Nghịch lý dư thừa vaccine ở nước giàu

Dù gửi tặng hoặc bán bớt cho những nước có nhu cầu số vaccine Covid-19 không kịp sử dụng, một số quốc gia giàu có lại vẫn tìm cách mua thêm để chuẩn bị tiêm mũi thứ 3.

Trong bài đăng ngày 21/7, Nikkei Asia đã khảo sát lượng vaccine được mua và sử dụng tại 33 quốc gia, bao gồm Mỹ, các quốc gia châu Âu và Ấn Độ nhằm tìm hiểu về lượng vaccine còn tồn đọng.

Trong số 390 triệu liều vaccine đã chuyển đến các địa điểm tiêm chủng, mới có khoảng 340 triệu liều được tiêm cho người dân Mỹ, còn 50 triệu liều chưa được sử dụng.

Châu Âu còn khoảng 80 triệu liều vaccine chưa được sử dụng, trong đó có 10,6 triệu liều tại Pháp. Canada đã sở hữu lượng vaccine đủ để đảm bảo tiêm cho toàn bộ người dân.

Tuy thừa mứa vaccine, những nước này lại không thể sử dụng hết, một phần do người dân do dự tiêm chủng. Do đó, họ đang tìm cách gửi tặng, hỗ trợ hoặc bán bớt vaccine Covid-19 trước khi hết hạn.

Song song với đó, nhiều nước trong số này lại đang mua thêm vaccine. Một số quốc gia lo lắng khả năng miễn dịch của người đã tiêm đủ 2 mũi suy giảm trước biến chủng Delta, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước giàu nên hoãn kế hoạch tiêm mũi 3 để ưu tiên vaccine cho các nước đang phát triển, vốn đang chật vật để triển khai tiêm chủng vì thiếu vaccine.

Quá nhiều vaccine, không có đủ chỗ để bảo quản

Theo CBC, hiện Canada dự trữ 3 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna. Nhiều tỉnh hiện yêu cầu chính phủ đợi cho đến khi địa phương sẵn sàng tiếp nhận thêm vaccine Covid-19.

Còn Đức gặp một vấn đề nan giải khác. Họ có quá nhiều vaccine và không biết phải dự trữ ở đâu, theo Der Spiegel.

Mới vài tuần trước, hẹn lịch tiêm tại Đức giống như việc chơi xổ số. Vậy mà giờ đây, các trung tâm tiêm chủng đang phải tăng lịch tiêm. Tủ lạnh tại đây chất đầy những lọ vaccine chưa sử dụng.

Ngày 26/7, tài liệu Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn gửi tới lãnh đạo cơ quan y tế các bang có nêu “vì số lượng vaccine sẵn có hiện cao hơn nhu cầu sử dụng, chính phủ liên bang sẽ không liên tục chuyển vaccine tới các bang nữa”. Số vaccine phân phối cho tiểu bang sẽ không dựa trên dân số, mà dựa trên nhu cầu từng khu vực.

Theo Viện Robert Koch (RKI), trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức, tính đến ngày 25/7, 106 triệu liều đã được phân phối, nhưng mới chỉ sử dụng 90 triệu liều.

Thanh thiếu niên Mỹ xếp hàng đợi tiêm vaccine. Ảnh: Reuters.

Tại bang ở miền Nam Baden-Württemberg, 4.000 liều vaccine có nguy cơ phải vứt bỏ. Với bang Saarland ở phía tây nam, con số này là 6.000. Bang Schleswig-Holstein ở phía tây bắc đã phải loại bỏ 2.480 liều AstraZeneca do hết hạn từ ngày 30/7.

Tại bang Hessen ở miền Trung, khoảng 200.000 liều vẫn còn tồn ở trong kho và hết hạn sớm nhất vào tháng 10.

Tại Mỹ, tình trạng này diễn ra tại bang Alabama. Theo AP, bang này đã phải vứt bỏ đi 650.000 liều vaccine do hết hạn sử dụng. Hiện bang Alabama xếp cuối cùng trong danh sách tiêm chủng tại Mỹ, với 34% dân số chủng ngừa đầy đủ.

Điều tương tự cũng đã xảy ra ở một số quốc gia châu Phi. Theo Insider, WHO cho biết khoảng 1,25 triệu liều AstraZeneca tại 18 nước châu Phi sẽ hết hạn nếu không được sử dụng trước cuối tháng 8.

