92 doanh nghiệp lớn Nhật Bản kiến nghị nâng mục tiêu năng lượng tái tạo

Ngày 18/1, nhóm Sáng kiến Khí hậu Nhật Bản gồm 92 công ty lớn nhất nước này về bảo hiểm, điện tử, thực phẩm và đồ uống đã kiến nghị Chính phủ nâng gấp đôi mục tiêu về năng lượng tái tạo năm 2030.

Nhật Bản sẽ giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân, nhiên liệu hóa thạch và chuyển mạnh theo hướng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa: asia.nikkei.com)

Năm 2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đề ra thời hạn năm 2050 nước này sẽ hoàn thành mục tiêu trung hòa khí CO2. Tuy nhiên, mục tiêu ngắn hạn hơn về năng lượng tái tạo của Nhật Bản lâu nay bị chỉ trích là chậm trễ.

Hiện Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 sản lượng điện Mặt Trời, điện gió và các nguồn tái tạo khác chiếm từ 22-24% sản lượng điện của nước này. Mục tiêu được đề ra cách đây 3 năm và dự kiến sẽ sớm được đánh giá lại khi Chính phủ Nhật Bản sửa đổi chiến lược về năng lượng.
Trong một tuyên bố, nhóm các công ty lớn nói trên, trong đó có Sony, Panasonic, Nissan… hối thúc Chính phủ Nhật Bản tăng gấp đôi mục tiêu trên lên mức 40-50%.

Nhóm này nhấn mạnh để Nhật Bản trở thành một trong những nước dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu, mục tiêu về năng lượng tái tạo phải được nâng lên mức tham vọng hơn.

Các công ty khẳng định mục tiêu mới sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo, cho phép các công ty đóng vai trò lớn hơn trong môi trường doanh nghiệp toàn cầu hiện đang đẩy nhanh việc giảm phát thải khí carbon.

Năm 2017, tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Nhật Bản chiếm khoảng 17%. Theo một số ước tính, có thể năm ngoái nước này đã hoàn thành mục tiêu của năm 2030, nhờ tăng trưởng ngành năng lượng xanh đồng thời nhu cầu đi lại giảm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), năm 2019 Nhật Bản chi 16,5 tỷ USD cho ngành năng lượng tái tạo, trở thành nước đầu tư nhiều thứ 4 thế giới vào ngành này, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức đầu tư của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011 tại nhà máy Fukushima, buộc tất cả các lò phản ứng hạt nhân phải dừng hoạt động tạm thời.

Kể từ đó, Nhật Bản đã nỗ lực cắt giảm khí thải CO2, với việc giữ sản lượng điện tạo ra từ than đá ở mức 33% và gần 40% từ các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng.

Nguồn: