Còn nhiều thách thức trong xử lý ô nhiễm và suy thoái đất

ThienNhien.Net – Xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhân tạo và tự nhiên mà tài nguyên đất của nước ta đang ngày càng bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng. Ô nhiễm đất không chỉ tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản mà còn ảnh hưởng gián tiếp tới sức khỏe con người và động vật. Nhiều năm qua, chính phủ đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách bảo vệ môi trường đất thông qua các kế hoạch hành động và biện pháp phục hồi, xử lý, tuy nhiên hiệu quả thực hiện các chính sách này vẫn chưa cao do gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý và phân bổ nguồn tài chính.

Thc trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái đất

Theo niên giám thống kê năm 2009, tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước là trên 33 triệu ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 26,1 triệu ha; đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp 3,7 triệu ha; 3,3 triệu ha còn lại là tổng diện tích đất chưa được đưa vào sử dụng.

Điểm đáng lưu ý là phần lớn số diện tích chưa được sử dụng đều đã và đang bị suy thoái, hoang mạc hóa hoặc bị mất giá trị sử dụng do không được khai thác hợp lý. Không ít diện tích đất thuộc quỹ đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng trước xu hướng gia tăng dân số và phát triển đô thị, công nghiệp.

Ô nhiễm môi trường đất là sự biến đổi các thành phần của đất không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường. Còn suy thoái môi trường đất là sự suy giảm về chất lượng, số lượng thành phần đất. Cả hai hình thức đều do các nguyên nhân nhân tạo và tự nhiên gây nên.

Điều quan ngại là ngày càng nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ mục đích phát triển đô thị, khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Thống kê của Hội khoa học đất Việt Nam từ năm 2000 – 2007 cho thấy, con số này ước chừng lên tới trên 70.000 ha mỗi năm và có xu hướng ngày càng tăng cao trong thời gian tới.

Trên thực tế, dù đất được sử dụng cho mục đích nông nghiệp hay phi nông nghiệp thì đều bị ô nhiễm ở mức độ nhất định. Nếu như trong nông nghiệp, việc sử dụng không hợp lý lượng phân bón hóa học hoặc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đều có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí thì trong hoạt động công nghiệp, xây dựng và dân sinh, mức độ ô nhiễm nhiều khi còn đáng lo ngại hơn. Các hoạt động này không chỉ làm tồn đọng nhiều kim loại nặng khó phân hủy như chì, kẽm, đồng, ni ken, cadimi… mà còn gây phát thải nhiều loại khí, phóng xạ nguy hiểm, các chất thải xây dựng độc hại như gạch, ngói, thủy tinh, ống nhựa, bê tông, đặc biệt là các chất gây ô nhiễm đất ở mức độ cao như chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, công nghiệp sản xuất pin, thuộc da, công nghiệp sản xuất hóa chất.

Bên cạnh các hoạt động gây ô nhiễm nêu trên, lượng hóa chất tồn lưu sau chiến tranh cũng là nguồn ô nhiễm độc hại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đất. Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010, có đến 77 triệu lít chất diệt cỏ đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, trong đó các chất da cam chứa hàm lượng lớn chất siêu độc dioxin chiếm gần một nửa. Khu vực bị nhiễm dioxin chủ yếu tập trung tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt là tại các khu vực sân bay quân sự. Hơn 40 năm sau chiến tranh, nồng độ dioxin tại nhiều vùng đã giảm mạnh, tuy nhiên tại các khu vực trọng điểm thì hàm lượng chất độc này vẫn còn rất cao, ở mức trên 300.000 ppt TEQ.

Nước bẩn ứ đọng tại bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất, nước và không khí (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Lo ngại không chỉ đến với các tác nhân gây ô nhiễm đất mà các tác nhân gây suy thoái đất cũng xuất hiện phổ biến và phức tạp, bao gồm các yếu tố tác động tổng thể như biến đổi khí hậu, rửa trôi, xói mòn đất và hoang mạc hóa. Trong đó, mỗi vùng miền lại có những đặc trưng suy thoái đất khác nhau, đơn cử như vùng núi với địa hình dốc, chia cắt mạnh nghiêng về xu hướng xói mòn nhiều hơn, các vùng từ Quảng Bình đến Bình Thuận thì gia tăng xu hướng hoang mạc cát, vùng ĐBSCL nghiêng về hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn. Riêng yếu tố biến đổi khí hậu thì tác động toàn cục, không phân biệt không gian địa lý hay lĩnh vực hoạt động, tuy nhiên khu vực chịu ảnh hưởng hơn cả vẫn là ĐBSCL, nơi đang phải đối phó với nguy cơ nước biển dâng và xâm nhập mặn.

Chính sách ứng phó của Việt Nam

Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” với mục tiêu xử lý dứt điểm 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào năm 2007 và 3.856 cơ sở còn lại vào năm 2012 – dựa trên số liệu thống kê đến năm 2002. Kèm theo quyết định là lộ trình xử lý theo từng giai đoạn, các biện pháp xử lý, cách thức thực hiện và danh sách các cơ sở được thống kê.