Tặng hoặc bán bớt vaccine dư thừa

Vấn đề giải quyết tình trạng vaccine dư thừa cũng xảy ra ở các quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Cả Romania và Bulgaria đang tìm cách tẩu tán số lượng vaccine chưa sử dụng khi không thể cung cấp cho người dân.

Gần đây, theo Euobserver, Romania đã ký một thỏa thuận bán vaccine chưa sử dụng với Ireland, khi mà Romania mới chỉ có 25% dân số tiêm chủng đầy đủ. Theo thông báo trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ireland Micheál Martin cho biết hai bên đã đạt được thảo thuận mua 700.000 liều vaccine Covid-19.

Các loại vaccine sẽ được chuyển tới Ireland trong suốt tháng 8, đồng thời nhận cung cấp trực tiếp từ Pfizer, dưới hình thức phân phối lại liều lượng do Romania đặt hàng ban đầu.

Trước thỏa thuận với Ireland, Romania cũng đã bán 1,1 triệu liều vaccine Pfizer cho Đan Mạch. Bên cạnh đó, nước này còn tặng gần nửa triệu liều vaccine cho nước láng giềng Moldova, Serbia và Ukraine.

Vào tháng 6, Romania đã phải bỏ đi 43.000 mũi tiêm AstraZeneca vì hết hạn sử dụng.

Vaccine Covid-19 đến Sân bay Quốc tế Kigali ở Rwanda. Ảnh: Unicef.

Bulgaria chủ yếu hỗ trợ các loại vaccine chưa sử dụng cho các nước láng giềng phía tây Balkan.

Đầu mùa hè này, Bộ trưởng Y tế Stoicho Katsarov cho biết 150.000 liều vaccine Covid-19, chủ yếu là AstraZeneca, sẽ được cung cấp miễn phí cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Bắc Macedonia, Albania, Kosovo và Bosnia.

Không chỉ hỗ trợ trong châu Âu, chính phủ Bulgaria sẽ hỗ trợ 172.500 liều AstraZeneca cho Vương quốc Bhutan.

Thừa vaccine, nhưng vẫn mua thêm

Với Đức, nước này đang hào phóng tặng những liều vaccine của AstraZenaca và Johnson&Johnson. Đầu tháng 7, chính phủ liên bang Đức đã quyết định tài trợ ít nhất 30 triệu liều vaccine cho nhiều quốc gia khác vào cuối năm nay.

Khoảng 80% trong số này sẽ tặng thông qua cơ chế COVAX. 20% còn lại quyên góp thông qua thỏa thuận song phương với Ukraine, Moldova, Belarus, Armenia, Namibia và Azerbaijan.

Tuy nhiên, Đức lại đang tổ chức thêm các kho lưu trữ khổng lồ và hệ thống đông lạnh cho vaccine mRNA để nhận thêm khoảng 70 triệu liều vaccine từ Moderna và Pfizer vào quý III. Nước này dự tính tiêm thêm mũi thứ 3 cho đối tượng có nguy cơ cao vào mùa thu tới.

Theo CBC, vào ngày 12/7, Canada thông báo hỗ trợ 17,7 triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX. Trong khi đó, theo Reuters, nước này vừa đạt thỏa thuận mua 125 triệu liều vaccine Pfizer, cung cấp từ nay cho đến năm 2023.

Dù thừa vaccine, các nước phát triển vẫn tìm cách dự trữ thêm. Ảnh: AFP.

Guardian dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Airfinity cho biết dù chỉ cần 256 triệu liều để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng và tiêm bổ sung cho nhóm người dễ bị tổn thương, khoảng 467 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được chuyển đến Vương quốc Anh vào cuối năm 2021.

Ngoài ra, với Liên minh châu Âu (EU), Pfizer cũng đồng ý cung cấp cho khối 1,8 tỷ liều vaccine tới năm 2023. Thỏa thuận mới của EU xây dựng dựa trên 600 triệu liều mà Pfizer đồng ý giao trong năm nay.

Theo Bernstein Research, nguồn cung mới sẽ đủ cho 450 triệu công dân của khối tiêm 4 liều Pfizer.

Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa nguồn vaccine, EU cũng đặt mua thêm 200 triệu liều của Novavax nếu hãng dược này được phê duyệt.

Các nước thành viên EU có thể mua 100 triệu liều vaccine Novavax, và được quyền lựa chọn mua thêm 100 triệu liều nữa cho tới năm 2023.