Phú Yên: Dân khát, nhiều công trình nước “đứng bánh”

ThienNhien.Net – Mới bước vào mùa khô, song nguồn nước sinh hoạt ở nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên đã trở nên khan hiếm. Trong khi đó, không ít công trình nước sinh hoạt tập trung tiền tỉ không còn hoạt động hoặc kém hiệu quả. Người dân phải mua từng mét khối nước dùng chắt chiu với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng trong điều kiện kinh tế khó khăn.

Nhiều người dân xã Sơn Định phải sử dụng nguồn nước suối, lắng lọc để sử dụng. (Ảnh: Phương Nam)
Nhiều người dân xã Sơn Định phải sử dụng nguồn nước suối, lắng lọc để sử dụng. (Ảnh: Phương Nam)

Cơn khát lên đến đỉnh điểm

Nắng nóng nhiều tháng qua, nhiệt độ ở tỉnh Phú Yên dao động từ 35 đến hơn 39oC, khiến các cánh đồng khô kiệt, giếng nước tự đào của người dân trơ đáy, đẩy hàng nghìn hộ lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại huyện Tuy An, khô hạn đang diễn ra gay gắt, nhiều giếng đào của người dân ở các xã An Thọ, An Hiệp đã bắt đầu khô kiệt. “Hiện giếng đào của gia đình đã cạn mạch, khoan giếng thì gặp đá. Nhiều người phải lấy nước suối về lắng lọc để sử dụng vì không còn cách nào khác”, Bà Lê Thị Sen, ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp cho biết.

Xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa có gần 500 hộ dân, là một trong những địa bàn khan hiếm nước sinh hoạt nhất tỉnh Phú Yên nhiều năm qua, nay tiếp tục tái diễn và hiện đã lên đến đỉnh điểm với khoảng 200 hộ thiếu nước sinh hoạt phải đi mua giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/m3. Điều đáng nói là hầu như nhà nào cũng có giếng đào, thậm chí có nhà từ 2 đến 3 giếng, nhưng cũng chỉ để sử dụng trong mùa mưa, còn mùa nắng thì cạn kiệt. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Hòa Bình, xã Sơn Định than thở, nhà nào cũng có giếng nhưng mùa nắng thì không có nước. Mặc dù có giếng và máy bơm nhưng tuần nào tôi cũng phải mua 2m3 nước để dùng với giá 120.000 đồng. Còn ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Hòa Nghĩa cho biết, bây giờ giếng khô hết rồi, công trình cấp nước cũng cạn, nên phải lấy nước suối về lắng lọc để dùng, chứ biết lấy nước ở đâu mà ăn uống.

Là địa bàn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người của xã Sơn Định chỉ vào khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều hộ phải đào từ 2 đến 3 giếng, chi phí hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không có nước, buộc phải mua nước sinh hoạt để sử dụng chắt chiu hàng ngày với giá cao. Ông Lê Duy Sâm ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định chia sẻ: “Đã đào nhiều giếng nhưng xuống khoảng 4m gặp toàn đá, cuối cùng cũng phải bỏ. Nay đã 73 tuổi, mất sức lao động, vợ thì ốm đau thường xuyên, lấy tiền đâu mà mua nước…”

 Nhiều người chuyển nghề sang mua nước, vận chuyển bán cho người dân. (Ảnh: Phương Nam)

Nhiều người chuyển nghề sang mua nước, vận chuyển bán cho người dân. (Ảnh: Phương Nam)

Xuất phát từ tình hình khan hiếm nước sinh hoạt, nhiều người đã chuyển đổi hình thức kinh doanh vận tải, sửa chữa ô tô lưu động… sang mua nước từ một giếng khoan duy nhất còn đủ nước bơm của một người dân trong xã với giá từ 15.000 đến 17.000 đồng/m3, bán đến từng hộ gia đình. “Giếng của người dân chỉ dùng trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 đến tháng Chạp lịch là hết nước. Tôi sắm xe ô tô để làm nghề vá lốp lưu động, nhưng do nhu cầu của bà con nên lắp thêm bồn, máy bơm để chở nước cho họ. Trong xã có 5 xe chở nước, bình quân mỗi xe một ngày chở 7 chuyến, tương đương với 14 m3”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, chủ xe vận chuyển, bán nước sinh hoạt ở xã Sơn Định, nói”.