Liên tục trong các năm tiếp theo, Luật Đất đai 2003, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Bảo vệ môi trường 2005 lần lượt được ra đời. Các luật đều nêu ra những quy định liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ môi trường đất, đặc biệt Luật Bảo vệ môi trường còn quy định nhóm tiêu chuẩn môi trường đối với đất phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau; quy định gián tiếp về các nguồn thải vào đất như nước thải, khí thải, chất thải rắn; đưa ra các chế định khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, các căn cứ pháp lý cho việc thực hiện dự án liên quan…

Đến 2008, Thủ tướng tiếp tục ban hành quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Quyết định 71/2008/QĐ-TTg nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau hoạt động khai thác khoáng sản. Mọi tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản theo đó sẽ phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước khi tiến hành khai thác, thực hiện việc ký quỹ dựa trên quy mô khai thác, tác động xấu đối với môi trường, đặc trưng từng vùng mỏ và các chi phí cần thiết khác.

Quyết định này sau đó được Bộ TN&MT quy định chi tiết tại Thông tư 34 /2009/TT-BTNMT về quy định về lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận dự án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong hai năm 2009 và 2010, quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước cũng được Thủ tướng phê duyệt tại Nghị định 117/2009/NĐ-CP và Quyết định 1946/QĐ-TTg.

Ngoài những quy định trực tiếp nêu trên, chính sách bảo vệ đất ở Việt Nam còn được lồng ghép trong nhiều chính sách liên quan khác như Công ước Ramsar được Việt Nam gia nhập từ năm 1989; Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) Việt Nam gia nhập từ 1998; Nghị định của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước 2003…

Tuy không ít chính sách, quy định liên quan đến bảo vệ môi trường đất đã được ban hành song sở dĩ công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và phân bổ tài chính, đặc biệt là vấn đề huy động kinh phí trong việc xử lý ô nhiễm tồn lưu trong đất. Nguồn kinh phí hiện nay chủ yếu trông chờ vào các khoản hỗ trợ của nhà nước và một phần rất nhỏ trong các quỹ môi trường cũng như các quỹ của địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương không thể tự trang trải khoản kinh phí khổng lồ này nên đã kiến nghị các bộ ngành xem xét hỗ trợ.

Và kinh nghiệm chia sẻ từ CHLB Đức

Tại buổi tọa đàm “Các công cụ bảo vệ đất đai và xử lý ô nhiễm tồn lưu trong đất” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức mới đây, các chuyên gia đến từ Cộng hòa liên bang Đức đã chia sẻ tổng thể các kinh nghiệm cả về mặt chính sách, kĩ thuật và tài chính trong vấn đề xử lý ô nhiễm tồn lưu trong đất.

Tại Đức, nhiệm vụ xử lý, cải tạo ô nhiễm tồn lưu được giao cho các bang phụ trách, mỗi bang đưa ra các quy định riêng phù hợp với từng điều kiện và hoàn cảnh. Từ năm 1998, Bộ luật liên bang về bảo vệ đất được hình thành và chỉ một năm sau đó, Pháp lệnh liên bang về đất được xây dựng dựa trên cơ sở cụ thể hóa Bộ luật từ năm 1998.

Quy trình xử lý ô nhiễm tồn lưu cũng được phân định rạch ròi theo 5 bước, bao gồm: nghi ngờ (một khi diện tích đất có sự tiếp cận với các chất độc hại), thu thập tài liệu (qua lịch sử, bản đồ); xác định/ nhận định về mức độ nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường; xử lý, cải tạo (loại bỏ hoặc đóng kín diện tích, cố định hóa chất độc hại trong đất được ổn định); và sự chăm sóc sau cải tạo.

Điểm đáng lưu ý là ở Đức, các bang không chỉ khoanh vùng các diện tích bị ô nhiễm, suy thoái để xử lý mà còn xác định cả những khu vực có sự nghi vấn về ô nhiễm tồn lưu (do chưa có điều kiện thăm dò) nhằm giúp các chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng cẩn thận hơn trước khi sử dụng diện tích đất đó. Con số này được xác định vào khoảng 300.000 điểm, trong đó điểm tập trung ở diện tích đất công nghiệp trước đây khoảng 210.000 điểm; còn lại là các bãi lưu trữ phế thải cũ. Hiện có khoảng 25.000 điểm đã được xử lý và các điểm chắc chắn ô nhiễm tồn lưu, buộc phải xử lý là 15.000.

Do quy định các bang tự chịu trách nhiệm trong vấn đề xử lý ô nhiễm tồn lưu nên mỗi bang đều ban hành Hiệp ước bang riêng, trong đó quy định việc thành lập quỹ riêng (viết tắt là GAB) dành cho việc xử lý ô nhiễm tồn lưu. Cơ cấu vốn của Quỹ bao gồm 50% do bang đóng góp, 25% do hiệp hội phường, xã đóng góp, 25% do hiệp hội thị trấn đóng góp. Việc đề ra quy định này sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của người dân trên địa bàn trong việc xử lý các điểm ô nhiễm.

Thành công quan trọng trong việc xử lý ô nhiễm tồn lưu tại Đức được đánh giá một phần là do các bang có thể chủ động được về kinh phí. Điều này hoàn toàn khác với sự thụ động của các địa phương ở Việt Nam, bởi cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có quy định thống nhất, hoàn chỉnh về tài chính dành riêng cho công tác này, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong việc xử lý ô nhiễm.

Thiết nghĩ, để thúc đẩy hoạt động xử lý ô nhiễm tại Việt Nam, chúng ta cần đầu tư hơn nữa nguồn kinh phí cho công tác này, đồng thời đẩy mạnh nhiệm vụ quản lý các điểm ô nhiễm tồn lưu trong đất và nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm đất đạt hiệu quả.