Dân Trung Quốc không dám tiêm vaccine nội địa

Nhiều người Trung Quốc lo ngại về chất lượng vaccine do các công ty nội địa sản xuất. Với tiến độ hiện tại, nước này sẽ mất tới 5,5 năm để đạt miễn dịch cộng đồng và mở cửa lại.

Từ xây dựng bệnh viện trong vài ngày, xét nghiệm nhanh toàn thành phố đến phong tỏa biên giới, Trung Quốc đã kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Do đó, khi Trung Quốc tung vaccine Covid-19, thế giới mong đợi một nỗ lực tiêm chủng với tốc độ và mức độ chóng mặt tương tự. Kể từ khi bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 vào ngày 15/12, Trung Quốc đã tiêm 31,2 triệu liều, chỉ đứng sau Mỹ với 35 triệu liều.

Tuy nhiên, dân số tại Trung Quốc là 1,4 tỷ người. Do đó, theo dữ liệu của Bloomberg, cứ 100 người Trung Quốc thì chỉ 2 liều được tiêm, so với 3 liều ở Liên minh châu Âu, 10 liều tại Mỹ và gần 60 ở Israel.

Trung Quốc dường như không đạt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều đó làm dấy lên câu hỏi liệu nền kinh tế thứ hai thế giới có tiếp tục đóng cửa với các nước hay không.
Vaccine Covid-19 anh 1

Nhiều người Trung Quốc nghi ngại về chất lượng của các nhà phát triển nội địa. Ảnh: Bloomberg.

Tiến độ chậm chạp

Vấn đề của Trung Quốc không nằm ở trục trặc trong phân phối hay thiếu hụt sản xuất. Vaccine đã được triển khai tiêm tại hơn 25.000 địa điểm, bao gồm cả các sân vận động, bảo tàng và trung tâm công cộng.

Vaccine do các công ty địa phương như Sinovac Biotech và China National Biotec của Sinopharm sản xuất cũng dễ dàng được bảo quản ở nhiệt độ lạnh trong vòng hơn một năm. Điều đó giúp tránh khỏi những khó khăn về hậu cần của vaccine mRNA công nghệ cao tại Mỹ, vốn cần bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh sâu, và có thể bị hỏng nếu rã đông quá sớm.

Tuy nhiên, quá trình tiêm chủng bị triển khai chậm do người dân Trung Quốc lo ngại về mức độ an toàn và khả năng bảo vệ của vaccine. Một số khác cảm thấy không cần thiết phải tiêm chủng. Bởi các đợt bùng phát chủ yếu diễn ra vào mùa đông ở phía Bắc đất nước.

Theo Bloomberg, điều đó có thể tạo vấn đề lớn cho đất nước và những công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Bloomberg, với tốc độ tiêm chủng hiện tại, Trung Quốc sẽ chỉ có thể đạt khả năng miễn dịch cộng đồng sau 5,5 năm. Để so sánh, số thời gian cần thiết của Anh và Mỹ lần lượt là 6 tháng và 11 tháng.

Trung Quốc đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

“Nếu tiêm phòng không được đẩy mạnh, việc mở cửa biên giới của Trung Quốc có thể bị trì hoãn, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới”, ông Kuijs, Trưởng bộ phận Kinh tế châu Á tại Oxford Economics (có trụ sở tại Hong Kong), cảnh báo.

Tuy nhiên, không giống xét nghiệm Covid-19 và cách ly bắt buộc, việc tiêm chủng vẫn mang tính tự nguyện ở Trung Quốc, ngay cả với các nhân viên y tế.

Cô Anne Zhu, nhân viên văn phòng của một hãng hàng không quốc doanh tại Vô Tích (tỉnh Giang Tô), tiết lộ cô phải tiêm vaccine Covid-19 vì những tiếp viên hàng không không muốn tiêm. Họ đẩy các nhân viên hành chính vào danh sách tiêm chủng.

Cô Zhu cho biết chỉ 13% trong số 1.200 nhiên viên của hãng hàng không tại chi nhánh ở Vô Tích đã tiêm chủng. Con số này có thể tăng 1/3 khi một loạt nhân viên khác được tiêm vào cuối tuần.

Tại trường Shanghai American, giảng viên nghiên cứu xã hội Kirk Irwin tiết lộ khoảng 30% giảng viên của trường, bao gồm công dân Trung Quốc và người nước ngoài, được tiêm vaccine của Sinovac.

“Mọi người đều nghĩ rằng, nếu có thể tiêm vaccine vào tháng 4 hoặc tháng 5 thì họ sẽ đợi. Bởi tất cả vẫn thấy khá an toàn ở Thượng Hải và không ai đi du lịch nước ngoài”, cô Irwin, một người gốc Canada, tiết lộ.

Không tin tưởng vào vaccine nội địa

Các công ty sản xuất vaccine Trung Quốc còn bị chỉ trích vì sự thiếu minh bạch về tính an toàn và hiệu quả của những mũi tiêm. Họ công bố ít dữ liệu hơn so với phương Tây.

Điều đó cũng làm dấy lên mối lo ngại tại những quốc gia mua vaccine của Trung Quốc như Pakistan và Indonesia. Giống như ở các quốc gia khác, nhân viên y tế Trung Quốc cũng lo ngại trở thành “chuột bạch” của những liều vaccine đầu tiên.

Bà Sophia Qu, bác sĩ tại một bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông, cũng không nhận lời đề nghị tiêm vaccine vì lo ngại về tác dụng phụ. Theo bà Qu, chưa đến một nửa số đồng nghiệp của bà đã tiêm vaccine.

Một số người Trung Quốc cũng muốn chờ một loại vaccine do các nhà phát triển nước ngoài sản xuất. Nguyên nhân là những vụ bê bối trong quá khứ về các mũi tiêm kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất.

Jason, một sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Kinh, tiết lộ sẽ đợi vaccine Pfizer được phê duyệt tại Trung Quốc. Anh lo ngại vaccine được sản xuất trong nước không đủ khả năng bảo vệ như vaccine mRNA. Các công bố được nhà phát triển Trung Quốc đưa ra cũng không rõ ràng và mâu thuẫn.

Tiến độ tiêm chủng chậm chạp có thể cản đường phát triển của kinh tế Trung Quốc trong những năm tới. Ảnh: Bloomberg.

Một nguyên nhân khác là Trung Quốc chỉ hạn chế tiêm chủng cho những người trong độ tuổi từ 18 đến 59. Gần 20% dân số trên 60 tuổi bị loại bỏ. Trái lại, ở các nước như Mỹ và Na Uy, vaccine được ưu tiên tiêm cho những người già trong viện dưỡng lão.

Theo PGS Nicholas Thomas tại Đại học Thành phố Hong Kong, với tốc độ tiêm chủng hiện tại của Trung Quốc, việc đi lại quốc tế sẽ cần bị hạn chế trong vòng nhiều năm.

Theo ông Huang Yanzhong tại Đại học Seton Hall, những thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc sẽ trở nên mờ nhạt nếu nước này không thể triển khai tiêm chủng tốt. “Phương Tây rất tệ trong việc ngăn chặn virus, nhưng nếu họ thành công đạt miễn dịch cộng đồng trước Trung Quốc, một thông điệp mạnh mẽ có thể được gửi đi”, ông bình luận.

“Nếu phương Tây bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại, điều đó sẽ đặt lên thách thức lớn đối với Trung Quốc”, ông cảnh báo.