Nhiều công trình nước bộc lộ bất cập

Xã Sơn Định được Nhà nước đầu tư 3 công trình nước tập trung, mỗi công trình trên dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, 1 công trình bơm điện đã ngưng hoạt động từ nhiều năm qua, 1 công trình bơm điện khác cấp nước cho 154 hộ dân ở các thôn Hòa Nghĩa, Hòa Thuận và Hòa Trinh cũng vừa ngưng hoạt động. Công trình này chỉ hoạt động hiệu quả vào mùa mưa, song chất lượng nước cũng không đảm bảo. Ông Phan Tiến Dạng, nhân viên vận hành Trạm cấp nước thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định cho biết, mấy tháng trời mưa, công trình nước tại thôn Hòa Nghĩa hoạt động liên tục, bảo đảm cho dân dùng, nhưng qua mùa khô thì thiếu nước và đã ngưng hoạt động từ đầu tháng 5/2015. Nguồn nước từ công trình, người dân cũng sử dụng nhưng chỉ để tắm giặt vì nước chưa qua xử lý, không đảm bảo chất lượng. Ông Trần Minh Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Định cho hay, thực trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa khô đã diễn nhiều năm qua. Trước đây, Nhà nước đã đầu tư 3 công trình nước tập trung, nhưng đến thời điểm này chỉ còn công trình nước tự chảy ở thôn Hòa Ngãi là tương đối hiệu quả. Trên địa bàn xã có hồ Hòa Thuận nước quanh năm, nhưng bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của người dân đổ dồn về. Đã có nhiều đoàn của tỉnh về kiểm tra nguồn nước ở hồ Hòa Thuận, họ cho rằng không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.

Nhiều người chuyển nghề sang mua nước, vận chuyển bán cho người dân. (Ảnh: Phương Nam)
Nhiều người chuyển nghề sang mua nước, vận chuyển bán cho người dân. (Ảnh: Phương Nam)

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng 93 công trình cấp nước tập trung với tổng kinh phí hơn 71 tỷ đồng. Trong đó, từ trước năm 2012 đầu tư xây dựng 87 công trình cấp nước tập trung nông thôn, hiện nay còn 31 công trình hoạt động bền vững, 24 công trình hoạt động bình thường, 5 công trình hoạt động kém hiệu quả và 18 công trình ngưng hoạt động. Từ năm 2012 – 2014 tiếp tục xây dựng, nâng cấp 11 công trình và đang thi công 4 công trình cấp nước tập trung nông thôn cấp nước cho 35.756 người. Trong 11 công trình đang hoạt động, có 6 công trình hoạt động bền vững, 5 công trình hoạt động bình thường cấp nước cho 6.434 người, hiện nay các công trình này tiếp tục lắp đặt đồng hồ cho các hộ dân để sử dụng.

Công trình nước thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định đã ngưng hoạt động từ tháng 5/2015. (Ảnh: Phương Nam)
Công trình nước thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định đã ngưng hoạt động từ tháng 5/2015. (Ảnh: Phương Nam)

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Phú Yên mới đây, nguyên nhân là do công tác khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước có nhiều bất cập, chưa phù hợp, thiếu tính bền vững… nên sau vài năm sử dụng, nguồn nước bị thay đổi, chất lượng nước không đảm bảo. Ngoài ra, một số công trình không có nguồn nước hoặc có nhưng không đủ để khai thác, đặc biệt là vào mùa khô, dẫn đến không phát huy hiệu quả hoặc hiệu quả thấp gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Trong đó, công trình nước sinh hoạt tập trung thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định là một ví dụ: “Theo tôi, giếng chứa nước của công trình nước thôn Hòa Nghĩa phải được đặt dưới thấp (trong ao), nhưng mấy ổng lại đặt trên cao nên khả năng tích tụ, chứa nước rất ít lại rút nhanh nên bị khô kiệt vào mùa khô”, ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định phân trần.

Từ thực tế trên, huyện Sơn Hòa vừa khoan thử nghiệm một giếng có độ sâu hơn 170m, kinh phí 135 triệu đồng, cung cấp đủ nước cho trụ sở xã Sơn Định, trường tiểu học, trạm y tế và một số hộ dân quanh vùng. Ông Trần Minh Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Định cho biết, đang vận động mỗi điểm từ 4 đến 7 hộ dân góp tiền, kết hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước khoan một giếng đào dùng chung, đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, chấm dứt thực trạng khan hiếm nước như hiện nay. Đây cũng là mong muốn của nhiều hộ gia đình ở xã Sơn Định từ nhiều năm qua.