Hà Nội: “Rác tặc” tái xuất

Những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác, phế thải xem ra chưa đem lại những chuyển biến rõ rệt. Thực tế cho thấy, sau 2 tháng triển khai lực lượng đã hạn chế phần nào nạn đổ trộm rác, phế thải tại các khu vực đường vành đai, thì “rác tặc” lại xuất hiện nhiều tại các tuyến nội đô.

Rác “bóp” hẹp đường phố

7h30 ngày 14/06, sau nhiều giờ đi khảo sát thực tế nạn đổ trộm rác, phế thải trên địa bàn thành phố, đến đường Hoàng Tích Trí, con đường nhỏ nối giữa đường Lương Đình Của và Phạm Ngọc Thạch này lâu nay đã có tiếng trên “bản đồ” về “rác tặc”, trước mắt chúng tôi là đống phế thải xây dựng được rải hàng chục mét, “bóp” hẹp 1/2 làn đường lưu thông, vây kín trước lối vào sân vận động Kim Liên.

Theo người dân ở đây, đống phế thải này mới hình thành từ sáng sớm, do các phương tiện chở vật liệu xây dựng đổ trộm. Một điều lạ, đống đất được đổ chỉ cách điểm trung chuyển, tập kết rác thải cầu Đông Tác chưa đầy 1km.

Dạo quanh nhiều tuyến phố trong những ngày vừa qua: đường Tam Trinh, đường Hào Nam, phố Phan Kế Bính…, tình trạng đổ trộm rác, phế thải, đặc biệt là phế thải xây dựng vẫn diễn ra một cách ngang nhiên.

Tại phố Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, rác thải xây dựng được đổ tràn xuống lòng sông Tô Lịch, chặn gần một nửa dòng chảy con sông này.

Trung tá Nguyễn Việt Tiến – Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường – CATP Hà Nội cho biết: sau một thời gian các cơ quan chức năng triển khai lực lượng lập lại trật tự, nạn đổ trộm rác, phế thải tại các điểm “nóng” vành đai đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên nạn đổ trộm rác, phế thải tại các tuyến đường nội đô đang có dấu hiệu “nóng” lên…

Chưa đánh giá đúng thực tế

Theo số liệu mới công bố của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 3.200 phương tiện đã hoán cải để chuyên chở đất thải, phế thải xây dựng, vật liệu rời… Tuy nhiên, hiện thành phố mới thành lập được 15 điểm trung chuyển, tập kết rác, phế thải, với năng lực tiếp nhận hạn chế.

Các công trình xây dựng quy mô lớn, hiện trông chờ cả vào 2 điểm đổ tại bãi Yên Sở, quận Hoàng Mai và Vân Nội, huyện Đông Anh. Cùng với 410 điểm xây dựng phát sinh rác thải như hiện nay, thực tế cho thấy, nhu cầu đổ đất phế thải ở thành phố là rất lớn.

Đó là chưa kể tới, hàng trăm, hàng nghìn đội quân cửu vạn, đều đặn chở phế thải bằng xe thồ, len lỏi đổ trộm tại các ngõ, ngách trong thành phố.

Qua thời gian triển khai kế hoạch liên ngành, ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác, phế thải, một điều dễ dàng nhận thấy, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Đó chính là nguyên nhân khiến “rác tặc” sau ít ngày bị “xua” đi, đã nhanh chóng trở lại. Một điều cũng cần nói tới, trong quy định để cấp phép xây dựng có nêu rõ, phải có hợp đồng thu dọn phế thải…, tuy nhiên, quy định này vẫn nặng về hình thức, hầu như ít nơi thực hiện.

Theo Trung tá Nguyễn Việt Tiến – Phó phòng Cảnh sát môi trường, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm quyết liệt, ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác, phế thải tại “gốc”.

Đó là siết chặt quản lý nguồn thải, rằng buộc trách nhiệm với các cơ sở xây dựng, nếu cơ sở nào không thực hiện việc ký hợp đồng vận chuyển phế thải với các đơn vị có trách nhiệm sẽ bị kiên quyết xử lý. Chỉ có làm được vậy, nạn đổ trộm rác phế thải mới có thể được ngăn chặn.