WB hạn chế rót vốn cho nhiệt điện

ThienNhien.Net – Theo các nguyên tắc được đề xuất, chỉ có những nước thuộc hàng nghèo nhất mới có cơ hội nhận các khoản đầu tư từ Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá.

Đề xuất mới từ sức ép của các nhà vận động “xanh”

Thể hiện sự nhượng bộ trước sức ép từ phía các nhà vận động chiến dịch xanh muốn triệt để sửa đổi hệ thống nguyên tắc đầu tư tài chính của WB, Ngân hàng này đang lên kế hoạch hạn chế đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá.

(Ảnh: Petr Josek/REUTERS)

Tất nhiên, các nguyên tắc được đề xuất không có nghĩa là WB sẽ chấm dứt đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch. Đây chỉ là sự điều chỉnh các quy định trước đó.

Theo quy định trước đây, mặc cho nhiều chính phủ và các nhóm bảo vệ môi trường lên tiếng phản đối, Ngân hàng vẫn cung cấp khoản hỗ trợ tài chính đáng kể cho các nhà máy nhiệt điện ở các nước đang phát triển.

Còn trên cơ sở những nguyên tắc vừa đề xuất thì chỉ những nước thuộc hàng nghèo nhất mới có cơ hội nhận các khoản viện trợ hoặc vay nợ để xây dựng nhà máy nhiệt điện mới. Thêm nữa, những quốc gia này còn phải chứng minh được rằng các nhà máy nhiệt điện nói trên đối với họ là vô cùng cần thiết và rằng các loại hình năng lượng thay thế, như năng lượng tái tạo trong khả năng của họ là không thể thực hiện được.

Phản ứng từ giới bảo vệ môi trường

Hiện Ngân hàng đang tiến hành thảo một chiến lược năng lượng hoàn toàn mới, một phần xuất phát từ sự lo ngại rằng các hoạt động đầu tư tài chính hiện tại đang ưu tiên đầu tư cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Những đề xuất dự thảo mới đều tập trung nhấn mạnh tiềm lực của các nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, những đề xuất này chưa đủ để xoa dịu sự phản đối của các nhà vận động môi trường, họ cho là chúng vẫn chưa thỏa đáng. Bà Alison Doig, cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu của Tổ chức từ thiện Christian Aid bày tỏ: “Dự thảo chiến lược thật đáng thất vọng. Cứ như thể WB đang cố gắng đánh bóng uy tín bảo vệ môi trường cho mọi hoạt động trong khi cuối cùng, WB vẫn tiếp tục kinh doanh bê bối”.

Bà nói tiếp: “Trong khi đề ra lệnh cấm cho các nước có thu nhập trung bình vay tiền thì Ngân hàng này vẫn không ngừng đầu tư cho nguồn nhiên liệu hóa thạch ở các nước nghèo nhất, đẩy họ tới một tương lai tiêu thụ nhiều các-bon. Xét cho cùng, điều này có nghĩa là WB có thể chỉ đi đến chỗ đầu tư nhiều hơn bao giờ hết cho năng lượng hóa thạch, bởi vì họ có ý định tiếp tục ủng hộ các dự án “bẩn” như thế ở các quốc gia nghèo nhất”.

Cố vấn A.Doig còn cho biết: “Chiến lược dự thảo đã mô tả một cách thống thiết hoàn cảnh khó khăn của trên 2 tỷ người đang sống trong tình trạng thiếu năng lượng, nấu nướng bằng những ngọn lửa đầy khói và không hề biết đến ánh sáng của đèn điện, cũng không có điện để phục vụ cho những hoạt động kinh doanh nhỏ. Tuy vậy, nó có vẻ mập mờ trong việc giải quyết vấn đề này như thế nào và đặt ra mục tiêu quá ngắn để biến mong muốn – chỉ còn dưới 2% số người chưa được dùng điện – thành hiện thực”.

Bảng “thành tích” đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch của WB chính là đích ngắm của các nhà vận động chiến dịch xanh. Năm ngoái, quyết định của WB viện trợ cho Công ty Eskom thuộc Nam Phi gần 2,5 tỷ bảng để xây dựng một trong những nhà máy nhiệt điện lớn nhất thế giới đã bị phản đối quyết liệt.

Trong vòng 6 tháng đầu năm 2010, Ngân hàng Thế giới đã chi 3,4 tỷ bảng – chiếm ¼ khoản chi dành cho các dự án năng lượng – cho năng lượng điện sử dụng than đá ở các quốc gia đang phát triển. Con số đó nhiều gấp 40 lần tổng đầu tư 5 năm về trước.

Thêm nữa, nỗ lực đầu tư  cho các dự án về biến đổi khí hậu của Ngân hàng này cũng bị công kích. Theo Hiệp ước Copenhagen (năm 2009), WB có thể bị buộc tội vì đã phân tán hàng tỷ tiền đầu tư mà các nước giàu muốn giúp nước nghèo đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính.

Bà Doig nói thêm: “Có vẻ như Ngân hàng Thế giới nghĩ là họ có thể tự quản lý các quỹ khí hậu mới trên thế giới trong khi vẫn không ngừng cung cấp vốn cho hướng phát triển các-bon cao. Thay vì như thế, WB nên tìm ra một chiến lược minh bạch và khả thi để tăng cường phát triển các nền kinh tế xanh, nơi có thể giúp đỡ những quốc gia đang phát triển lựa chọn được những loại hình công nghệ phù hợp trong thế kỷ 21 này”.

Việc chính thức thông qua những đề xuất mới này chắc chắn cũng phải mất thời gian vài tháng.