Quảng Nam, Đà Nẵng “nóng” tình trạng khai thác đất, cát (Kỳ 2)

Bài 2: Họp khẩn để “hạ nhiệt”

ThienNhien.Net – Chỉ trong thời gian ngắn, đã có nhiều người chết đuối khi lọt vào những “hố tử thần” mà các doanh nghiệp khai thác cát tạo nên trên sông Vu Gia. Trong các ngày 4 và 6-5, trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra theo chiều hướng ngày càng “nóng” lên trên sông Vu Gia – Thu Bồn, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành bàn biện pháp siết chặt công tác quản lý nguồn nguyên vật liệu cát, sỏi phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. Trong nhiều giải pháp được đưa ra thì phương án lập trạm kiểm soát chống nạn khai thác cát trái phép có thể xem là thức thời.

Những “hố tử thần”

Đau xót trước cái chết của con trai, mấy ngày nay, anh Trần Anh Sinh (trú thôn Hà Nha, Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) chẳng thiết ăn uống, hết thắp hương cho con, lại ra bờ sông Vu Gia. Anh Sinh kể, chiều 29-4, do người lớn trong nhà đi làm, con trai anh mình là cháu Trần Anh Tuấn (10 tuổi) ra sông Vu Gia chơi, sau đó bị rơi xuống sông. Dù được phát hiện, nhưng khi được vớt lên cháu Tuấn đã tử vong. “Con tôi trượt chân rơi vào hố nước do các doanh nghiệp hút cát tạo ra. Rơi vào những hố nước này, không chỉ trẻ nhỏ, người lớn mà không biết bơi cũng chết. Khi xuống đưa con lên, tôi không thể tự leo lên được vì cát dưới chân cứ lún xuống, phải nhờ người khác kéo lên” – anh Sinh kể. Cho rằng chính các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Vu Gia có lỗi trong cái chết của con trai mình, anh Sinh đã mời CAH Đại Lộc làm rõ nguyên nhân và chặn xe, yêu cầu các tài xế vận chuyển cát phải vào thắp hương cho con.

Nỗi bức xúc của anh Sinh và nhiều người dân ở xã Đại Đồng là điều dễ hiểu, khi mà đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm khác tại đúng địa điểm các doanh nghiệp khai thác cát. Trước cái chết của cháu Trần Anh Tuấn không lâu, cụ ông Võ Lực (trú thôn Hà Nha) khi chèo ghe qua sông để làm đồng thì lọt vào vùng xoáy của hố nước và chết đuối. Trước đó nữa, cuối năm 2014, em Nguyễn Trường An (trú thôn Lâm Phụng, xã Đại Đồng) khi ra sông Vu Gia (đoạn thuộc thôn Hà Nha) tắm thì rơi xuống hố nước và chết đuối. Liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước tại cùng địa điểm như vậy khiến người dân rất lo lắng. Cũng có con trai bị đuối nước tại khu vực khai thác cát, anh Nguyễn Văn Trực (trú xã Đại Đồng) bức xúc: “Họ dùng máy hút cát tạo nên các hố dưới lòng sông Vu Gia rất sâu mà dân chúng tôi gọi đó là hố nước tử thần. Ngoài ra, họ vận chuyển cát khiến bụi bay mù mịt”.

Có mặt tại khu vực bãi khai thác cát thuộc thôn Hà Nha và Vĩnh Phước (Đại Đồng), chúng tôi chứng kiến nhiều máy hút đưa vòi xuống lòng sông Vu Gia để “ăn” cát và cạnh đó là nhiều nén hương thắp cho những người chết đuối. Với quy mô khai thác lớn như vậy nên nhiều năm qua dòng sông Vu Gia đoạn chảy qua khu vực này bị biến dạng, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cũng như đất sản xuất của người dân.

Ngay cả các thuyền được cấp phép khai thác, ban ngày chở thuê cho doanh nghiệp thi công công trình, nhưng ban đêm có thể lại đi hút trộm cát trên sông Thu Bồn. (Công an TP Đà Nẵng)
Ngay cả các thuyền được cấp phép khai thác, ban ngày chở thuê cho doanh nghiệp thi công công trình, nhưng ban đêm có thể lại đi hút trộm cát trên sông Thu Bồn. (Công an TP Đà Nẵng)

Quyết liệt vào cuộc

Đại tá Nguyễn Đức Dũng – Trưởng phòng Tham mưu CA tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình khai thác cát trái phép trên sông tại Quảng Nam đang “nóng” lên, có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường xuyên sử dụng ghe máy lén lút khai thác cát vào ban đêm, gây thất thoát tài nguyên, sạt lở đất hai bên sông, ảnh hưởng đến môi trường và ANTT tại địa phương. “Thực hiện Chỉ thị 08 ngày 13-4-2011 của Tỉnh ủy và Chỉ thị 12 ngày 15-4-2011 của UBND tỉnh về việc lập lại kỷ cương trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, CA tỉnh Quảng Nam đã chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch 1926 ngày 21-7-2014 về tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hành vi thăm dò, khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đảm bảo ANTT, lập lại kỷ cương trên lĩnh vực khoáng sản” – Đại tá Nguyễn Đức Dũng thông tin.

Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát bảo vệ (CSBV), Phòng CSGT, CAH Duy Xuyên và Điện Bàn tổ chức kiểm tra, truy quét trên 50 đợt, lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị xử phạt vi 69 trường hợp; tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt với số tiền 1,097 tỷ đồng. Gần đây nhất, 19 giờ ngày 2-5, CAH Duy Xuyên tuần tra trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa phận xã Duy Phước, phát hiện Phan Văn Tân (trú TT Hương An, Quế Sơn) đang dùng ghe máy khai thác cát trái phép. Tiếp đó, 23 giờ ngày 4-5, Phòng CSMT phối hợp với CAX Điện Phương, tổ liên ngành của CAX Điện Phong tổ chức mật phục trên địa phận cầu Câu Lâu (xã Điện Phương) phát hiện và bắt giữ 10 ghe máy vận chuyển 15 đến 20m3 cát trái phép và đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật cho CAH Điện Bàn để tiếp tục đấu tranh làm rõ để xử lý.

“Việc tổ chức truy quét gay gắt trong những ngày đầu tháng 5 đã góp phần hạ nhiệt khai thác cát trái phép trên sông. Tuy vậy, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh, ngăn chặn vì thế còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định” – Đại tá Dũng nhấn mạnh.

Lập trạm kiểm tra, kiểm soát

Trong nội dung kết luận của ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam – Huỳnh Khánh Toàn đánh giá tình hình tại cuộc họp diễn ra vào ngày 4-5 nêu thực trạng đáng lo, đó là “nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt vào cuộc để truy quét nạn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, thậm chí còn vận dụng chủ trương, chính sách không đúng, cấp phép không đúng thẩm quyền; đặc biệt gần đây, tình trạng khai thác cát lòng sông trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn diễn ra phổ biến, phức tạp, không kiểm soát được, gây hậu quả thất thu cho ngân sách Nhà nước, môi trường bị ô nhiễm, mất ANTT trên địa bàn. Tình trạng trên phải được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời”.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, tại cuộc họp khẩn ngày 6-5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với các ngành gồm CSMT, CSGT đường thủy, Thanh tra Sở TN-MT thành lập trạm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện đường thủy trên các sông Vu Gia – Thu Bồn. Cùng với việc thành lập trạm kiểm tra liên ngành, UBND tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động của các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác cát, sạn, sỏi lòng sông. Đồng thời yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác cát, sạn sỏi lòng sông phải có cam kết sử dụng phương tiện vận tải thủy có đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Đơn vị nào không chấp hành hoặc cố tình vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động và không gia hạn giấy phép khai thác. UBND tỉnh yêu cầu đơn vị thi công các công trình xây dựng trên địa bàn, nhất là đơn vị tham gia xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, phải sử dụng đất, cát, sỏi có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng vật liệu do các đối tượng khai thác trái phép cung cấp.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm: Về phía CA tỉnh, ngay sau cuộc họp, CA tỉnh đã có văn bản chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các trường hợp thăm dò, khai thác cát, sỏi trái phép trên sông. CA tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Sở TN-MT thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm như khai thác cát trên sông Thu Bồn, khai thác cát, đất để san lấp phục vụ thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Liên quan đến thông tin cho rằng, có một số cán bộ địa phương có hành vi bao che, làm lơ để tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra, Đại tá Nguyễn Đức Dũng cho biết, lãnh đạo CA tỉnh đã giao cho Phòng CSMT kiểm tra và báo cáo. “Nếu thông tin trên là đúng thì quan điểm của lãnh đạo cũng như CA tỉnh là xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật” – Đại tá Dũng nói.

Cấm sử dụng vật liệu không rõ nguồn gốc cho Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng NgãiTheo Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), qua kiểm tra hiện trường các gói thầu của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho thấy, nhà thầu phụ là Cty TNHH Trung Chính có tập kết 1.104m3 cát đến công trường (khu vực lân cận mố cầu A2 cầu VD07) vào các ngày 25, 27-4-2015 và các ngày 2, 3-5-2015, số cát trên được cho là cát khai thác trái phép. Theo giải trình của Cty TNHH Trung Chính, Cty không biết việc nhà cung cấp cát là Cty Phúc Thịnh Đạt – đơn vị được chấp thuận cung cấp vật liệu cát cho gói thầu – đã khai thác cát trái phép và cung cấp cho đường công vụ thuộc Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Trước thực trạng trên, VEC đã yêu cầu BQL Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và tư vấn giám sát chỉ đạo Nhà thầu di dời số vật liệu tập kết ra khỏi phạm vi thi công, dừng công tác vận chuyển và tập kết vật liệu, kiểm tra lại nguồn cung cấp của đơn vị cung cấp, kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan. Đồng thời, VEC yêu cầu BQL Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi rút kinh nghiệm, chỉ đạo Tư vấn giám sát tăng cường hơn nữa công tác quản lý trên công trường, nghiêm cấm sử dụng các nguồn vật liệu chưa được cấp phép hoặc không có nguồn gốc rõ ràng để thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Ph.Điền