Nước đang phát triển đầu tư cho năng lượng tái tạo nhiều hơn nước giàu

ThienNhien.Net – Năm 2015 là năm kỷ lục của lĩnh vực năng lượng tái tạo cả về đầu tư và xây dựng. Năng lượng tái tạo là lĩnh vực công nghiệp mới với nhiều triển vọng, có thể tăng trưởng tốt trong những năm tới nếu không có biến cố kinh tế to lớn nào như khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Anh: qz.com
Anh: qz.com

Tổng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo toàn thế giới năm 2015 là 285,9 tỷ USD – Con số này được đưa ra trong Báo cáo Hiện trạng Năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2016 do REN 21 – một mạng lưới theo dõi, đánh giá tình hình phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu, thực hiện.

Báo cáo của REN 21 đưa ra nhiều con số đáng ngạc nhiên về quy mô, tình hình đầu tư cho năng lượng tái tạo giữa các quốc gia.

Theo Báo cáo, năm 2015 là năm có sản lượng điện năng lượng tái tạo toàn thế giới cao chưa từng có với 147GW điện. Cũng trong năm này, lần đầu tiên trong lịch sử việc đầu tư vào năng lượng tái tạo của các nước đang phát triển vượt mức đầu tư của các nước phát triển.

Theo đó, các nước đang phát triển đã đầu tư 165 tỷ USD cho năng lượng tái tạo trong năm 2015, tăng 19% so với năm trước đó, nhiều hơn khoản đầu tư của tất cả các nước phát triển cộng lại trong cùng năm. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi đầu tư nhiều tiền và phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo nhất.

Nguồn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo trong năm 2015 của các quốc gia phát triển giảm khoảng 8% so với năm ngoái, đặc biệt là ở Châu Âu, một phần vì thị trường điện năng lượng tái tạo ở những khu vực này đã trở nên bão hòa và phần vì những khó khăn trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào mạng lưới điện hiện có.

Các nước đang phát triển có nhu cầu lớn với các nguồn năng lượng mới và linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng bởi chính sự hạn chế về cơ sở hạ tầng lại cho phép các hệ thống mới phát triển dễ dàng để có thể khai thác nguồn năng lượng rải rác ở nhiều nơi, thay vì chỉ một nguồn năng lượng tập trung.

Giá dầu giảm mạnh trong hai năm qua và đi cùng nó là giá nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh tưởng như có thể làm nản lòng giới đầu tư cho năng lượng tái tạo nhưng điều này đã không diễn ra trong thực tế. Giá dầu giảm đã tác động đến cả hai yếu tố: lợi nhuận ít ỏi còn lại từ nhiên liệu hóa thạch cùng với sự suy giảm trong cấu trúc ngành công nghiệp này đã khiến dòng tiền đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch tăng lên.

Bà Christine Lins, Thư ký điều hành REN 21 nói: “Những con số từ kết quả nghiên cứu là rất có ý nghĩa vào thời điểm mà giá nhiên liệu hóa thạch gần như ở mức thấp nhất trong lịch sử và năng lượng tái tạo vẫn gặp bất lợi đáng kể về các trợ cấp chính phủ. Hiện mỗi USD chi để thúc đẩy năng lượng tái tạo thì có tới gần 4 USD đã được chi để duy trì sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch”.