Hiểm họa từ nước ngầm ô nhiễm

ThienNhien.Net – Việc cơ quan chức năng phát hiện nước sinh hoạt của Trạm cấp nước Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm, Hà Nôi) có hàm lượng Asen cao gấp 4 lần cho phép một lần nữa báo động về nguy cơ mất an toàn từ việc khai thác nước ngầm. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết và đảm bảo sức khỏe của người dân, không thể chậm trễ hơn, Hà Nội cần quy hoạch lại tổng thể hệ thống cấp nước sinh hoạt khi diện tích, dân số đều gia tăng.

Nhà máy nước Tương Mai bị nhiều người dân phàn nàn về chất lượng nước (Ảnh Văn Hải/Đại Đoàn Kết)
Nhà máy nước Tương Mai bị nhiều người dân phàn nàn về chất lượng nước (Ảnh Văn Hải/Đại Đoàn Kết)

Theo các chuyên gia về tài nguyên môi trường thì hiểm họa từ việc khai thác nước ngầm đang hiện hữu khi nguồn nước này đang bị ô nhiễm nặng nề, nhất là tại các vùng thấp, trũng của Hà Nội.

Sử dụng nước sinh hoạt của Nhà máy nước Tương Mai hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Mai ở số nhà 32, ngõ 226, phố Tân Mai, Hà Nội luôn lo lắng về chất lượng nước gia đình sử dụng. Ông Mai cho biết, trong khi nhiều khu vực ở thành phố đã chuyển sang sử dụng nguồn nước sạch sông Đà thì nhà máy nước Tương Mai vẫn khai thác nước ngầm. Từ khi đình chỉ hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình II do khai thác nước ngầm làm tồn dư hàm lượng độc tố Asen gấp 4 lần cho phép, ông Mai càng lo lắng hơn.

“Nhà tôi sử dụng nước ở Tân Mai. Sau 1 tháng thau bể thì ước chừng 1 bể 4 khối có khoảng 5 thùng gánh nước đặc như nước nhân trần chiều. Mà cái téc inox trên nhà 4 tầng, chỉ 1 khối thôi, sau 3 tháng cũng có độ 2 thùng lầy như nước nhân trần. Còn xô hứng ra trong 1 ngày, để đọng lại khoảng trên 1 thìa canh đen xì”, ông cho biết.

Kết quả kiểm nghiệm do Bộ Y tế thực hiện gần đây đối với mẫu nước sinh hoạt tại các nhà máy và trạm cấp nước của quận Hoàng Mai (trong đó có Nhà máy nước Tương Mai) cho thấy, chỉ tiêu về Amoni và Pecmanganat đều cao hơn mức cho phép. Hai chất này trong 1 điều kiện nào đó có thể chuyển thành những chất có thể gây độc cho cơ thể và gây bệnh ung thư. Nhiều khi phải kiểm nghiệm sâu và nhiều lần mới phát hiện được những độc tố trong nước.

Cách đây khoảng chục năm, cơ quan chức năng cũng từng phát hiện trạm cấp nước Pháp Vân, cũng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội (khai thác nước ngầm) có hàm lượng Nitơ vượt nhiều lần mức cho phép. Trạm cấp nước này hiện vẫn đang hoạt động và lâu nay chưa thấy cơ quan chức năng công bố kết quả hậu kiểm, khiến người dân không khỏi lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội kiến nghị Nhà nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng nên tăng cường bộ phận kiểm tra phân tích nước, có phòng thí nghiệm chuẩn để phát hiện ra nguồn nước nào không đảm bảo chất lượng. “Chúng tôi là người dân hàng tháng dùng nước trả tiền thì chúng tôi chỉ biết trả tiền thôi, kể cả mức độ thạch tín, asen có vượt quá tiêu chuẩn hàng chục lần nữa chúng tôi cũng chịu”.

Những nhà máy và trạm cấp nước vừa nêu đều thuộc Công ty nước sạch Hà Nội và đều khai thác nước ngầm ở phía Nam và Tây nam thành phố. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lều Thọ Bách, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật và Tài nguyên môi trường, ĐH Xây dựng (Hà Nội), đây đều là những nhà máy và trạm cấp nước nằm ở vùng trũng của TP nên không tránh khỏi tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm do ứ đọng nước thải. Cơ sở cấp nước của Thủ đô từ trước đến nay chủ yếu chỉ xử lý được Sắt với Măng gan, chưa có công nghệ khử Asen.

Hiện Hà Nội có 7 công ty nước sạch với 17 nhà máy nước và 6 trạm cấp nước tập trung; chưa kể những trạm cấp nước tư nhân. Sau vụ Trạm cấp nước Mỹ Đình II bị đình chỉ hoạt động, đường ống dẫn nguồn nước sạch sông Đà 9 lần bị vỡ đã cho thấy nguồn nước ở cả cơ sở của nhà nước và tư nhân đều có nguy cơ không đảm bảo an toàn.