Cộng đồng Thái Lan kêu gọi tòa án đình chỉ hợp đồng mua bán điện từ đập Xayaburi

ThienNhien.Net – Theo tin từ Liên minh Cứu sông Mê Kông, ngày 15/10, Mạng Lưới Người Thái thuộc tám tỉnh lưu vực sông Mê Kông đã gửi tới Tòa án Hành chính Thái Lan lời kêu gọi ra phán quyết đình chỉ Hợp đồng mua bán điện (PPA) từ con đập Xayaburi, con đập đầu tiên được xây dựng trên hạ nguồn dòng chính sông Mê Kông.

Năm 2011, Cơ quan điện lực Thái Lan (EGAT) đã ký kết PPA mua 95% lượng điện do dự án thủy điện Xayaburi tạo ra và hợp đồng này đã được các cơ quan chức năng của chính phủ Thái Lan phê chuẩn.

Nếu không có PPA này, dự án Xayaburi sẽ không khả thi về mặt kinh tế. Tuy nhiên EGAT gần đây đã công khai thừa nhận rằng họ không cần đến lượng điện được tạo ra từ dự án. Trong khi đó, các nghiên cứu độc lập cũng kết luận rằng EGAT đã dự tính nhu cầu điện năng của Thái Lan quá cao so với thực tế và cơ quan này cũng không nghiên cứu các phương án phát điện có tiềm năng rẻ hơn hoặc xanh hơn.

Với dự án đập Xayaburi, EGAT đã không thực hiện đánh giá tác động môi trường (EIA) tại Thái Lan, cũng như chưa tiến hành tham vấn công khai một cách đầy đủ.

Nơi con đập Xayaburi được xây dựng (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)
Nơi con đập Xayaburi được xây dựng (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Trước đó, Tòa án Hành chính Tối cao của Thái Lan ngày 24 tháng 6 năm 2014 đã chấp nhận đơn kiện của Mạng lưới Người Thái về tính pháp lý của hợp đồng mua bán điện từ con đập này.

Thừa nhận các tác động xuyên biên giới tiềm ẩn của đập Xayaburi, Tòa án Hành chính tối cao Thái Lan đã nhận định rằng: “Dự án Xayaburi có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nước, lưu lượng dòng chảy và sự cân bằng sinh thái của lưu vực sông Mê Kông cũng như các tác động xuyên biên giới khác đối với các nước ven sông, đặc biệt là với các cộng đồng địa phương tại các tỉnh ven sông của Thái Lan…”

Đồng thời, Tòa án cũng cho rằng các cộng đồng ven sông Thái Lan “có quyền tham gia quản lý, bảo tồn và khai thác các tài nguyên thiên nhiên và môi trường (bao gồm cả đa dạng sinh học của dòng sông) một cách cân bằng và bền vững, để họ có thể sống một cuộc sống bình yên trong một môi trường không ảnh hưởng tới sức khỏe, phúc lợi và chất lượng cuộc sống. ”

Lời kêu gọi của cộng đồng người Thái cũng phù hợp với quan điểm của Chính phủ Campuchia và Việt Nam trong đề nghị hoãn xây dựng Xayaburi và tất cả các con đập dòng chính Mê Kông cho đến khi các nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông và của Việt Nam hoàn thành.