Chủ động ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn

Ngay từ đầu năm 2021, cần tập trung theo dõi, tính toán, dự báo kịp thời về phạm vi, mức độ hạn hán, xâm nhập mặn để ứng phó.

Dự báo sớm khả năng hạn hán, xâm nhập mặn

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỉ mét khối, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó có hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, sông Hồng với trên 50% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Dự báo năm 2021 hạn hán và xâm nhập mặn có thể xảy ra gay gắt tại miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL. Ảnh: PCTT

Nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, lũ năm 2020 thấp, tổng lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021 có khả năng thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm, như vậy, mùa khô năm 2020-2021, xâm nhập mặn ở mức gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, có thể tương đương năm 2015-2016, thậm chí năm 2019-2020.

Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, nguồn nước về ĐBSCL có 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mê Kông, chỉ có 5% từ nội sinh trong nước, trong thời kỳ mùa khô, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông.

Do đó, các địa phương ở vùng ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn, triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện nguồn nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại và cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Dự báo của cơ quan phòng chống thiên tai cũng cho biết, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan tạo ra những biến đổi khó lường gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở một số tỉnh, như Ninh Thuận, Bình Thuận; nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm ngập mặn ở nhiều tỉnh, nhất là Tây Nam Bộ gây thiệt hại lớn đến sản xuất, nhiều vùng nước ngọt sinh hoạt thiếu nghiêm trọng. Dự báo năm nay, tình trạng khí hậu khắc nghiệt có thể xảy ra.

Chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và thiên tai nguy hiểm

Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhấn mạnh, trong năm 2021, ngành thủy lợi sẽ tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi; trình Chính phủ cho triển khai xây dựng Nghị định Quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo, điều hành, vận hành khai thác công trình thủy lợi đảm bảo an toàn hồ chứa, cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Đặc biệt, trong năm 2021, ngành sẽ tham mưu triển khai các dự án đầu tư, giai đoạn 2021-2025 cho các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên.

Bên cạnh đó, ngành Thủy lợi sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm cấp bách phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống úng, ngập đảm bảo an toàn công trình, hồ đập. Triển khai dự án mở mới về về sửa chữa và nâng cao an toàn đập, hồ chứa thủy lợi kết hợp tưới thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 và Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 14 tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ do World Bank tài trợ.