Siêu dự án Núi Pháo Thái Nguyên: Xử phạt hơn nửa tỉ đồng với “núi” sai phạm

ThienNhien.Net – Trong Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước đối với Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ này đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty Núi Pháo.

“Núi” sai phạm

Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo là đơn vị chủ đầu tư Dự án Núi Pháo nằm trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

Mới đây, Bộ TN-MT đã ban hành Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước đối với Công ty Núi Pháo.

Theo Kết luận thanh tra, công ty này đã để xảy ra nhiều vi phạm, tồn tại trong 4 lĩnh vực: Bảo vệ môi trường; khoáng sản; đất đai và tài nguyên nước.

Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai, Công ty Núi Pháo đã thu hồi đất không đúng quy hoạch, nằm ngoài khu vực dự án.

Một số diện tích đất được giao nhưng chưa làm thủ tục thuê đất với Nhà nước; chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Siêu dự án Núi Pháo (Thái Nguyên) được kết luận để xảy ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong 4 lĩnh vực.

Đáng chú ý, nhà máy có công suất khai thác và chế biến theo thiết kế đến 3,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, nhưng đến thời điểm thanh tra, Bộ TN-MT xác định Công ty Núi Pháo chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa di dời số hộ dân sống trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng môi trường.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Công ty Núi Pháo đã phát hiện có khoáng sản mới trong quá trình khai thác nhưng đã không báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Tại thời điểm thanh tra, Công ty Núi Pháo chưa lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản; chưa thu hồi khoáng sản vàng đi kèm được xác định trong dự án đầu tư đã phê duyệt…

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, tại thời điểm thanh tra, Công ty Núi Pháo đã khoan thăm dò nước dưới đất với chiều sâu 120 mét nhưng chưa có giấy phép; chưa điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải của Giấy phép xả nước thải vào nguồn được cấp…

Về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, Công ty này không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành giai đoạn 2 và 3 của dự án.

Cũng về vấn đề chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, Công ty Núi Pháo chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi thải ra các hồ lắng quặng; sử dụng các hồ lắng là các ao hồ, hố đất tự nhiên, chưa được lót đáy đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật nhằm đảm bảo nước thải không thấm vào môi trường đất, nước ngầm theo quy định.

Bên cạnh đó, Công ty Núi Pháo cũng chưa lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động theo quy định. Công ty Núi Pháo còn làm phát tán hơi dung môi hữu cơ, hóa chất đặc trưng trong quá trình tuyển, chế biến khoáng sản.

Căn cứ vào các sai phạm kể trên, Thanh tra Bộ TN-MT đã xử phạt doanh nghiệp này 510 triệu đồng.

Buộc khắc phục hậu quả

Thanh tra Bộ TN-MT buộc Công ty Núi Pháo phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.

Đầu tiên, Bộ TN-MT buộc công ty phải đình chỉ và khắc phục ngay hành vi vi phạm, phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình Bộ TN-MT kiểm tra, xác nhận hoàn thành.

Vào thời điểm PV ghi nhận vào năm 2016, người dân tại xã Hà Thượng (Đại Từ, Thái Nguyên) phải bịt mũi mỗi khi ra đường vì mùi khó chịu bốc ra từ công trường khai thác của siêu dự án Núi Pháo.

Trong thời gian cải tạo, lắp đặt, xây dựng công trình bảo vệ môi trường để khắc phục hậu quả vi phạm, Bộ TN-MT yêu cầu công ty phải có kế hoạch, lộ trình giảm công suất hoạt động của nhà máy, đảm bảo các công trình hiện hữu đáp ứng được việc xử lý các chất thải phát sinh với công suất phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Tiếp theo, Công ty Núi Pháo phải có biện pháp giảm ô nhiễm bụi, mùi, hơi hóa chất tại các khu vực sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Thực hiện quản lý chặt chẽ hóa chất từ khâu vận chuyển, lưu giữ và sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất và các công trình xử lý chất thải. Có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố trong quá trình vận hành các công trình xử lý chất thải.

Trong quá trình hoạt động, Công ty Núi Pháo phải kiểm soát chặt chẽ các chất độc hại như arsen, xyanua, beri. Công ty cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện và đầy đủ các tác động của beri đến môi trường xung quanh, nhất là đối với sức khỏe của người dân và công nhân thuộc khu vực dự án.

Về các công trình xử lý chất thải trong dự án, Bộ TN-MT yêu cầu Công ty Núi Pháo phải cải tạo nâng cấp và xây dựng các công trình này theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Công ty phải có lộ trình khắc phục và thực hiện ngay việc đánh giá, quan trắc, giám sát thường xuyên hoặc tự động liên tục đối với chất lượng nước ngầm ở xung quanh các hồ chứa, các khu dân cư (chú trọng khu vực xóm 6, xã Hà Thượng).

Công ty Núi Pháo phải tiến hành lót đáy hoặc có biện pháp chống thấm các hồ lắng quặng đuôi, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn bãi chôn lấp chất thải nguy hại…

Người dân đã khiếu kiện tới các cơ quan chức năng khi chủ đầu tư dự án Núi Pháo không đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe của người dân khi tiến hành dự án.

Trước đó, kể từ khi dự án khai thác chế biến khoáng sản lớn nhất Việt Nam của Công ty Núi Pháo thuộc Công ty CP Tài nguyên Masan (Công ty Masan) ở các xã Hà Thượng, Hùng Sơn, Tân Linh huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, ảnh hưởng từ hoạt động khai thác chế biến khoáng sản của công ty này cũng đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn.

Những người dân bị ảnh hưởng đã liên tục khiếu nại, kiến nghị đến các cơ quan chức năng bởi hàng ngày họ đang phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường.

Thực trạng đã và đang xảy ra với hàng trăm hộ dân xã Hà Thượng (Đại Từ, Thái Nguyên) từ nhiều năm qua.

Bà Trần Thị Minh Hương – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vào thời điểm đó xác nhận, qua các kết quả quan trắc được thực hiện bởi Sở TN-MT Thái Nguyên, cơ quan này đã phát hiện chất Xyanua vượt quá tiêu chuẩn cho phép tại khu vực xóm 7, xã Hà Thượng.