ngư dân, kiềm chế các hoạt động đánh cá lậu, giám sát việc sử dụng ngư cụ bất hợp pháp và đánh bắt trái phép trong các hồ bảo tồn gần biên giới, quy định rõ chế tài xử lý vi phạm và xây dựng cơ chế trao đổi dữ liệu giữa hai bên.

Ngoài ra, các nội dung về vai trò, trách nhiệm và các kênh giao tiếp hành chính của cơ quan quản lý các cấp cũng sẽ được thảo luận chi tiết.

Được biết, Dự án thủy sản là một trong năm dự án song phương thuộc Dự án Quản lý tài nguyên nước tích hợp Mê Kông (M-IWRMP) của MRC với mục tiêu thúc đẩy phương pháp đa ngành dựa trên quy tắc trong quản lý và phát triển tài nguyên nước.